Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trường nghề thiếu giáo viên cơ hữu
Thứ bảy: 15:58 ngày 16/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Không chỉ tình hình tuyển sinh gặp khó khăn, một số trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp đang thiếu giáo viên cơ hữu, có nơi giáo viên thỉnh giảng còn nhiều hơn số giáo viên trong biên chế.

Hội đồng nhân dân tỉnh vừa công bố kết quả khảo sát về công tác đào tạo và phát triển nhân lực tại một số trường nghề, trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh khảo sát tình hình hoạt động đào tạo tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh.

Theo kết quả khảo sát, công tác tuyển sinh tại hầu hết các trường đào tạo nghề ngày càng khó khăn, có ngành không tuyển được học viên dù trước đó cơ sở đào tạo đã có nhiều nỗ lực để thu hút người học, như phối hợp với các trường để tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy tại các trường nghề cũng còn nhiều bất cập, số giáo viên thỉnh giảng nhiều hơn giáo viên cơ hữu (Trung cấp Y tế có 18 giảng viên cơ hữu, trong khi số giáo viên thỉnh giảng lên đến 61 người). Tương tự, Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh có 22 giáo viên cơ hữu, và giáo viên thỉnh giảng cũng có đến 17 người.

Cơ cấu đội ngũ giáo viên ở một số trường chưa hợp lý về số lượng, một số bộ môn không có giáo viên cơ hữu, phải sử dụng giáo viên thỉnh giảng hoàn toàn. Độ tuổi bình quân của giáo viên đang có xu hướng “già hóa” (giáo viên trên 50 tuổi chiếm trên 20%, một số thầy cô sức khỏe đã suy giảm).

Tại Trường Cao đẳng sư phạm Tây Ninh, trong số 69 người đang đứng lớp thì có 41 người trên 50 tuổi, tương đương 59%.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên trường nghề- Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân tỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo nghề tại các trường nghề tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và lạc hậu về công nghệ.

Tính liên kết, hợp tác giữa trường nghề với doanh nghiệp chưa thường xuyên, nhà trường vẫn đang đào tạo những ngành nghề có sẵn, chưa đào tạo được theo nhu cầu của thị trường.

Để khắc phục phần nào hạn chế bất cập nêu trên, cơ quan khảo sát đã nêu ra một số vấn đề cần lưu ý đối với các cơ sở đào tạo.

Theo đó, các trường đào tạo nghề và doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trao đổi, liên kết với nhau trong quá trình đào dạo cũng như tuyển dụng, ký hợp đồng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Giữa nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp tổ chức cho học viên thực tập trên hệ thống dây chuyền sản xuất hiện có để vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, vừa hạn chế kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học, đào tạo.

Đ.V.T

Tin cùng chuyên mục