Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trương Quyền và Pu-Kom-Pô trong mắt người Pháp (Tiếp theo và hết)
Thứ tư: 14:36 ngày 10/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước khi tiếp tục, bạn đọc có lẽ đã thấy, văn chương quốc ngữ khi dịch tác phẩm Đại Nam quốc lược sử của Alfred Schreiner năm 1906 còn khá trúc trắc, khó hiểu, thậm chí sai cả chính tả.

Sông (rạch) Vịnh, Châu Thành

Tuy vậy, do bảo đảm tính nguyên bản, nên những đoạn trong ngoặc kép là trích nguyên văn. Ví dụ đoạn sau đây, khi cuộc chiến đầu tiên đã kết thúc, Schreiner viết : “Bởi thiểu số quá (lính đồn Tây Ninh) không sức cự lại, nên tốp binh nhỏ ấy phải thủ đồn; nhưng vậy nó có gõ đặng dây thép xuống Sài Gòn mà báo tin, vì qua chiều, quân loạn mới tưởng tới vụ chặt diễn tiến mà thôi…”.

Còn chưa thể hiểu “chặt diễn tiến” là gì, nhưng cũng đoán được văn trên viết là quân đồn thủ Tây Ninh đã điện báo được tới Soái phủ tại Sài Gòn. Ở đây cũng dễ dàng nhận ra “nhãn quan” không che giấu của tác giả là đứng về phe người Pháp khi ông viết về lực lượng khởi nghĩa như là một nhóm “quân loạn” hay là “nghịch đảng”.

Đoạn tiếp theo Schreiner viết: “Tức thì có một chiếc tàu ở Sài Gòn đi với binh tiếp có ông phó quan năm bộ Marchaisse tổng lãnh; còn ông quan ba bộ Fremiet, đốc lý tại Trảng Bàng, thì mau mau xuất hành với một toán 40 người, lối chín giờ tối tới Tây Ninh mà không có sự chi cảng trở”.

Về các đội quân tiếp viện này, tác giả Trần Văn Giàu trong tác phẩm “Chống xâm lăng” cũng viết một cách chi tiết và chính xác hơn (vì phù hợp với tình hình giao thông ở Tây Ninh lúc ấy). Đấy là: “Được tin, đô đốc La-gơ-răng-de cấp tốc gửi chiến thuyền “Long-din” đem quân cứu viện tới Tây Ninh… Địch đổ bộ tại Bến-Keo (Bến Kéo) ngoài vàm sông, cách Tây Ninh 7 dặm không một tên Pháp nào dám ló ra khỏi thành để đi đón viện binh từ Bến Keo đến…”.

Điều này hoàn toàn chính xác vì theo Huỳnh Minh trong sách Tây Ninh xưa: “Đến năm 1902, mới có 1 con kinh đào đáng kể nhất trong tỉnh là con kênh đào Séville… kinh dài 4 cây số rưỡi, nối liền tỉnh lỵ Tây Ninh với sông Vàm Cỏ Đông, lưu thông được cho ghe thuyền trung bình” (trang 28, sđd, NXB Thanh niên, 2001).

Do nhãn quan chính trị của mình, tác giả sách Đại Nam quốc lược sử cũng không hề mô tả suy sụp tinh thần của lính Pháp sau khi thất trận. Ông cũng “quên” luôn việc đầu tiên của quan năm Macchaisse là lấy lại tinh thần cho đồng bọn để thu hồi xác đồng bọn trở về.

Điều này đã được tác giả sách Chống xâm lăng miêu tả: “Quan năm Mac-se-zơ tụ họp tất cả lính còn lành mạnh của đồn để xuất quân, lần này địch lấy được xác địch về, nhưng chỉ giáp chiến sơ sài bằng đại bác rồi hối hả về đồn, mới hay rằng Đơ-lác-cơ-lô-zơ bị một mũi tên của người Stiêng thiện xạ ngay trên ngực…”.

Sau khi được bổ sung quân, Marchaisse tổ chức lại đội quân để có thể báo thù, truy quét và tiêu diệt quân khởi nghĩa. Nhưng cũng phải tới ngày 14.7, tức là sau một tuần thì mới có thể xuất quân. Schreiner viết: “Bữa 14, Juin, người đi ra một lần nữa với 150 quân nhơn và hai khẩu đại bác. Lần này người gặp giặc như người ta đã báo. Lối 3 giờ chiều người thấy quân cao-man ở sau Rạch Vịnh, mà hai bên bờ sình lầy lung lắm; người truyền lệnh áp đánh.

Không đặng bao lâu, đạo colone binh liền ra giữa lầy mà xáp với số giặc đông quá đỗi, ông quan năm Macchaisse với mười ba người bị tử trận. Qua năm giờ, phải thối về, nhờ có hai khẩu pháo nên ông quan ba Fournie mới ngăn đặng quân nghịch lại… và đem binh về, song rủi phải bỏ lại mấy người tử trận…”.

Về trận chiến bại thứ hai này, tác giả sách “Chống xâm lăng” có lời bình luận: “Theo lệ thường, từ trước tới giờ, từ cuộc cận chiến của Nguyễn Trung Trực (đốt thuyền Pháp trên sông Nhật Tảo- TV) thì ngoài dã chiến 150 quân có vũ khí tạm thời có thể dành tan hàng nghìn người vũ khí thô sơ…”.

Tuy vậy sách này cũng có nhầm lẫn khi viết trận Rạch Vịnh chỉ cách Tây Ninh hơn 10 dặm. Sự thực là rạch Vịnh ở khá xa, cách Tây Ninh khoảng 18km, tức khoảng gần 30 dặm. Trong trận này, Đội quân có thể đánh tan hàng nghìn người ấy đã thua thảm hại. Cho dù nhãn quan của tác giả Đại Nam quốc lược sử là đứng về phía quân Pháp, vẫn phải thú nhận trong các dòng sau, khi kể về hậu quả khi “thu dọn chiến trường”.

Đấy là: “Qua hai ba bữa sau, khi người ta tới đặng chỗ chiến tràng ấy, thời thấy mấy thây đã bị thú rừng, kên kên quạ quạ xé ăn, vã chăng đã hư rã quá đổi, không nhìn lại được. Một phần tử thì phải dòng xuống giếng mà lấp đi, phần khác phải bỏ vào một cái thùng cây lớn mà chôn, đầu ông phó quan năm (Marchaisse) thì gặp tại một gốc cây kia, song theo lời mấy vị trưởng lão trong xứ lại nói rằng, người ta kiếm không ra hoặc là chẳng nhìn lại đặng xác người…”.

Quả thật đây là đòn chí mạng vào quân Pháp xâm lược. Soái phủ Sài Gòn lập tức điều binh lên giữ Tây Ninh. Schreiner cho biết: “Đồn Tây Ninh bổ sung lên tới 500 lính. Quân đồn trú ở Trảng Bàng cũng đông hơn. Ngoài ra còn có thêm các tàu chiến đậu trên sông Bến Lức” (tức sông Vàm Cỏ Đông).

Vai trò của Trương Quyền được mô tả là khá mờ nhạt trong cuốn sử này. Schreiner chỉ nhắc tới ông ở hai đoạn. Một là: “Mới vừa khởi nguyện đặng ít ngày, thấy có một ít chính đảng annam theo phe ông Pu- Kầm-Pô, trong đám đó có người con ông Quản Địch là Trương Huế, song tên thiên hạ biết hơn là Hai Quyền với Thị Quyền…”.

Song, tác giả cũng phải thừa nhận rằng, chính các đội quân an-nam ấy đã tiến đánh các đồn binh Pháp tại Thuận Kiều, Hóc Môn, thuộc Gia Định, kể cả sự chuẩn bị đánh đồn Trảng Bàng nhưng lại thôi (do “đồn bế kiên cố hẳn hòi lắm”).

Về các sự kiện trên, sách Chống xâm lăng đã cụ thể và chi tiết hơn. Đấy là do: "Quân Pháp tập trung nhiều ở Tây Ninh chống Pô-kum-pao, thì quân khởi nghĩa Việt Nam đánh vào đồn Thuận Kiều, gần Sài Gòn (trên đường Sài Gòn-Tây Ninh) để chia bớt lực lượng của địch. Đêm 24.6 tức là chỉ 10 ngày sau trận Rạch Vịnh, quân ta phá nhà dây thép (bưu điện) Thuận Kiều, leo vào đồn, vừa hát vang trời, vừa xông tới chém giết địch, ta đem vào đồn nhiều xe bò để chở khí giới đạn dược lấy được của địch…”.

Sau các trận đánh kể trên, quân Pháp tiếp tục truy quét liên quân. Đấy là trận ngày 2.7.1866 tại Trà Vong. Theo Schreiner thì: “Tối đêm đó mấy kẻ cướp phá có tới mà đốt đặng chợ lá”; còn theo GS Trần Văn Giàu: “Nghĩa quân Khmer-Việt vào tận phố Tây Ninh mà đánh, đốt phá cơ quan của địch và nhà cửa những kẻ tay sai của địch”.

Đến ngày 11.7, lại có “quan Tư Alleyron... người đánh đuổi quân Cao Man ở tại mấy luỹ kiên bế họ lập tại Ba-Vang (Trà Vong- TV)”. Đến đây, Liên quân đã phải túng thế, để đến cuối năm ấy, lực lượng chủ yếu phải chuyển qua đất Campuchia. Tuy vậy, họ vẫn duy trì một số căn cứ ở Tây Ninh, như An Cơ (Châu Thành) và Suối Dây (Tân Châu). Sách Đại Nam quốc lược sử không nhắc đến các địa danh này, nhưng sách Chống xâm lăng thì có.

Đấy là vào khoảng tháng 12.1866: “Một trận lớn xảy ra ở đồn An-Cư- là một căn cứ của liên quân Khơ mer - Việt, trong trận này Pháp tổn thất một trung đội với hai quan ba, bên phe ta thì Tán lý Trần Văn Dụ, gốc người Gò Đen bị tử trận”. Đến 28.7.1867: “Căn cứ Suối Giây bị địch phá, nghĩa quân Việt Nam bắt buộc phải rút lui từng toán nhỏ về xa dưới vùng Hậu Giang…”.

Chưa có một sử liệu vững chắc nào về kết cuộc của Trương Quyền, kể cả tài liệu của Pháp lẫn Việt Nam. Đại Nam quốc lược sử cũng có đoạn khiến học giả Trương Ngọc Tường hiểu lầm rằng Trương Quyền bị bắt. Đấy là: “Bữa mồng 3, người con ông Quản Định gần bị thầy hộ ở tại Chợ Lớn, là ông Đỗ Hữu Phương, có ông Đỗ- Kiểng- Phước là cai tổng Bình Điền giúp, bắt đặng tại Bến Lức. Hai ông này lấy hết thảy đồ đạc của Trương Huệ, trong đó có giấy tờ trọng hệ lắm…”.

Nhờ có chữ gần trong đoạn trên, mới hiểu được là ông mới chỉ suýt bị bắt mà thôi. Có lẽ sau đó, ông đã trở lại vùng rừng núi Tây Ninh để tiếp tục có các trận An Cơ và Suối Dây trong năm 1867. Sau “Suối Giây” vào tháng 7.1867, không ai nghe nói gì về tung tích Trương Quyền nữa. Không ai xác định được ông còn sống hay đã mất. Cho tới năm 1868, giặc Pháp vẫn treo giải thưởng 1.000 quan cho ai bắt được “Cậu Hai Quyền”. Ông đã đột ngột biến đi, sau khi để lại trên bầu trời Tây Ninh những vệt sao băng ngời sáng.

TRẦN VŨ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục