Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc và đức độ
Thứ tư: 10:38 ngày 01/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam.

Người đã dành trọn cuộc đời chiến đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Một nhân cách đức độ, giản dị, khiêm tốn, thẳng thắn, chân thành, giàu tình yêu thương con người, luôn được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo, được bạn bè quốc tế cảm phục.  

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: TTXVN phát

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trải qua nhiều cương vị, trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Dù ở cương vị, trọng trách, điều kiện hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, mưu lược, quyết đoán, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã có những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia gắn liền với tên tuổi đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, có giá trị to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam

Từ quê hương bên dòng sông Gianh lịch sử, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên dấn thân vào con đường cách mạng, trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực; có những đóng góp xuất sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Trong những ngày đầy gian khó của phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Bình, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã cùng tập thể lãnh đạo, cụ thể hóa đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng vào địa bàn, đưa Quảng Bình thành tỉnh đi đầu trong xây dựng làng chiến đấu, tạo cơ sở để củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, huy động sức dân cho sự nghiệp kháng chiến, tiến tới phát động phong trào “Quảng Bình quật khởi” giành những thắng lợi quan trọng, tạo nên bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến của quân và dân Quảng Bình.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101, Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Với những thành công trong chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Quảng Bình, đồng chí được Trung ương cử đi học lý luận, rồi làm phái viên của các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, tham gia Đảng ủy Chiến dịch Trung Lào, Điện Biên Phủ. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước yêu cầu xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng để miền Bắc xã hội chủ nghĩa hoàn thành nhiệm vụ hậu phương lớn của cách mạng miền Nam, trên cương vị Cục phó rồi Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã lãnh đạo cơ quan hoàn thành xuất sắc chức năng tham mưu chiến lược về công tác quốc phòng, quân sự địa phương, trong đó tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận chiến tranh nhân dân từ Trung ương đến cơ sở ngày càng vững chắc.

Đặc biệt, dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là những năm tháng đồng chí được trao trọng trách Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước sự đánh phá ác liệt của kẻ địch, sự bất lợi về địa hình, thời tiết, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công, vận dụng sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, tổ chức, động viên hàng chục vạn bộ đội, thanh niên xung phong cùng phương tiện ô tô, xe cơ giới, máy móc, pháo cao xạ… ngày đêm đương đầu với “mưa bom, bão đạn” của địch, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm phấn đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo phát triển đường Trường Sơn thành Tuyến chi viện chiến lược - hậu phương trực tiếp cho các chiến trường, sáng tạo ra một kiểu tổ chức vận tải chiến lược, một binh đoàn binh chủng hợp thành lấy bộ đội vận tải làm trung tâm, thực hiện thành công công cuộc chi viện từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo nên nghệ thuật đảm bảo chi viện trong chiến tranh cách mạng.

Thời gian Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 (1967-1975) là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN

Song song với việc chỉ huy, chỉ đạo tổ chức chiến đấu, bảo vệ, khai thác đường Trường Sơn, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn chỉ đạo công tác tổ chức giúp đỡ nước bạn Lào một cách hiệu quả. Với tư duy nhạy bén, mang tầm chiến lược về nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào xây dựng, củng cố vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang, vừa mang ý nghĩa quốc tế, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, vừa có ý nghĩa trực tiếp với việc giữ vững và phát triển tuyến chi viện chiến lược.

Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, nước nhà thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lần lượt đảm nhiệm các trọng trách của Quân đội, Chính phủ. Với tác phong mẫn cán, sâu sát, tư duy sắc bén cùng với bản lĩnh của một vị Tướng dạn dày trận mạc, dù trên bất kỳ cương vị lãnh đạo nào, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng luôn thể hiện tinh thần quyết liệt, sâu sát thực tiễn trong chỉ đạo điều hành; không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, để lại những dấu ấn đậm nét trong các lĩnh vực, nhất là xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải.

Không chỉ là vị tướng tài ba của Quân đội, nhà lãnh đạo thực tiễn xuất sắc của Đảng, đồng chí luôn sẵn sàng nhận trọng trách, đem hết sức lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã để lại nhiều tác phẩm lý luận, tổng kết những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ huy chiến đấu, lãnh đạo điều hành trong xây dựng và phát triển đất nước đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là bài học, kinh nghiệm quý báu cho thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Để lại nhiều dấu ấn với những công trình thế kỷ

Phó Chủ tịch HĐBT, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên cùng chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam tại lễ nối liền dầm thép đôi bờ cầu Thăng Long - biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô, ngày 16/10/1983. Ảnh: Nguyễn Chính/TTXVN

