Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Truyền thông chính sách: Nhìn từ chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công
Thứ sáu: 15:25 ngày 26/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá X, tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thị xã Trảng Bàng chất vấn Sở Nội vụ (bằng văn bản) về nội dung: Qua theo dõi báo cáo kết quả xếp hạng và phân tích Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 (PAPI), Tổ đại biểu nhận thấy, Tây Ninh có một số tiêu chí thuộc quản lý của ngành Nội vụ thuộc nhóm thấp, như tiêu chí "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở", tiêu chí “Công khai, minh bạch”.

Giờ làm việc tại Phòng Nội vụ huyện Tân Biên.

Tổ đại biểu "đề nghị ngành Nội vụ đánh giá thực trạng, kết quả đạt được trong việc nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách, pháp luật quan trọng liên quan đến công dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua; khó khăn, vướng mắc và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí".

Thông tin dưới đây cho thấy vai trò của truyền thông chính sách quan trọng như thế nào nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật còn thấp

Kết quả Chỉ số PAPI năm 2023 và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023 (PAPI 2023) là Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển - Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện bằng cách lấy mẫu phỏng vấn trực tiếp người dân tại 63 tỉnh, thành phố.

Tại Tây Ninh, ba địa phương được chọn ngẫu nhiên gồm TP. Tây Ninh (khu phố 3, 5 thuộc phường 1 và khu phố 2, 4 thuộc phường 2); TX.Trảng Bàng (khu phố Lộc Du, Lộc Thành thuộc phường Trảng Bàng; ấp An Bình, An Đước thuộc phường An Tịnh); huyện Tân Châu (khu phố 1, 4- thị trấn Tân Châu; ấp Thạnh An, Tân Bình thuộc xã Tân Hiệp). Số phiếu khảo sát được phân bố tối đa 25 phiếu ở mỗi ấp, khu phố. Tổng điểm tối đa của chỉ số PAPI là 80 điểm chia đều cho 8 tiêu chí.

Kết quả công bố chỉ số PAPI 2023 của Tây Ninh đạt 39,24 điểm, giảm 0,18 điểm (39,42), xếp hạng thứ 60/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ nguyên bậc so với năm 2022.

Đối với tiêu chí “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, đây là nội dung đo lường tri thức công dân về quyền tham gia, mức độ hiệu quả của các cấp chính quyền trong việc tạo điều kiện để người dân thực hành tốt nhất quyền tham gia đó theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 trước đây và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 hiện nay. Tổng điểm của tiêu chí này là 10 điểm và được chia đều cho 4 tiêu chí thành phần.

Kết quả khảo sát cho thấy, tiêu chí “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” của Tây Ninh có điểm số thuộc nhóm “thấp”: 3,93 điểm, tỷ lệ rất thấp (chưa đến 20%). Kết quả khảo sát đã chỉ ra một số hạn chế: đa số người dân chưa biết đến những văn bản pháp luật quan trọng như Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Tỷ lệ người dân trả lời biết đến Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2023 của Tây Ninh đạt chưa tới 20%. Tỷ lệ người dân trả lời đã tham gia đóng góp ý kiến cho dự án xây mới, tu sửa công trình công cộng ở địa phương năm 2023 của Tây Ninh đạt chỉ gần 18%. Tỷ lệ người dân trả lời cho biết Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát việc thực hiện dự án xây mới/tu sửa công trình công cộng ở địa phương năm 2023 của Tây Ninh đạt chỉ gần 20%.

Đối với tiêu chí “Công khai, minh bạch”, là nội dung đo lường hiệu quả của chính quyền các cấp trong việc công khai hoá, minh bạch hoá thông tin nhằm đáp ứng “quyền được biết” của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đời sống và sinh kế của nhân dân, tổng điểm của tiêu chí này là 10 điểm và chia đều cho 4 tiêu chí thành phần.

Bộ phận Một cửa xã Tân Phong, huyện Tân Biên.

Kết quả khảo sát cho thấy tiêu chí “Công khai, minh bạch” của Tây Ninh có điểm số thuộc nhóm “thấp” 4,38 điểm. Qua kết quả khảo sát đã chỉ ra một số hạn chế: Việc tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn là tiêu chí thành phần đạt điểm thấp nhất trong bốn chỉ số nội dung về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương. Việc tiếp cận thông tin về kế hoạch sử dụng đất thường niên của người dân còn rất hạn chế. “Tỷ lệ người trả lời biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương năm 2023” của Tây Ninh chỉ đạt khoảng 10%.

Hành động sau khi công bố chỉ số PAPI 2023

Căn cứ kết quả công bố chỉ số PAPI 2023 của Tây Ninh, Sở Nội vụ báo cáo kết quả xếp hạng và phân tích chỉ số PAPI 2023; tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về việc khắc phục các hạn chế và cải thiện chỉ số PAPI trong thời gian tới.

Ngày 15.5.2024, Sở Nội vụ ban hành kế hoạch và khảo sát tình hình niêm yết, công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Tây Ninh. Khảo sát thực tế tại 40/94 xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cho thấy, việc niêm yết, công khai thông tin những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai ở các địa phương chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chưa có sự đồng bộ về nội dung lẫn hình thức. Một số nội dung các địa phương niêm yết không có sự cập nhật theo thời gian quy định, những bảng thông tin ố vàng, nhăn góc, niêm yết dày trên một khung gây bất tiện cho người tra cứu thông tin; cách bố trí bảng niêm yết không trực quan, bố trí ở những vị trí người dân rất khó để xem và tiếp cận.

Một số UBND xã, phường, thị trấn có trụ sở mới xây dựng thì việc thực hiện niêm yết thủ tục hành chính tương đối đạt theo quy định. Còn lại một số địa phương niêm yết số lượng thủ tục hành chính không đồng bộ, mỗi nơi một số lượng khác nhau; có nơi niêm yết thủ tục hành chính đã cũ rách, hoen ố, hết hiệu lực; nhiều nơi đặt bảng niêm yết ở nơi quá cao hoặc quá thấp, khó quan sát, hoặc niêm yết thủ tục hành chính trong những tủ có màng kính, lưới, chốt khoá.

Về mặt khách quan, việc điều tra xã hội học thực hiện bằng cách lấy mẫu phỏng vấn trực tiếp của người dân, điều này phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ, vùng miền và cả thái độ mang tính cảm tính của người trả lời câu hỏi. 

Về mặt chủ quan, khảo sát thực tế cho thấy các cấp uỷ, cấp chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã (cụ thể năm 2023 ở 3 địa phương TP. Tây Ninh, TX. Trảng Bàng, huyện Tân Châu) chưa thật sự quan tâm một số nội dung. Việc chỉ đạo việc triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nhiều nơi còn hình thức. Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể và Ban Thanh tra nhân dân trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên. 

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân nhiều khi chưa kịp thời, một số nội dung cần được công khai, minh bạch, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra chưa được thực hiện nghiêm túc. Đa số người dân những nơi được phỏng vấn chưa nắm bắt nhiều thông tin về thời hạn nhiệm kỳ của các vị trí đại biểu dân cử, chưa phân biệt cán bộ dân cử và cán bộ do chính quyền đề cử, chưa biết nhiệm kỳ của trưởng ấp, tổ trưởng dân phố là bao lâu. Tỷ lệ người dân biết được đóng góp của họ được cộng đồng giám sát thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoặc Ban Thanh tra nhân dân cấp cơ sở còn thấp. Người dân chưa nắm được các khoản đóng góp của họ được sử dụng đúng mục đích hay không. Người dân chưa quan tâm nhiều tới tình hình chính trị của địa phương. Chính quyền chưa có giải pháp để người dân tham gia, đóng góp ý kiến vào quá trình ra quyết định ở cấp cơ sở.

Sở Nội vụ nêu giải pháp khắc phục hạn chế: “Nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, tăng cường hơn nữa trách nhiệm kiểm tra và xử lý ngay trường hợp vi phạm trên tinh thần mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực phải được phát hiện và xử lý triệt để. Kỷ luật nghiêm minh và công khai tên, vị trí công tác đối với những CBCCVC gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường đối thoại, giải quyết kiến nghị của người dân, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng chính quyền thân thiện, văn hoá ứng xử, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến tại cộng đồng dân cư về các chính sách, quy định hiện hành của nhà nước liên quan đến đời sống của người dân; nội dung, vấn đề người dân có quyền được biết, được bàn, được tham gia thực hiện, bảo đảm người dân hiểu biết và thực hiện đúng các quy định của pháp luật liên quan đến đời sống thường ngày”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục