Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bà nội tôi không biết nhiều chuyện cổ tích. May cho bà, vì tôi là đứa trẻ không mê chuyện xa xưa đó. Ngược lại, tính tôi tò mò còn bà thì hoạt ngôn, hỏi gì bà cũng trả lời được.
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Cha tôi bảo mày đừng tin chuyện của bà, vì bà ít học nên chẳng đúng gì đâu, nhất là mấy cái chuyện liên quan đến khoa học tự nhiên như mặt trăng mặt trời, ngôi sao đám mây, con cua cây lá...
Sáu tuổi, tôi không cần biết đúng sai. Chỉ cần có người giải đáp thắc mắc thật nhanh cho tôi là được. Ví như có lần nằm chơi với bà, tôi nhìn lên bức tường và hỏi tại sao con thằn lằn lại cụt đuôi. Rất nhanh, bà bảo thằn lằn mẹ bỏ đuôi để cho con của nó ăn.
Tôi thích cách lý giải này của bà. Từ bữa đó tôi không còn bắt những con thằn lằn dài đuôi để chơi nữa.
Vì tôi sợ mỗi lần túm lấy, thằn lằn tự cắt cái đuôi bỏ chạy, như thế sẽ không có thức ăn cho bầy con của nó. Nghe tôi thủ thỉ như thế, bà bảo cháu ngoan lắm, biết thương động vật là người sống có tình.
Cha tôi ngược lại, hỏi cái gì cha cũng bảo để nghiên cứu cho chính xác sẽ trả lời sau. Mà cha lại nhiều việc, hay quên. Thỉnh thoảng tôi nhắc lại mấy thắc mắc rồi bảo bà nội đã giải thích cho con. Cha tôi nghe chuyện, thốt lên vớ vẩn, làm gì có chuyện thằn lằn bỏ đuôi cho con ăn.
Rồi cha bảo với bà từ nay đừng giải thích kiểu nói dối đó cho trẻ con nghe. Chúng nó là trẻ em thời đại mới, phải giải thích cho có căn cớ khoa học, sau này mới tiếp cận được tri thức toàn cầu.
Tôi đợi hoài những giải thích đầy đủ căn cớ khoa học, nhưng rất hiếm khi cha trả lời. Và nếu có thì đó cũng là những giải thích khô cứng, khó hiểu, nào chọn lọc tự nhiên, tiến hóa bậc cao, gen di truyền, phản xạ có điều kiện...
Cha tôi quyết định chuyển cả nhà lên thành phố sinh sống. Như ý cha nói là để tiếp cận với văn minh đô thị. Lên đó anh em chúng tôi mới có cơ hội học tập tốt hơn, dịch vụ xã hội và môi trường hiện đại hơn.
Bà nội nhất quyết không đi theo. Bà nói tụi bây cứ đi, tao vẫn còn tự lo được cho mình. Chục năm nay sáng nào bà cũng ra ngồi trước ngõ buôn gạo.
Một cái mủng tre đan chứa gạo, cái hộp sữa bò làm lon để đong đếm, đồ nghề của bà chỉ có vậy. Nhà tôi lên phố, bà vẫn ở quê buôn gạo.
Thế nhưng thỉnh thoảng chúng tôi về thăm, bà vẫn có tiền cho anh em tôi và còn khoe có dành dụm làm mấy khâu vàng cất phòng khi.
Lần nào thấy tôi về quê bà cũng mừng. Không hẳn vì nhà có tiếng người, bởi ở làng quê hôm nào chả có hàng xóm sang chơi với bà.
Không hẳn vì bà để dành mấy trái ổi bọc nilông chờ chúng tôi về mới hái xuống. Bà mừng là bởi thằng cháu hay hỏi chuyện, và bà có dịp để... bịa chuyện. Bà nói tuổi già, nhiều khi lú lẫn, có mấy đứa tò mò để bà động não cũng vui vui.
Những câu chuyện bà bịa ra có vẻ hoang đường nhưng rất hóm hỉnh. Ví dụ trái ổi trên cây phải bọc nilông kẻo sợ ma vọc, con chim sâu kêu lích chích bởi cái mỏ nhọn như mũi kim, trời lạnh nằm ngủ co giò vì không có ai nằm cùng...
Tôi đem những câu chuyện này lên phố, biến thành những câu đố dí dỏm thử chúng bạn. Mấy đứa bạn cười chê, bảo giải thích bậy bạ, chẳng khoa học chút nào.
Công ty của cha làm ăn thua lỗ. May nhờ những khâu vàng tích cóp của bà nội đã giúp cha trang trải nợ nần.
Năm đó tôi đã học cuối cấp ba, về quê hỏi bà có tiếc hộp vàng đó không. Bà móm mém cười bảo không buồn, dành dụm cũng là để cho con cho cháu thôi mà. Tôi cũng hóm hỉnh đùa, như con thằn lằn bỏ cái đuôi để cho con nó ăn phải không bà.
Ba năm du học xa nhà, tôi nhớ bà nội, nhớ những câu chuyện kể bằng tiếng quê mộc mạc. Tôi thường gọi điện về nhắc nhở hai đứa em út thường xuyên về quê chơi cho bà đỡ buồn.
Nhưng cả hai đứa đều bảo bận học thêm, học bổ trợ, với lại chúng nó không thích chuyện bà kể, cứ quê kệch thế nào ấy.
Tôi về quê khi bà đã yếu lắm rồi. Bà gầy, chỉ còn da đồi mồi bọc lấy những thanh xương. Tôi biết không còn cơ hội nào để nghe thêm những câu chuyện bịa của bà nữa.
Nhưng tôi vẫn ghé tai hỏi bà, biết đâu đánh thức được chút gì đó. Bà nằm mê man trên giường. Cha tôi bảo một năm nay bà điếc đặc, có nghe gì nữa đâu.
Tôi theo các chú bồng thi thể nhẹ hều của bà ra giếng để tắm cho bà lần cuối trước khi khâm liệm. Bà nhẹ quá, nhẹ hơn một thúng gạo. Không hiểu sức lực đâu mà bà bê được cái thúng gạo đầy ra tận trước ngõ.
Nếu hỏi câu này lúc bà còn tỉnh táo, thể nào bà cũng bịa ra chuyện, chẳng hạn bốn chân con thằn lằn yếu ớt bấu vào vách mà vẫn gánh nổi toàn thân hình cả đời đó thôi.
Tôi không khóc, vì tôi phải kìm giữ giọng để thủ thỉ bên tai bà những câu hỏi ngô nghê về trái cây, về con vật, về trăng sao, kể cả về con thằn lằn bỏ đuôi.
Dù tôi đã thừa biết khoa học giải thích chuyện con thằn lằn bỏ đuôi là để tự vệ, đánh lạc hướng kẻ thù.
Khi ngoáy ngón trỏ vào tai bà, tôi lôi ra được một con thằn lằn khô đét. Con thằn lằn nằm cuộn tròn trong lỗ tai bên trái của bà.
Chắc đã lâu không ai nói chuyện với bà phải không, bà ơi. Nên con thằn lằn cuộn tròn ngủ vĩnh viễn trong hốc tai này mà chẳng tiếng động nào đánh thức nó dậy. Một con thằn lằn không có đuôi.
Nguồn TTO