Trên các trọng trách được giao sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí luôn thể hiện tinh thần quyết liệt, sâu sát thực tiễn, không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, khẳng định vai trò của nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh. Đồng chí tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ và để lại những dấu ấn đậm nét trong các lĩnh vực được phân công quản lý, điều hành, trong đó có nhiều đóng góp trong tham mưu hoạch định các chủ trương, chính sách về xây dựng, phát triển các ngành, cũng như trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, các công trình công nghiệp, dân dụng trọng điểm của quốc gia... Hàng loạt công trình công nghiệp quy mô lớn, như: Nhà máy xi măng Bỉm Sơn Thanh Hóa, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Khu gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà Máy xi măng Kiên Lương, nhà máy Xi măng Thuận Châu, công trình xây dựng thế kỷ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, cầu Chương Dương… đều mang dấu ấn của ông.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên đến kiểm tra công trình xây dựng cầu Chương Dương và trực tiếp quét sơn lan can cuối cùng trước lễ thông cầu (6/1985). Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Tháng 9/1976, đồng chí được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, cùng với các bộ có liên quan đảm trách việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng… Tháng 2/1977, đồng chí được điều sang làm Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng và sau đó lên làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trên cương vị mới đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ vào công việc và thường xuyên vào Nam ra Bắc để trực tiếp nắm bắt, chỉ đạo các công trình trọng điểm của quốc gia. Đến tháng 2/1982, đồng chí được điều động sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đồng chí tiếp tục thể hiện tài năng trong việc quản lý điều hành và tháo gỡ những khó khăn của ngành. Từ năm 1982, đồng chí lần lượt được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị (khóa V), Ủy viên Bộ Chính trị (khóa VI) và được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ 1986-1991.

Đặc biệt, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của Chính phủ, đôn đốc thực hiện việc mở đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh). Với tầm nhìn xa trông rộng, và bằng kinh nghiệm xương máu, thực tiễn trong chiến tranh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất mở nhánh Tây đường Hồ Chí Minh từ Khe Gát Quảng Bình đến Tây Nguyên. Theo ông, con đường nhánh Tây Trường Sơn có rất nhiều lợi thế trong bảo vệ Tổ quốc. Ông trăn trở: “đất nước chỉ có một con đường độc đạo xuyên Bắc Nam. Trong chiến tranh nước ta đã phải trả giá xương máu, chết chóc quá nhiều để mở một con đường mới. Những xương máu, công sức ấy không thể phí phạm, cần được phát huy thật đúng mực, tận dụng nó làm con đường phát triển đất nước, phát triển kinh tế vùng núi và cũng là để bảo vệ an ninh, quốc phòng đất nước. Không ai dám chắc là đất nước mãi yên bình, chúng ta luôn phải sẵn sàng...”.

Và đường Hồ Chí Minh hôm nay đã chứng minh không chỉ có vị trí vô cùng quan trọng trong giao thông của quốc gia mà còn quan trọng trong phòng thủ đất nước…

Nhận xét về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói “… đồng chí đã có công lao lớn trong cuộc tổng khởi nghĩa 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh".

Luôn trọn nghĩa tình với đồng chí, đồng đội

Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên thăm nhân dân vùng bị bão ở huyện Diễn Châu (Nghệ Tĩnh), tháng 10/1989. Ảnh: Văn Thái/TTXVN

Là một vị lãnh đạo hết sức khiêm nhường, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không bao giờ ỷ vào quyền lực để áp đặt mà ôn hòa lắng nghe, trao đổi, thương mến đồng chí đồng đội. Mỗi trận thắng, từng chiến công có được, với đồng chí đó đều là thành tích và công lao của cả tập thể; trường hợp gặp thất bại hoặc chưa thành công đồng chí đều nhận trách nhiệm về mình. Đồng chí cũng đặc biệt quan tâm đến cán bộ chiến sĩ. Trong thời gian làm Tư lệnh Đoàn 559, đồng chí đã nghĩ ra cách trang bị áo giáp và mũ sắt cho các chiến sĩ; nguỵ trang cho những chiếc xe làm nhiệm vụ vận tải bằng tre, nứa. Vị Tư lệnh này luôn đau đáu tìm mọi cách để làm sao vừa nâng cao hiệu suất hoạt động của toàn tuyến, vừa giảm thiểu đến mức thấp nhất sự hy sinh, mất mát của anh em chiến sĩ.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo củng cố tình đoàn kết giữa bộ đội Trường Sơn với nhân dân các bộ tộc Lào, nhân dân Campuchia; thường xuyên tổ chức cứu đói, phối hợp với lực lượng cách mạng và nhân dân hai nước bạn đánh địch mở rộng vùng giải phóng. Đáp lại tình cảm sâu sắc ấy, nhân dân Lào và Campuchia đã tự nguyện dời bản, chuyển nhà và góp phần xây dựng bảo vệ con đường trong suốt những năm dài chiến tranh, để đường Trường Sơn không ngừng vươn sâu, vươn xa đưa người và hàng ra mặt trận.

Đặc biệt, đồng chí luôn nặng tình với đồng đội. Chính đồng chí là người đã đề xuất chủ trương, tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước và xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn tại khu đồi Bến Tắt (thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô nhất, thể hiện lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đến với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, nhắc nhở các thế hệ mai sau về một thời kỳ oanh liệt, một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục