Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Truyện ngắn: Ngôn ngữ bất đồng
Thứ bảy: 08:09 ngày 01/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mọi việc diễn ra chỉ bằng cử chỉ, hành động và những nụ cười, cả bốn người không thể nói chuyện bằng ngôn ngữ chung được.

1. Trận lũ ống kinh hoàng quét sạch nhà cửa, vật nuôi theo hà bá xuống suối, xuống sông, cũng may người nhanh chân chạy trốn kịp không ai thiệt mạng. Đổi lại cả làng tay trắng, vô gia cư.

Như mọi người, vợ chồng Tân cũng nhận được quà cứu trợ, rồi tiền nhà nước giúp đỡ khắc phục khó khăn, mọi nhà dựng lều, dựng lán ở tạm. Đang loay hoay chưa biết cất chòi ở đâu để ở tạm, thì người em họ lập nghiệp ở Tây Ninh về thăm.

Anh em chuyện trò, người em kể ở Tây Ninh ít khi bị thiên tai bão lũ, cuộc sống nông dân cũng đỡ khổ hơn ở quê nhà. Nghe lời em, Tân xin phép địa phương đưa vợ con vào Tây Ninh định cư lập nghiệp. Mong được bình yên làm ăn. Biết đâu đất cũ đãi người mới- Tân an ủi vợ khi nàng tỏ ra lưỡng lự chưa tin.

Cha mẹ Tân là người tha hương, lưu lạc không còn biết quê hương, bản quán của mình ở đâu, cuộc sống bám víu tá túc vào bến tàu, bến xe nay chỗ này, mai chỗ khác, nơi nào không kiếm đủ sống dời đi nơi khác.

Chính quyền địa phương vận động, thu gom những người sống vô gia cư vào một địa điểm gần biên giới, gọi là “Khu kinh tế mới”, cấp đất ở, đất canh tác, hỗ trợ vật liệu làm nhà, lương thực ăn trong 6 tháng.

Thiên tai xảy ra liên miên, khi giá rét, lúc nắng hạn, khi mưa lũ, cuộc sống vất vả phải tằn tiện mới đủ ăn, bỗng cơn lũ quét ập đến mất sạch. Người em họ có con trai tình nguyện nhập ngũ vào bộ đội biên phòng, hết nghĩa vụ được cử đi học sĩ quan, ra trường được điều về Tây Ninh công tác. Vài năm ở Tây Ninh, chàng sĩ quan biên phòng kết duyên với cô gái người Campuchia gốc Việt.

Tây Ninh vùng đất tuy nắng nóng nhưng ít khi bị thiên tai như ở các địa phương khác, nông dân chịu khó làm ăn cuộc sống cũng mau khá giả, chàng trai nghe lời vợ về quê vận động gia đình vào Tây Ninh lập nghiệp. Người em họ kể, vài năm đầu mới vào chật vật, vất vả lắm, may đúng lúc đang khổ tính hồi hương thì nhà nước giao đất, giao rừng.

“Lúc đầu mình chỉ dám nhận mười héc ta, sau nhận thêm, nay quản lý hơn năm chục héc ta”. “Ôi da, những năm mươi héc ta cơ à, làm sao mà giữ nổi?”. “Có tổ liên kết, những người có diện tích liền nhau cùng bảo vệ, rồi có cán bộ ban quản lý, cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng hỗ trợ nữa”.

“Những năm mươi héc quá nhiều, rừng của chú mày thôi đã gấp mấy lần diện tích rừng cả bản này rồi”. “Anh chị mà vào trong ấy tôi nhượng hợp đồng chăm sóc cho mười héc, cho mượn thêm vài công đất trống canh tác hàng vụ nữa”.

2. Tân được người thân giúp đỡ, chính quyền địa phương cấp cho thửa đất cất nhà ở trong khu dân cư mới hình thành gần đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Có đất rộng rãi lại gặp đúng mùa mưa dễ trồng tỉa, vợ chồng Tân cùng nai lưng phát rẫy, cuốc đất, xuống giống, những luống khoai lang, vạt bắp, đám bí đỏ tươi xanh mơn mởn phát triển thật vui mắt.

Còn lưng vốn thấy cỏ dại mọc nhiều nơi, Tân bàn với vợ mua cặp trâu của một người cùng ấp, trâu không phải làm chuồng trại, chăn dắt cũng không mất nhiều thời gian, lại có phân bón cho cây trồng. Thấy vợ chồng Tân hiền lành, chí thú làm ăn, nhiều người dân trong ấp Biên Giới ghé chơi làm quen, họ chỉ cho cách trồng cấy theo mùa vụ. Ông trưởng ấp là người ghé nhà Tân đầu tiên.

Ông thăm hỏi, rồi căn dặn vợ chồng Tân những việc cần làm, cần nhớ, sợ vợ chồng Tân quên. Lần nào ghé thăm ông cũng nhắc đi nhắc lại không được tự do đi qua đường biên giới sang bên phía nước bạn. Các chiến sĩ Biên phòng thường xuyên ghé thăm nhà Tân. Lúc Tân hay vợ đau đầu, sổ mũi còn được anh em chiến sĩ về đồn xin thuốc mang đến cho uống. Tân đãi anh em chiến sĩ khi nồi bắp, lúc rổ đậu phộng luộc.

Một buổi chiều Tân dắt đôi trâu ra vạt cỏ gần đường biên giới, lựa hai gốc cây cột dây vào để cho trâu tự ăn cỏ rồi về nhà chăm sóc mấy liếp rau. Gần tối ra dắt trâu về thì chỉ thấy còn một con, con kia đã bứt dây đi mất.

Tân tá hoả chạy đi tìm, đến gần đường biên giới, nhìn sang phía nước bạn thì thấy một người già, một đứa trẻ ở trần, cạnh đó một bầy trâu đang cần mẫn gặm cỏ. Tân dùng tay ra hiệu, miệng hỏi hai người kia có thấy con trâu của mình đâu không. Người ở bên kia đường biên giới nghe Tân nói, ông ta trả lời liến thoắng bằng tiếng Campuchia, tay chỉ trỏ lia lịa về phía bầy trâu, Tân không hiểu ông ta nói gì, muốn gì.

Theo tay ông ta chỉ, Tân nhận ra con trâu của mình đang gặm cỏ cùng bầy trâu ở bên kia biên giới, anh tính chạy qua dắt về, nhưng tiếng nói của người bên kia Tân không hiểu nổi, rồi động tác của đứa trẻ đi cùng ông ta thật đáng ngờ. Câu nói của ông trưởng ấp “không được tự do đi qua đường biên giới sang phía nước bạn” văng vẳng trong đầu Tân, anh đành đứng đó, miệng nói đi nói lại khản cả giọng như nài nỉ van xin:

- Con trâu đực kia là của tôi, thật mà, làm ơn đuổi nó chạy qua bên này cho tôi đi. Trâu của tôi. Của tôi mà. Đuổi nó lại đây trả cho tôi đi.

Tốp chiến sĩ Biên phòng đi tuần tới nơi, thấy Tân và hai cha con người Campuchia đứng gần đường biên đang tranh cãi nhau bằng hai ngôn ngữ. Một chiến sĩ bước tới, Tân mừng rỡ ra mặt vì đã có người bảo vệ mình đòi lại con trâu, anh trình bày rành rẽ sự việc cho anh ta nghe. Anh tổ trưởng tổ tuần tra vẫy tay cho hai cha con người Campuchia lại gần, anh hỏi bằng tiếng Campuchia, người lớn tuổi cũng trả lời anh chiến sĩ Biên phòng bằng tiếng Campuchia:

- An ní dây chia muôi uia chơrơn đon hôi: Con cò rò bây chomuôl rò bós ênh, via sòrò lach. Con còrò bây nhi rò bós an hôi. Ênh mình chho loong noăm via tâu vinh, via tam con còrò bây nhi rò bosan, chia an chắp còm lós ná (Tao nói với nó nhiều lần: Con trâu đực của mày, nó yêu con trâu cái của tao rồi. Mày không sang dẫn nó về, nó theo con trâu cái của tao, là tao bắt rể luôn đó).

Đứa nhỏ, đứng gần đó, cũng ở trần, mình đen nhẻm, tay cầm con dao băm băm vào gốc cây thốt nốt cao vút. Anh chiến sĩ Biên phòng cùng tổ tuần tra vẫy nó lại gần hỏi bằng tiếng Campuchia:

- “Miên torâu lúc ni day tơ tê?” (Có đúng ổng nói vậy không mày?).

Đứa trẻ nhoẻn miệng cười, hai hàm răng trắng phau, làm cho khuôn mặt nó rạng ngời hẳn lên. Nó trả lời dứt khoát:

- “Tơ râu hơi, can bi mông tâu lúc niday ành chân” (Đúng chớ, từ nãy giờ ổng nói vầy không hà).

Trả lời xong thằng bé lại cười hì hì. Hiểu ra nguyên cớ, cả tốp chiến sĩ Biên phòng và hai cha con người Campuchia nhìn nhau, bỗng họ cùng phá lên cười nghiêng ngả. Tân không hiểu gì, thấy mọi người cười vui vẻ, anh cũng cười theo. Bầy trâu ngừng gặm cỏ, ngơ ngác, những tiếng ọ ẹ, râm ran chiều biên giới.

3. Buổi tối vừa ăn cơm xong trời đổ mưa, cơn mưa hiếm hoi cuối mùa khô nước đổ xối xả, khí trời mát mẻ cảnh vật trở nên dịu ngọt, tiếng côn trùng hoan ca như một dàn nhạc giao hưởng đủ mọi âm thanh, tiết tấu. Ánh chớp chói loà, từ trong nhà nhìn qua cửa sổ Tân thấy hai bóng người lầm lũi bước vào cổng nhà mình.

Tân cầm cây đèn pin mở cửa bước ra. Hai người lạ, họ nói tiếng Campuchia, Tân không hiểu họ nói gì. Qua những động tác, Tân đoán họ xin vào nhà trú mưa, anh mở rộng cánh cửa, hai người bước vào nhà.

Người đàn ông ẵm một đứa trẻ quấn trong chiếc áo nhàu nhĩ, ông ta đặt đứa trẻ xuống đất, đứa trẻ thở khò khè yếu ớt. Tân chỉ tay ra hiệu cho ông ta đặt đứa trẻ lên chiếc giường tre kê ở góc nhà. Ông ta ngần ngại, Tân bước tới, cúi xuống ẵm đứa trẻ lên, tay anh chạm vào cẳng chân nhỏ xíu của đứa trẻ, anh rùng mình bởi cẳng chân đứa trẻ lạnh toát như cục nước đá.

Tân kêu vợ lấy chai dầu gió thoa lên mình đứa trẻ, sẵn chiếc mền trên giường, anh quấn đứa trẻ kín mít chỉ để hở hai lỗ mũi sợ nó ngạt thở. Anh xuống bếp nhóm lửa, lấy cái nồi đổ nước vào cho lên bếp, phản xạ tự nhiên thôi, Tân chả biết mình nổi lửa, nấu nước làm gì? Nhớ lúc ở ngoài quê, khi có người mắc mưa lạnh, người nhà nổi lửa để người mắc mưa ngồi gần bếp cho ấm. Nồi nước trên bếp sôi cho vài lát củ gừng làm nước uống cho ấm bụng, chống cảm lạnh.

Lửa bếp bập bùng, Tân bước ra gian ngoài làm hiệu cho hai người Campuchia vào ngồi gần bếp cho ấm. Người đàn ông ẵm theo cả đứa trẻ được cuốn trong chiếc mền của vợ chồng Tân. Nước trong cái nồi trên bếp sôi sùng sục, Tân với tay lên nóc chạn lấy củ gừng, con dao nhỏ anh xắt vài lát gừng cho vào nồi.

Vợ Tân lấy ra hai cái chén ăn cơm. Tân rót nước ra chén đưa cho hai người Campuchia mỗi người một chén vừa thổi vừa uống từng ngụm nhỏ. Vợ Tân mở cửa chạn lấy ra nồi cơm nguội lúc chiều ăn còn chừng 2 chén, tính để sáng mai lót dạ trước lúc đi làm rẫy, chị bới ra, dùng muỗng múc trong cái nồi nhỏ thó ra mấy miếng thịt ếch kho sả, chị dùng hai tay bưng từng chén cơm đưa cho hai người Campuchia.

Mọi việc diễn ra chỉ bằng cử chỉ, hành động và những nụ cười, cả bốn người không thể nói chuyện bằng ngôn ngữ chung được. Vợ chồng Tân nói với nhau chỉ đủ hai người nghe, hai người Campuchia cũng vậy, chả hiểu họ nói gì với nhau. Hai người Campuchia nhận hai chén cơm họ gật đầu, rồi để chén cơm xuống nền nhà, chắp hai tay đưa lên ngang ngực làm động tác “vái” hai vợ chồng Tân.

Hai người Campuchia ăn cơm rất ngon, vừa hết chén cơm thì ngoài cổng nhà Tân có nhiều ánh đèn pin chiếu sáng lấp loá. Hai người lạ tỏ ra hoảng sợ, họ trốn vào góc nhà nơi để đống củi khô. Tổ tuần tra của bộ đội Biên phòng bước vào cửa, Tân bước ra, anh tính sẽ im lặng không nói gì với các chiến sĩ đi tuần về sự có mặt của hai người Campuchia cùng đứa trẻ nhỏ trong nhà mình.

Một chiến sĩ lên tiếng Campuchia, vợ chồng Tân không hiểu gì. Chiến sĩ ấy vừa dừng lời thì hai người nọ bước trong xó nhà ra, họ tỏ ra sợ sệt. Tổ trưởng tuần tra cho vợ chồng Tân biết vợ chồng người Campuchia cùng đứa trẻ ở mãi bên Biển Hồ, họ đến thăm người thân, khi họ ra khỏi nhà thì mắc mưa, đi lạc đường sang Việt Nam, phía bạn ra thông báo nhờ ta tìm đưa họ về nhà.

Tiễn các chiến sĩ tuần tra cùng hai vợ chồng người Campuchia ra khỏi cổng, quay vào nhà, Tân nói với vợ: “Mình phải đăng ký học tiếng Campuchia thôi”. Nàng cười tươi, Tân thấy nàng xinh đẹp như người mẫu trên ti vi vậy.

Hiền Lương

Tin cùng chuyên mục