Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xin tập hợp tại đây quá trình phát triển huyện Châu Thành từ thời xa xưa. Hy vọng sẽ có một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn về một thời cha ông “Đàng cựu” đi mở đất.
Sách Truyền thống đấu tranh cách mạng huyện Châu Thành (Ban Tổng kết chiến tranh Tỉnh uỷ Tây Ninh và Huyện uỷ Châu Thành - năm 1986) có đoạn mở đầu: “Với quá trình biến đổi của tự nhiên và xã hội, từ 1942, vùng đất phía Bắc của tỉnh có tên là huyện Châu Thành. Lúc đó Tây Ninh chỉ có 2 huyện (thực ra là 2 quận- TV): Châu Thành và Trảng Bàng. Châu Thành từ 1945 trở về trước là một huyện (quận) lớn.
Hiện nay, Châu Thành đã chia thành 5 huyện, 1 thị (Châu Thành, Thị xã, Hoà Thành, Tân Biên và phần phía Bắc của 2 huyện Dương Minh Châu và Bến Cầu…”.
Cúng Quan lớn Trà Vong tại miếu thờ phường 1, TP. Tây Ninh.
Tư liệu trên là đúng, nhưng chắc chắn chưa đủ. Bởi bạn đọc sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy trước năm 1942, Châu Thành từng là gì trong hệ thống hành chính thời kỳ đầu Pháp thuộc, cũng như dưới triều Nguyễn, mà người dân ta quen gọi là thời “cựu trào”.
Cũng nên chú ý rằng năm 1986, cho dù đúng vào năm kỷ niệm 150 năm hình thành và phát triển tỉnh Tây Ninh; nhưng do tư liệu còn rất hạn hẹp, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên những hạn chế trong các cuốn sử, sách truyền thống là tất yếu.
Đến nay, nhất là sau lần tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 180 năm (1836-2016) hình thành và phát triển, nhiều tư liệu mới về Tây Ninh đã được phát hiện, nhiều cuốn sách có giá trị về lịch sử đã in. Vậy cũng nên bổ sung các thiếu hụt về tư liệu lịch sử vào các sách truyền thống địa phương vẫn đang được các địa phương quan tâm xuất bản.
Do vậy, xin tập hợp tại đây quá trình phát triển huyện Châu Thành từ thời xa xưa. Hy vọng sẽ có một bức tranh toàn cảnh đầy đủ hơn về một thời cha ông “Đàng cựu” đi mở đất.
Những tư liệu thành văn của dân gian xã Thái Hiệp Thạnh (tỉnh lỵ Tây Ninh thời Pháp thuộc) cho thấy: Một trong những nhóm người đầu tiên đến khai hoang mở đất ở Châu Thành chính là hai anh em “Quan lớn Trà Vong”: Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ.
Theo đó: “Đức Quan lớn Trà Vong sinh trưởng trong một gia đình nông nghiệp, thân sinh Ngài là đức ông Huỳnh Công Cẩn, quê ở Nhật Tảo (Tân An)/ Tên thật của Ngài là Huỳnh Công Giản, sinh năm Nhâm Dần- tức là năm 1722- và tử tiết vào tháng 2 Nhâm Dần năm 1782/ Ngài có một người em trai là đức ông Huỳnh Công Nghệ, thuở nhỏ hai anh em đều đi học chữ Nho, đến năm 17 tuổi, trong một đêm trăng sáng vào mùa xuân tại nhà thầy dạy học, sau khi được thầy giảng giải về đạo đức, luân lý, Nho giáo, Ngài liền ứng khẩu một bài thơ, vì thất lạc chỉ còn truyền lại mấy câu sau đây: “Vi nam tử chi - Sanh vi tướng - Tử vi thần/ Thế sự phù trầm phú bĩ thương”.
Tạm dịch: Chí làm trai sanh - làm tướng - chết làm thần/ Cuộc đời thành bại do ở trời. Từ đó về sau Ngài không học chữ nữa, và tìm thầy học võ. Năm 27 tuổi, thấy tỉnh (vùng đất) Tây Ninh còn rừng núi âm u, Ngài bèn bàn tính với em đến mở mang quy dân lập ấp. Đến Trà Vong, sau này thuộc xã Thái Bình, thành lập được 3 ấp: Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp…”.
Đoạn văn trên cho thấy hai anh em “Quan lớn Trà Vong” đều có học hành cả văn lẫn võ. Nói theo người xưa là “văn võ song toàn”. Do vậy mà các ngài hội đủ các yếu tố của người lãnh đạo, quy tụ dân binh đi khai phá vùng đất mới.
Năm Huỳnh Công Giản 27 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp tại Tây Ninh. Thì đấy là năm 1749. Lúc này, quyền lực của các chúa Nguyễn chưa với tới vùng đất này.
Bởi tận đến: “Tháng 10 mùa đông năm Kỷ Hợi (1779)… chúa Nguyễn Ánh mới cho sắp xếp lại các khu vực hành chính và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn…” (Nguyễn Đình Tư- Tạp chí Xưa nay số 96, 2001).
Một điểm đáng chú ý nữa, ở trong câu: “Đến Trà Vong, sau này thuộc xã Thái Bình, thành lập được 3 ấp: Tân Lập, Tân Hội, Tân Hiệp”. Trà Vong thì đã rõ, nay là tên một xã của huyện Tân Biên, thì trước kia từng thuộc xã Thái Bình. Còn 3 ấp đã kể vẫn còn tên, dù chưa chắc đã trùng lặp với vùng đất xưa các Ngài từng khai phá.
Nhưng nếu ở đây có sự kế thừa về tên gọi thì đấy đều là tên các xã biên giới hoặc ở gần kề với đường biên hiện nay. Điều này nếu chứng minh được sẽ cho thấy một tầm nhìn rất xa rộng của những người được nhân dân các huyện, thị phía Bắc tỉnh tôn thờ.
Hiện có trên 11 ngôi thờ Huỳnh Công Giản và 5 ngôi thờ Huỳnh Công Nghệ trên các địa phương thuộc tỉnh Tây Ninh. Đáng chú ý là hầu hết các ngôi đền, miếu, dinh thờ Huỳnh Công Giản đều nằm trên đất xã Thái Bình xưa.
Câu chuyện tiếp theo của Quan lớn Trà Vong thì nhiều người đã biết. Đấy là ngài đóng binh ở Trà Vong, em trai đóng ở vùng rạch Sóc Om (sông Bến Đá ngày nay) để ngăn chặn các toán giặc cướp, kể cả các toán giặc từ bên biên giới, dù biên giới chưa được định hình rõ ràng. Ngài mất trong một trận chiến không cân sức với giặc vào năm 1782. Em trai cũng mất trong năm ấy sau khi đã về cứu viện và đánh tan bọn giặc.
Và đúng như câu thơ thuở 17 tuổi, Ngài đã “hiển thần” tiếp tục phù hộ nhân dân các vùng đất mới làm ăn sinh sống. Trong văn bản này, còn một đoạn đáng lưu ý nữa, là: “Với nếp sống an nhàn thơ thới đầy tin tưởng vào uy-lực vô hình của vị thần hộ mạng, đồng bào trong vùng ung dung tiếp tục sinh sống với tài nguyên vô tận của núi rừng, lấy cây gỗ, múc dầu rái, lượm chai cục bức mây lấy lá làm nón cắt tranh lợp nhà v.v”.
Đoạn này cho ta thấy dân cơ các ấp mới sống chủ yếu nhờ rừng. Do vậy, khi chúa Nguyễn bắt đầu khai thác rừng Quang Hoá (vào những năm 1778-1780, theo Đại Nam thực lục), thì đã có sẵn một nguồn nhân lực địa phương tạo thuận lợi cho sự nghiệp mở mang của các chúa và các triều vua Nguyễn. Mà thời điểm bản lề, quan trọng nhất chính là vào năm 1836, triều vua Minh Mạng chính thức lập phủ Tây Ninh trên miền đất đạo Quang Phong.
Năm ấy, là sau hơn 80 năm kể từ khi đoàn dân binh của Quan lớn Trà Vong đến khai phá vùng rừng núi biên cương. Cùng với họ, hẳn là có nhiều tốp lưu dân khác tìm về vùng đất này sinh sống. Bởi thế mà vào mùa xuân năm 1836, khi đoàn kinh lược sứ của triều đình đến tận nơi xem xét thì họ đã thấy: “Các làng trại của người Phiên (thiểu số), người Chăm quy tụ về đây có hàng ngàn… khoảng giữa có đồn Xỉ Khê (TP. Tây Ninh hiện nay) đất đai rộng rãi, bằng phẳng, màu mỡ, người Kinh người Phiên ở xen nhau làm ăn cấy cày…”.
Thế là người dân đã đi trước triều đình từ khá lâu. Xem quang cảnh ấy, đoàn kinh lược sứ về tấu và được chuẩn tấu. Do vậy mà đến mùa thu, tháng 7 mới có quyết định của vua Minh Mạng: “Thiết lập phủ Tây Ninh coi hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá để làm phên giậu giữ vững cho Gia Định…” (Nguyễn Đình Đầu, Tạp chí Xưa Nay số 96, 2001).
Mục từ Tân Ninh trong sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ ghi rằng: “Huyện thuộc p.Tây Ninh, t.Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trên một phần đất đạo Quang Phong cũ… Đến đầu thời Pháp thuộc có 3 tổng 27 xã thôn như sau: tg.Hoà Ninh với 13 xã thôn + tg.Hàm Ninh với 9 xã + tg.Mỹ Ninh với 5 xã thôn. Từ 1865 giải thể, các tổng trực thuộc hạt (Thanh tra) Tây Ninh”. Xem tiếp mục từ Hoà Ninh, sẽ thấy ngay tổng này bao gồm các xã mà cho đến nay đều thuộc huyện Châu Thành.
Trần Vũ
(còn tiếp)