Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chiều 5-12, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Đề cập các quan điểm trong Nghị quyết của Trung ương, đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, các kỳ đại hội gần đây của Đảng đều đặc biệt nhấn mạnh công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong đó, Đại hội XIII xác định, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng.
Nhằm cụ thể hóa yêu cầu trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 28-NQ/TƯ) đã được ban hành. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng trên cơ sở tổng kết, đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Nghị quyết nêu rõ, các quan điểm, 3 mục tiêu và 6 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Trung ương chỉ rõ, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Trung ương còn chỉ rõ, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời, cần thận trọng, có bước đi vững chắc; vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến cơ sở
Theo đồng chí Trương Thị Mai, trong Nghị quyết, Trung ương xác định rõ mục tiêu là tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới. Giữ vững nguyên tắc của Đảng, đồng thời, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Nghị quyết còn nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật và các văn bản dưới luật; tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp. Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ.
Mục tiêu nữa là xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức Đảng, thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.
Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (tháng 10-1947) là: "Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân, tranh lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa", Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên luôn thấm nhuần lợi dạy của Bác; nghiên cứu, học tập, thực hiện Nghị quyết để đạt được những thành tích "to tát hơn", được nhân dân tin yêu, quý mến.
Theo chương trình, ngày 6-12, hội nghị tiếp tục làm việc, các đại biểu nghe 2 chuyên đề là: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Nguồn hanoimoi