Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Vì kế sinh nhai, nhiều công nhân chấp nhận đầu độc bản thân bằng thủy ngân để khai thác vàng trái phép.
Sumbawa, một hòn đảo thuộc Indonesia, cách Bali 100 km về phía đông, nổi tiếng với hoạt động khai thác quặng vàng trái phép. Tại đồi rừng, các lán trại tạm thời dựng rải rác. Đây là nơi ở của nhiều công nhân.
Thợ mỏ tại Indonesia đang khai thác vàng trái phép. Ảnh: New York Times
"Tôi không lo lắng về thủy ngân. Tôi thậm chí còn uống nó. Chúng tôi cho cả trâu bò uống, chúng đều ổn. Chẳng có vấn đề gì xảy ra", Syarafuddin Iskandar, 58 tuổi, nói để chứng minh đãi vàng bằng thủy ngân lỏng là an toàn. Đối với anh, nỗi lo ngộ độc không có ý nghĩa gì so với những lời hứa hẹn béo bở về việc khai thác trái phép.
Syarafuddin là đại diện cho các lao động bất hợp pháp ở Sumbawa và những nguy hiểm mà họ phải đối mặt. Để kiếm sống, nhiều người chấp nhận đầu độc bản thân, cộng đồng và môi trường bằng cách sử dụng thủy ngân để đãi vàng từ quặng, một hình thức bất hợp pháp nhưng vô cùng phổ biến ở Indonesia.
Trong nhiều thập kỷ, anh Syarafuddin và hàng nghìn công nhân đã khai thác trái phép trên phần đất chính phủ cho các công ty lớn thuê lại, thu được 6 triệu USD mỗi tháng. Song, đi kèm với khoản tiền lớn là một cơ thể bị tàn phá. Thủy ngân là một chất độc tác dụng chậm, ngấm vào hệ tiêu hóa gây ra dị tật bẩm sinh, rối loạn thần kinh, thậm chí tử vong.
Năm 2019, lực lượng chức năng được trang bị vũ khí đã tiến hành tập kích, đóng cửa hàng chục khu khai thác trái phép. Các công nhân tại đây làm việc nhiều năm liền, không có đồ bảo hộ và tiếp xúc với thủy ngân độc hại.
Em bé bị dị tật tay do hậu quả của thủy ngân. Ảnh: New York Times
Tổ chức môi trường Nexus3 Foundation ước tính, 850 khu khai thác vàng của Indonesia đã trở thành điểm nóng nhiễm thủy ngân, gây ngộ độc cho khoảng nửa triệu người trên toàn quốc.
Hoạt động này chủ yếu diễn ra ở những ngọn đồi phía trên hồ Taliwang, một hồ nước cạn tại thị trấn cùng tên. Nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy, ăn một con cá tại đây đủ khiến mức thủy ngân trong cơ thể vượt quá nồng độ cho phép trong vòng một tuần.
Các công nhân có nồng thủy ngân cao, nhiều người biểu hiện triệu chứng ngộ độc như run tay hoặc rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu không có lệnh cấm của chính phủ, họ dễ dàng bỏ ngoài tai những lời cảnh báo.
Các mỏ khai thác, dù trái phép, lại là nguồn lợi ngắn hạn cho nền kinh tế khi sử dụng những lao động sống trong cảnh đói nghèo. Chính quyền địa phương đôi khi không muốn đóng cửa chúng.
Các công nhân hoạt động trong nhiều thập kỷ tại các đồn điền Indotan, thành lập những ngôi làng với quy mô công nghiệp để chế biến quặng. Thợ mỏ khai thác công khai mà không sợ sự can thiệp của cảnh sát. Nguồn lợi thu về từ các hoạt động bất hợp pháp ước tính lên tới 5 tỷ USD mỗi năm.
Nguồn VNE (Theo New York Times)