Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đông Nam Bộ là vùng đất “gian lao mà anh dũng”, là một trong những cái nôi của cách mạng, là trung ương đầu não của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Kinh tế cảng biển là thế mạnh của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phát huy tinh thần cách mạng, Đông Nam Bộ hôm nay là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Một thời lịch sử hào hùng...
Những ngày Tháng Tám năm 2024, hàng trăm đoàn viên, thanh niên tỉnh Tây Ninh khánh thành nhiều tuyến đường cờ Tổ quốc tại các con đường dẫn vào các nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử…
Trên tuyến đường cờ chiều dài gần 4 km với 350 trụ cờ ngang qua xã Tân Lập (huyện Tân Biên), Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh Trần Đặng Tiến chia sẻ: Đây là con đường dẫn vào Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền nam, công trình này được thực hiện để chào mừng các ngày lễ lớn.
"Trong những năm chiến tranh ác liệt, dù phải chịu đựng gian khổ, hy sinh, quân dân Tây Ninh luôn một lòng thủy chung, thương yêu, đùm bọc, chở che, huy động sức người sức của cho cách mạng. Người dân Tây Ninh cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm, nhưng quyết không để cán bộ, chiến sĩ nơi căn cứ thiếu thốn." - Đồng chí Lê Thị Bân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh
79 năm trước, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Tây Ninh đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi hoàn toàn. Chỉ trong một ngày đêm (25/8/1945), chính quyền địch từ tỉnh đến quận đều sụp đổ hoàn toàn. Ba ngày sau, chính quyền các xã đều thuộc về tay nhân dân.
Lịch sử Đảng bộ Tây Ninh còn ghi: “Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Tây Ninh thành công, Đảng bộ Tây Ninh chỉ với 25 đảng viên đã đoàn kết, chấp hành nghiêm Chỉ thị của Xứ ủy, tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng, nhất là đồng bào tín đồ Cao Đài, kiên quyết chống kẻ thù, đứng lên giành chính quyền từ bọn tay sai phát-xít Nhật. Riêng giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1960), nhân dân Tây Ninh đã mở đường cho cách mạng miền nam tiến lên bằng chiến thắng Tua Hai (26/1/1960)”.
Theo đồng chí Lê Thị Bân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, trong những năm chiến tranh ác liệt, dù phải chịu đựng gian khổ, hy sinh, quân dân Tây Ninh luôn một lòng thủy chung, thương yêu, đùm bọc, chở che, huy động sức người sức của cho cách mạng. Người dân Tây Ninh cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm, nhưng quyết không để cán bộ, chiến sĩ nơi căn cứ thiếu thốn.
Tại Bình Phước, một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng ở phía nam. Khi đó thực dân Pháp lập đồn điền và bóc lột tàn nhẫn sức lao động của những công nhân cao-su. Lúc bấy giờ, người ta thường ví đồn điền cao-su ở miền Đông Nam Bộ nói chung và Phú Riềng nói riêng như “địa ngục trần gian”, nơi mà mỗi cây cao-su mọc lên là có một công nhân ngã xuống.
Tuy vậy, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, trong đó, sự kiện đêm 28 rạng ngày 29/10/1929, tại khu rừng bên suối đá Làng 3 (nay là xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú), Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập với tên gọi Chi bộ Phú Riềng, đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của đội ngũ công nhân cao-su và nhân dân Bình Phước lúc bấy giờ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bình Phước đã làm nên những chiến thắng ghi danh sử sách, trong đó chiến thắng mở màn của Chiến dịch Nguyễn Huệ (7/4/1972), giải phóng hoàn toàn huyện Lộc Ninh. Chiến thắng này đã tạo nên sức mạnh to lớn, cổ vũ, động viên trên toàn mặt trận, góp phần tăng thêm thế và lực trên các lĩnh vực đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Trong tiến trình đấu tranh vệ quốc và giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, nhiều người con đã anh dũng hy sinh để làm nên nền độc lập dân tộc trong đó có Anh hùng Võ Thị Sáu.
Chị Võ Thị Sáu là người con của huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu), nơi có dãy núi Châu Viên-Châu Long hùng vĩ, nổi danh là Chiến khu Minh Đạm trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng chị Võ Thị Sáu đã dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao như giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Năm 1948, chị tham gia phá tề, trừ gian, giết Cai tổng Tòng, cùng đồng đội phá cuộc mít-tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp do ngụy quyền tổ chức và trực tiếp tiêu diệt nhiều lính Pháp ở Vũng Tàu.
Tại phiên chợ Tết năm 1950, trong khi ném lựu đạn vào tốp lính ngụy tại chợ Đất Đỏ, chị bị bắt và bị giặc tra tấn dã man, nhưng chị nhất quyết không khai. Sau đó, chị Sáu bị địch đày ra Côn Đảo. Ngay tại đêm trước khi lĩnh án tử hình, chị Sáu đã giơ tay thề trước lá cờ Đảng và trở thành nữ đảng viên trẻ tuổi nhất vào đầu năm 1952.
Tỏa sáng vai trò vệ tinh
Nếu như ở Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thì các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu… được coi là những vệ tinh quan trọng. Tại quê hương chị Võ Thị Sáu, vùng quê giàu truyền thống cách mạng hôm nay đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Hai bên đường là những vườn cây xanh mướt, những cánh đồng lúa trải dài; giao thông rộng mở, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Tổng doanh thu du lịch năm 2023 của huyện ước đạt 650 tỷ đồng, tăng gấp 81 lần so với năm 2003. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đã được huyện đầu tư hoàn thiện nhằm phục vụ phát triển du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện có 49 doanh nghiệp và cơ sở lưu trú kinh doanh dịch vụ du lịch-lưu trú với tổng số 1.102 phòng lưu trú và 355 căn biệt thự. Trong tương lai, huyện Đất Đỏ sẽ là địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế du lịch của tỉnh”.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía nam, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Nghị quyết 24 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.
Trong đó, chủ trương hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là cơ chế ưu đãi dành riêng cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mà là cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ. Dự án sẽ góp phần giúp Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới. Dự án cũng là động lực để vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước.
Sau năm 1975, tỉnh Tây Ninh từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao-su, lúa. Với quyết sách đúng đắn, Tây Ninh từ một tỉnh thuần nông đã có những bước tăng trưởng công nghiệp khá và là địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Du lịch Tây Ninh cũng có những bước chuyển biến mạnh mẽ, trung bình mỗi năm tỉnh đón 5 triệu lượt khách trong nước, quốc tế, tổng doanh thu ước đạt 2.000 tỷ đồng. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ tỉnh tập trung quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các điểm đến tâm linh mới và hấp dẫn, cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư trong du lịch, tăng cường liên kết du lịch liên vùng, liên tuyến…
Hiện tại tỉnh Tây Ninh đang quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế; xây dựng các dự án thương mại-dịch vụ-du lịch sinh thái trong khu vực hồ Dầu Tiếng, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền nam; khai thác các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp khu vực Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát; nghiên cứu định hướng phát triển các loại hình du lịch ven sông, các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, tôn giáo, các khu di tích cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh...
Còn tỉnh Bình Phước nhờ có quỹ đất rộng (6.877 km2), đất đai màu mỡ, là trung tâm của các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao-su, điều, tiêu… Bằng những quyết sách đúng đắn, tỉnh Bình Phước đang từng bước phát huy thế mạnh để tạo đà tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bình Phước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 trong cả nước. Trong sáu tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,76%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 93,94 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,4%; thấp hơn mức bình quân của cả nước…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Tỉnh đang nỗ lực thực hiện hai dự án giao thông trọng điểm là dự án cao tốc bắc-nam phía tây đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành và dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Sau khi hai dự án cao tốc hoàn thành sẽ giúp Bình Phước kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên một cách thuận lợi, đây là một trong những lợi thế trong thu hút các nguồn vốn đầu tư tại tỉnh.
Các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển để xứng đáng là vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Nguồn NDO