Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ hai tỉnh Long An và Tây Ninh về thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII vào chiều 23.5 tại thành phố Tân An, đồng chí Phan Đình Trạc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã chỉ đạo hai địa phương phải nghiêm túc quán triệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong giai đoạn hiện nay.


Tiếp và làm việc với Đoàn có Bí thư Tỉnh uỷ Long An Nguyễn Văn Quyết; Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hai địa phương.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An báo cáo với Đoàn công tác Trung ương về những nỗ lực của tỉnh.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An đã tập trung lãnh đạo thực hiện 35 nhóm nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu và không gây ảnh hưởng đến các hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Tây Ninh, tỉnh đã xác định 32 nhiệm vụ cần triển khai trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và 12 nhiệm vụ sau khi sắp xếp. Đặc biệt, Tây Ninh đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Long An để hoàn thành và trình Trung ương phê duyệt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới, đảm bảo tiến độ theo quy định.

Theo Đề án sắp xếp tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh, đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên hơn 8.536 km2, quy mô dân số hơn 3 triệu 254 ngàn người, dự kiến có 96 đơn vị hành chính cấp xã.
Dự kiến, Tỉnh uỷ mới sẽ thành lập 5 cơ quan tham mưu, giúp việc và 2 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng UBND tỉnh sẽ thành lập 14 cơ quan chuyên môn, 2 tổ chức khác trực thuộc và 11 đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tỉnh mới đi vào hoạt động kể từ ngày 1.9.2025.
Để chuẩn bị cho đại hội theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, hai địa phương đã phối hợp thành lập Tổ công tác chuyên trách xây dựng và biên tập Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh (sau hợp nhất) nhiệm kỳ 2025 – 2030. Trong đó, cơ bản thống nhất đề xuất 16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cùng 5 công trình sử dụng vốn đầu tư công và 3 Chương trình đột phá.

Với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, hai tỉnh đang dồn toàn lực cho nhiệm vụ chính trị này. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh uỷ Long An và Tây Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn đang đặt ra, nhất là việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức sau sáp nhập, cũng như xử lý khối lượng tài sản nhà nước và phát triển hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, công tác số hoá tài liệu cũng đang là một trở ngại đáng kể. Dù đối mặt với khó khăn, nhưng người đứng đầu hai tỉnh vẫn thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ để hoàn thành nhiệm vụ.
Trên cơ sở báo cáo của hai địa phương và các ý kiến đóng góp của Đoàn công tác, đồng chí Phan Đình Trạc-Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của hai tỉnh Long An và Tây Ninh trong quá trình triển khai Nghị quyết.

Để bộ máy cấp xã, cấp tỉnh vận hành đúng tiến độ theo quy định, đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu Long An và Tây Ninh phải nghiêm túc quán triệt và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, gắn chặt với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.
Trong đó, cần làm tốt công tác quy trình nhân sự ở cả hai cấp, đồng thời khẩn trương rà soát, bố trí lại nơi làm việc hợp lý, hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập, nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
“Để bộ máy hành chính mới vận hành hiệu quả và thực chất sau sắp xếp, Long An và Tây Ninh phải chú trọng công tác tư tưởng; bố trí, sắp xếp lại đội ngũ nhân sự một cách hài hoà, hợp lý, khách quan, công tâm – lấy hiệu quả công việc và lợi ích phát triển chung của địa phương làm mục tiêu hàng đầu” – đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Ngoài ra, để tạo dư địa mới cho phát triển và thu hút đầu tư chiến lược, đồng chí cũng đề nghị hai địa phương cần cần chủ động nghiên cứu, xây dựng quy hoạch mới phù hợp với thực tiễn, xem chính những điều kiện hiện có và phát triển mạng lưới giao thông là đòn bẩy quan trọng để bứt phá, phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Huỳnh Phong – Đức Cảnh