Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trường Hoà, hai ngôi đình Trung
Thứ tư: 08:16 ngày 07/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Liệu có phải là ngoại lệ, khi thôn Trường Hoà, sau đó là làng rồi xã Trường Hoà trước năm 1979 có đến hai ngôi đình? Lấy mốc 1979, vì đấy là năm huyện Hoà Thành được thiết lập trên cơ sở của huyện Toà Thánh.

Cúng đình Trường Đông- tháng Giêng Mậu Tuất- 2018

Và cũng theo đó mà xã Trường Hoà được tách làm ba, để có thêm 2 xã mới là Trường Tây và Trường Đông. Trong khi xã gốc mang tên thôn làng cũ (Trường Hoà) có từ gần 200 năm trước nhưng nay không có ngôi đình nào thì ở mỗi xã mới đều có một ngôi, mà ngôi nào cũng có gốc gác xa xưa.

Theo sách “Di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh”, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2014 thì cả hai ngôi đình ấy đều được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các bài viết giới thiệu di tích cho biết: “đình Trường Đông có cách đây hơn 100 năm, thờ thành hoàng bổn cảnh” (trang 66).

Còn ở trang tiếp theo, lại là “Đình Trường Tây được xây dựng cách nay 150 năm thờ ông Trần Văn Điền đã có công trong việc di dân mở làng xây dựng vùng đất xã Trường Tây…”. Nhân tiện cũng cần nói đến những chỗ sai hoặc mâu thuẫn của các bài viết này.

Một là, chuyện đổi tên huyện, lập xã mới của huyện Hoà Thành mới chỉ xảy ra cách nay chưa đầy 40 năm mà tác giả đã quên mất cái tên gốc của làng Trường Hoà, vậy nên trong bài viết đình Trường Đông thì gọi là vùng đất Trường Đông. Tương tự thế là vùng đất Trường Tây (ở bài đình Trường Tây).

Hai là, trong bài viết về đình Trường Đông có đoạn về hai vị tiền hiền và hậu hiền được thờ ở đình làng. Trong đó có nêu các ông: “đã có công lập làng Trường Đông”. Điều này, xin được nhắc lại rằng: xưa nay, trong quá trình phát triển thôn, làng, xã ở Tây Ninh, chưa bao giờ có đơn vị nào được gọi là làng Trường Đông cả.

Ba là, trong bài viết về đình Trường Tây, có 3 đoạn sau đây:

1. “Xây dựng đình Trường Tây để tưởng nhớ công đức vị tiền hiền mà nhân dân rất mực kính trọng”.

2. “Đình Trường Tây được xây dựng để thờ thành hoàng bổn cảnh, người đã có công trong việc di dân mở làng xây dựng vùng đất xã Trường Tây…”.

Vậy nhân vật chính được thờ tại đình là ai đây? Tiền hiền, ông Trần Văn Điền hay thành hoàng bổn cảnh? Trong 3 lý do trên, cái nào là chính để nhân dân xây dựng ngôi đình thờ?

Ngày nay, cả hai ngôi đình vẫn còn trên hai bến sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng. Một ở ấp Trường Ân, xã Trường Đông và một ở ấp Trường Huệ, xã Trường Tây. Ra Giêng, các ban hội đình lại chuẩn bị cho lễ hội Kỳ yên theo tục lệ từ xưa để lại. Lễ hội sớm nhất là ở đình Trường Đông vào 2 ngày rằm và 16, bến bờ còn đầy ắp hương vị và không khí tết.

Sang mùng 10 và 11 tháng 2 (âm lịch) mới đến Kỳ yên đình Trường Tây. Lễ hội rất vui, đậm đà sắc thái dân gian truyền thống. Cả hai đình đều giữ nghi thức thả thuyền tống tiễn quan ôn sau khi lễ cúng Kỳ yên hoàn tất. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, nghi thức này có ý nghĩa khác. Không phải là: “Đúng 12 giờ 30 phút trưa nước ròng thì đưa hai ông đi…” như sách đã dẫn viết (bài về đình Trường Đông).

Hai ông ở trên chính là các vị tiền hiền: “được nhân dân kính trọng, khi mất được lập đền thờ”. Điều này là hoàn toàn trái ngược với quan niệm của dân gian xưa nay về nghi lễ thả thuyền “tống ôn”. Đây là sự tống tiễn các “quan ôn dịch bệnh” với hy vọng năm tới sẽ không còn những thiên tai, dịch bệnh trong làng xã. Đây cũng là một trong những nét nhân văn của phong tục cúng đình, miếu dân gian.

Xin trở lại với nguồn gốc hai ngôi đình cổ, đều nằm trên miền đất xưa thuộc xã Trường Hoà.

Chúng ta đã biết Trường Hoà vốn là một thôn thuộc tổng Triêm Hoá, huyện Quang Hoá có từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Sách “Từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ” không ghi rõ từ năm nào nhưng ít nhất cũng là từ 1836- năm thiết lập phủ Tây Ninh cùng các huyện, tổng, thôn trực thuộc. Trong quá khứ, Trường Hoà từng gắn kết nhiều hơn với xã Cẩm Giang lân cận; chứ không phải xã Long Thành cũng liền kề ở về phía Bắc.

Thời kỳ đầu, trong khi Long Thành thuộc tổng Hoà Ninh, huyện Tân Ninh thì Trường Hoà cùng với Cẩm Giang lại thuộc về tổng Triêm Hoá. Mãi tới năm 1943, hai xã Long Thành và Trường Hoà mới về chung một tổng Hàm Ninh Thượng, quận Châu Thành.

Hai ban hội đình hiện tại đều không rõ vì sao Trường Hoà xưa lại có tới 2 ngôi đình. Mà đình nào là đình Trung (đình chính) thì cũng không ai biết.

Vào đầu năm 2018, ông Hồ Minh Chống (tự Tư Chèo) trong Ban hội đình Trường Đông cho biết, ông là cháu gọi cụ Hương cả làng Trường Hoà bằng ông ngoại. Mà trước đó còn có hai đời hương cả nữa là các cụ Huỳnh Văn Nhu và Nguyễn Văn Tiếu. Ông bà kể lại rằng, đình Trường Đông nay có từ thời cụ Nhu làm Hương cả (còn gọi là cụ giáo Long).

Đình trước kia nằm bên góc rạch Thanh Long đổ vào sông Vàm Cỏ. Đến năm 1952, phần do thiên tai- lũ lụt Nhâm Thìn, phần do địch hoạ- tàu chiến Pháp ngày đêm ruồng bố trên sông bắn phá mà đình phải dời về vị trí ngày nay thuộc ấp Trường Ân. Năm lập đình không ai nhớ nhưng chắc chắn có trước năm 1937, do lễ Kỳ yên năm ấy ông Hương cả có đem chuyện lập miếu Bà Chúa xứ ra bàn ở đình làng.

 Về đình Trường Tây thì cũng không có căn cứ nào để khẳng định đình đã có: “cách đây 150 năm”. Trong khi đó, trên mặt cổng đình có đắp chữ số nổi là 1909. Bà Phạm Thị Viện, 75 tuổi, nhà ở cạnh ngôi đình- người từng giữ nhang khói cho đình từ nhỏ hãy còn nhớ và kể rằng: đình được xây dựng từ thời bà nội của bà còn sống. Trải 3 đời người, có thể xác định gần đúng là khoảng 75-80 năm trước.

Vậy con số 1909 kia là đáng tin hơn. Mặt khác, việc xác định thành hoàng đình là cụ Trần Văn Điền vẫn chưa có căn cứ vững chắc. Bởi cái tên này cũng chỉ mới xuất hiện gần đây. Ông Nguyễn Văn Đúng (Hai Đúng), 85 tuổi, nguyên Trưởng Ban hội đình Trường Tây xác nhận rằng, tên cụ Điền mới chỉ được nhắc đến khoảng 5 năm nay, đó là do con cháu cụ sưu tầm công tích cụ để lại.

Mà công tích này cũng chỉ được mô tả như sau: “Ông Trần Văn Điền (theo truyền khẩu gốc người Gia Định) cùng gia quyến ngược dòng sông Vàm Cỏ Đông đến vùng đất này (vùng đất Trường Tây ngày nay) khai hoang định cư sinh sống. Trải qua năm tháng định cư trên vùng đất mới ông lao động quá sức nên phát bệnh và mất…” (Lý lịch di tích lịch sử văn hoá đình Trường Tây, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Tây Ninh tháng 8.2005).

Vậy cụ Điền cũng chỉ là một vị “tằng tổ” của một gia đình từng đến Tây Ninh tìm đất sống như bao dòng họ khác. Công tích ấy chưa đủ để nhân dân suy tôn là thành hoàng. Vậy cứ theo ký ức của nhân dân trong vùng, thì vị thần được thờ trong đình là thành hoàng bổn cảnh- một vị linh thần không cần biết họ tên. Nhiều ngôi đình ở miền đất phương Nam, kể cả những đình có sắc phong như đình Thái Bình, Hiệp Ninh cũng thế mà thôi!

Giêng hai năm Mậu Tuất, những lễ Kỳ yên của hai ngôi đình làng Trường Hoà xưa lại rộn ràng vui trên bến nước sông Vàm.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục