Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trường nghề chật vật tuyển sinh
Thứ bảy: 09:06 ngày 24/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dù đã tìm nhiều cách để thu hút người học, nhưng Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu.

Ngày 23.6, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh có buổi làm việc với lãnh đạo Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh về tình hình dạy nghề trong thời gian từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Kiều- Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh báo cáo với đoàn khảo sát về tình hình tuyển sinh và đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Kiều- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hiện có khoảng 350 học sinh. Nhiều năm qua, tình hình tuyển sinh vào hệ trung cấp nghề vẫn còn nhiều khó khăn, thường xuyên tuyển thiếu chỉ tiêu (bình quân mỗi năm tuyển được 170/200 chỉ tiêu được giao).

Bên cạnh đó, địa bàn tuyển sinh của trường cũng không được mở rộng, đa số học sinh là con em trên địa bàn huyện Gò Dầu, Trảng Bàng. Chất lượng đầu vào cũng thấp, phần lớn học sinh lớp 9 không vào được lớp 10 hoặc không muốn vào mới chấp nhận học nghề.

Trong hơn 2 năm qua, có trên 2.500 người theo học tại trường, trong đó số học viên theo học các lớp trung cấp là 472 người, sơ cấp 695 học viên, phần còn lại là những người học nghề dưới 3 tháng.

Theo thống kê của nhà trường, 90% học sinh, học viên trung cấp đã tìm được việc làm sau khi ra trường với mức lương khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng.

Thời gian tới, nhà trường sẽ liên kết với một số trường đại học để mở lớp đào tạo đại học (nguồn tuyển là học viên có văn bằng trung cấp).

Lãnh đạo nhà trường đề nghị các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác phân luồng sau trung học cơ sở để thu hút học sinh lớp 9 vào trường trung cấp nghề.

Một vấn đề bất cập hiện nay là, theo quy định, thời gian đào tạo nghề chỉ hai năm, nghĩa là khi tốt nghiệp, học sinh lớp 9 chưa đủ 18 tuổi nên một số doanh nghiệp ngần ngại, không tuyển dụng.

Máy móc, nhà xưởng tại Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh.

Về phía thành viên đoàn khảo sát, có ý kiến cho rằng, trường tọa lạc tại một vị trí không thuận lợi, không hợp lý vì nằm trong vùng nông thôn. Để thu hút được người học, nhà trường cần đào tạo theo nhu cầu của thị trường và làm tốt hơn công tác truyền thông.

Bà Kim Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, trưởng đoàn khảo sát đề nghị lãnh đạo trường khắc phục những hạn chế, trong đó có công tác quảng bá hình ảnh nhà trường, kể cả bảng tên hay vệ sinh cảnh quan.

Giải trình thêm, ông Nguyễn Văn Kiều- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hàng năm, trường có cử người đến các trường trung học cơ sở để giới thiệu, quảng bá về trường nghề. Một trong những trở ngại trong công tác tuyển sinh hiện nay là nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con đi học xa nhà. Để tháo gỡ, nhà trường đã mở một lớp đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Gò Dầu, thời gian tới có thể mở một lớp ở Trảng Bảng, với tinh thần đem trường học đến với học sinh.

Trước đó cùng ngày, đoàn khảo sát làm việc với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Gò Dầu về tình hình giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Buổi làm việc xoay quanh một số nội dung cơ bản: chính sách giảm nghèo; danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tình hình sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm...

Đ.V.T

Tin cùng chuyên mục