Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tự chủ học thuật trong nhà trường-vừa dễ vừa khó
Thứ tư: 06:15 ngày 18/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài tự chủ tài chính và nhân sự, một nội dung khác của vấn đề tự chủ đang được đặt ra trong nhà trường ở cấp học phổ thông cũng như giáo dục chuyên nghiệp, đại học- đó là tự chủ về học thuật.

Sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh trong ngày khai giảng năm học mới.

Tại cuộc hội thảo về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục được tổ chức tại Tây Ninh cuối tháng 9 vừa qua, các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đã đưa ra những ý kiến, quan niệm tuy đa dạng nhưng thống nhất về vấn đề này.

Xu thế chung các nước

Theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hải Thanh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế, tự chủ học thuật được coi là vấn đề cốt lõi để cải thiện chất lượng đào tạo. Tuy vậy, nội dung dạy học trong nhà trường hiện nay còn nặng nề về lý thuyết, chưa bám sát thực tiễn, thiếu sự liên kết chặt chẽ trong chương trình đào tạo.

Trích dẫn ý kiến trong một công trình nghiên cứu khoa học, tiến sĩ cho rằng, chương trình, nội dung đào tạo hiện nay còn nặng tính chủ quan, chưa thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia và doanh nghiệp. Điều này giải thích vì sao chuẩn đầu ra của cơ sở đào tạo không cao, khó đáp ứng yêu cầu công việc.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Thanh, để giáo dục Việt Nam thật sự có bước chuyển mình, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống hiện đại, tự chủ học thuật, nội dung chương trình giảng dạy chắc chắn phải là một bước đi cần thiết. Theo quan niệm của Hiệp hội Đại học châu Âu, tự chủ học thuật là cho phép các trường đại học tự quyết định các vấn đề học thuật, tự bảo đảm chất lượng đào tạo, số lượng đào tạo, tự chủ động lựa chọn chương trình và ngôn ngữ giảng dạy. Ở một số quốc gia trên thế giới, vấn đề tự chủ trong các trường công lập do Chính phủ quản lý được xác định khá rõ.

Tại Nhật Bản, trường công lập được quyền quyết định về số lượng sinh viên, ngành, nghề đào tạo, các nội dung nghiên cứu cũng như thương mại hoá các kết quả nghiên cứu. Tại Singapore, hằng năm, các trường đề xuất lên Bộ Giáo dục nước này về những điều nhà trường sẽ thực hiện trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu. Nhà trường tự kiểm định, tự đánh giá kết quả đào tạo.

Hầu hết quốc gia có nền giáo dục phát triển đều có tự chủ học thuật. Tại Cộng hoà Ireland, 100% trường đại học, giáo dục chuyên nghiệp của quốc gia này đã tự chủ hoàn toàn về học thuật trên mọi khía cạnh. Các quốc gia khác dẫn đầu về tự chủ học thuật như Na Uy, Mỹ, Phần Lan, Anh đều là những nước có nền giáo dục tiên tiến. 

Tại Việt Nam, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành một quyết định nêu rõ trường đại học được quyền tự chủ tổ chức hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Hải Thanh lưu ý rằng ở Việt Nam không có tự chủ học thuật tuyệt đối, cơ quan quản lý vẫn đồng hành cùng cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ về chất lượng, nội dung đào tạo.

Vì nếu không kiểm soát chặt, các cơ sở đào tạo đại học vì mục tiêu lợi nhuận sẽ mở mã ngành một cách ồ ạt, trong đó có nhiều ngành không phải là thế mạnh của trường mình. Thực tế đã có trường đại học một năm mở đến 22 mã ngành. Tự chủ học thuật, tự chủ kế hoạch đào tạo, nếu thiếu sự kiểm soát, việc kiểm định chất lượng giáo dục bị buông lỏng thì chất lượng đào tạo sẽ giảm sút.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành (Đại học Vinh), giáo dục nói chung, giáo dục đại học, nghề nghiệp nói riêng có vai trò to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Hiện nay, tuy hệ thống giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực nhưng quá trình phát triển vẫn chưa tạo ra những thay đổi có tính hệ thống. Ông cho rằng, các trường đại học phải có một mức độ tự chủ lớn nếu như cơ sở giáo dục có nhiệm vụ điều hành một chương trình giảng dạy sáng tạo và nghiên cứu hữu ích; đồng thời các yêu cầu của xã hội về trách nhiệm báo cáo giải trình chất lượng cần được thực hiện một cách song song.

Ông nêu quan điểm: “Tri thức không phải là một loại hàng hoá có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Nhưng các trường đại học phải hoạt động với tư cách là một bộ phận không thể tách rời của xã hội. Nhà trường có trách nhiệm giảng dạy, nghiên cứu phục vụ các nhu cầu của xã hội- nơi cung cấp nguồn tài chính nuôi dưỡng nhà trường”.

Vẫn theo Tiến sĩ Thái Văn Thành, các trường đại học sẽ có những bước phát triển về trí tuệ và tài chính khi cơ sở giáo dục có mối liên hệ chặt chẽ, hài hoà với các tổ chức xã hội. Song, cơ sở giáo dục cũng có quyền tự do theo đuổi những ý tưởng mới, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu.

Cộng tác- không phải ra lệnh

“Khi nói về các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong các dự thảo của chương trình luôn ghi một điều kiện là, nhà trường được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính. Đây là một điều kiện nói thì dễ nhưng làm thì khó”.

Đó là ý kiến của chuyên gia Phạm Đỗ Nhật Tiến đến từ Học viện Quản lý giáo dục. Theo ý kiến này, quyền tự chủ của trường phổ thông được hiểu là quyền của nhà trường trong quyết định những vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của nhà trường, bao gồm thực hiện chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy.

Cần đẩy nhanh tiến độ thể chế hoá chủ trương tách quản lý Nhà nước với quản trị cơ sở giáo dục. Chính việc chậm thể chế hoá chủ trương này khiến cho vấn đề tự chủ trong nhà trường phổ thông gặp rào cản lớn trong tổ chức thực hiện. Chừng nào chưa tách bạch quản lý Nhà nước với quản trị cơ sở giáo dục thì cơ quan quản lý Nhà nước vẫn tiếp tục giữ thói quen can thiệp vào mọi hoạt động của cơ sở giáo dục.

Điều này biến hội đồng nhà trường thành một thiết chế có tính hình thức. Cần sớm thể chế hoá chủ trương nêu trên để thiết lập một quan hệ mới giữa nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên- thật sự là mối quan hệ hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà trường phát huy tốt quyền tự chủ của mình.

Cơ quan quản lý giáo dục địa phương phải chuyển từ vị trí “ra lệnh” sang “cộng tác” để cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giúp nhà trường phát huy quyền tự chủ. Lãnh đạo nhà trường cũng cần lắng nghe tiếng nói của giáo viên, học sinh, gia đình và xã hội để có những quyết định đúng đắn, phù hợp và khả thi.

Một ý kiến khác, Giáo sư Lê Sơn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đưa ra cái nhìn có phần điềm tĩnh hơn về tự chủ học thuật. Theo ông, tự chủ học thuật là điều phổ biến trong các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển. Ở Việt Nam, tự chủ học thuật cũng đã được đặt ra nhưng phần lớn vấn đề này liên quan đến giáo dục đại học. Tuy vậy, không phải trường đại học nào cũng xây dựng được chương trình đào tạo của riêng mình. Với giáo dục phổ thông, tự chủ về học thuật còn khó khăn hơn nhiều.

Bao giờ… chủ động, sáng tạo ?

Có thể thấy, trong 3 vấn đề của tự chủ giáo dục, gồm tự chủ tài chính, nhân sự và học thuật thì lĩnh vực thứ ba vừa dễ lại vừa khó. Tự chủ học thuật được coi là một “phần mềm” của chương trình giáo dục. Với bậc đại học, giáo dục chuyên nghiệp, nếu đội ngũ cán bộ, giảng viên thật sự có trình độ thì hoàn toàn có thể tự xây dựng được, viết được chương trình đào tạo trong một chừng mực nào đó. Thế nhưng, ngay cả khi cơ sở đủ khả năng thiết kế chương trình đào tạo - tức tự do học thuật thì vấn đề tự chủ vẫn bị chi phối bởi những yếu tố khác như chính trị, thể chế, văn hoá, pháp luật của mỗi quốc gia.

Riêng giáo dục phổ thông, tự chủ học thuật là một vấn đề xa vời. Bởi vì bậc học này, như tên gọi của nó chỉ ở mức độ phổ thông. Kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết, tức mức thấp nhất và được thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Vì thế, chuyện giáo viên tự thiết kế chương trình, lựa chọn tài liệu để dạy học được coi là điều… không tưởng.

Cách nay vài ngày, những người trong ngành đang thắc mắc về một chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đó là năm học 2017 - 2018, giáo viên không được dạy bất kỳ nội dung nào ngoài nội dung trong sách giáo khoa. Đó còn chưa kể, trên phương diện quản lý, như đã dẫn ở phần trên, từ lâu đã hình thành mô hình quản lý rập khuôn, máy móc, điều hành chuyên môn bằng cách ra lệnh. Cấp cơ sở, vì nhiều lý do nên chỉ biết phục tùng theo kiểu trên bảo gì làm nấy. Chừng nào mà việc soạn giáo án của các giáo viên vẫn còn phải giống nhau đến từng chi tiết (như soạn bài ngày nào, dạy ngày nào, các bước lên lớp ra sao….) thì chừng đó tính sáng tạo, chủ động trong dạy học vẫn chưa có điều kiện để xuất hiện.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục