Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ Hoà Ninh đến huyện Châu Thành
Thứ tư: 14:38 ngày 01/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Điều thú vị nhất hôm nay có lẽ là được chầm chậm bộ hành, hoặc đi xe máy qua cây cầu dẫn nước kênh Tây từ hồ Dầu Tiếng qua các xã hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông và huyện Bến Cầu.

Mục từ Hoà Ninh (trang 457, Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ) viết như sau: “Tổng thuộc huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 17. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức, đến đầu Pháp thuộc đặt thuộc hạt thanh tra Tây Ninh, có 14 thôn: Đông Tác, Hoà Hiệp, Hoà Hội, Hảo Đước, Long Thành, Long Phú, Mãnh Hoả, Khương Thạnh, Thái Bình, Thanh Điền, Trí Bình, Vĩnh Cư, Xuân Sơn, Khương Ninh…”.

Tuyến kênh dẫn nước qua sông Vàm Cỏ Đông.

Dưới thời Pháp thuộc trải qua nhiều lần tách nhập, như nhập Vĩnh Cơ và Xuân Sơn thành Vĩnh Xuân; Khương Ninh và Khương Thạnh thành Ninh Thạnh; Long Thành và Thanh Điền thành Long Điền (1872). Đến năm 1877 lại giải thể Long Điền, lập 2 làng Long Thành và Thanh Điền.

Năm 1891 lại giải thể Vĩnh Xuân nhập vào Ninh Thạnh, sáp nhập Trí Bình và Mãnh Hoả vào làng Hảo Đước; Long Phú nhập vào Hoà Hội; Long Thành (lại) nhập vào Thanh Điền. Năm 1919 tách ra lập lại Trí Bình. Năm 1943, Long Thành được tái lập và đổi về tổng Hàm Ninh Thượng.

Sang thời VNCH, năm 1955 tổng có thêm làng Ninh Điền được tách khỏi tổng Giai Hoá, quận Gò Dầu Hạ. Cho đến năm 1956, các làng được gọi là xã và vẫn thuộc quận Châu Thành (thành lập năm 1930 với tên đầu tiên là quận Thái Bình, đổi tên từ 1942) với 11 xã là: Thái Hiệp Thạnh, Thái Bình, Đông Tác, Ninh Thạnh, Trí Bình, Thanh Điền, Ninh Điền, Long Vĩnh, Hoà Hội, Hảo Đước và Hoà Hiệp.

Để biết phạm vi tổng Hoà Ninh này lớn cỡ nào, xin trở lại với huyện Tân Ninh thời kỳ đầu thành lập (1836). Thì đấy là huyện gồm 3 tổng với 27 xã, thôn. Mà tổng Hàm Ninh bao gồm các xã ở cực Nam và vòng lên Bắc ở phía Đông theo trục hữu ngạn sông Sài Gòn và con đường sứ, như: Phước Chỉ, Gia Lộc, Đôn Thuận, Phước Hội… Tổng Mỹ Ninh bao gồm các xã ở phía Nam như Thanh Phước, Lợi Thuận, Phước Lưu… rõ ràng tổng Hoà Ninh là phần còn lại, lúc ấy bao trùm lên toàn bộ vùng đất nay là các huyện, thành phía Bắc như TP. Tây Ninh, huyện Châu Thành, Tân Biên và có thể cả một phần huyện Tân Châu.

Ta có thể kiểm chứng điều này qua ký ức của người xưa, đã được ghi lại trong sách Truyền thống Cách mạng xã Thái Bình 1945-1975 (năm 2010). Dù chỉ là một xã (thôn) thuộc tổng Hoà Ninh, nhưng: “xã Thái Bình lúc bấy giờ có diện tích rộng 1.500km2, là một xã lớn đất rộng, người thưa. Dân số có 250 hộ (cả người Chăm và Khmer).

Về địa giới hành chính: Đông giáp rạch Tây Ninh và gần giữa lộ 4 (ĐT 785 hiện nay) giáp xã Ninh Thạnh chạy suốt đến Kà Tum, Bổ Túc. Tây giáp rạch Sóc Om, Hảo Đước. Nam giáp xã Thanh Điền và Trí Bình. Bắc giáp huyện Memot (Kampong Cham) của Campuchia…”.

Cho dù con số diện tích cần phải xem xét lại, nhưng với chỉ giới được xác định như trên cũng cho thấy, chỉ 1 xã của tổng Hoà Ninh cũng đã bao trùm một phần lớn đất đai phía Bắc tỉnh. Để tới tận năm 1951, dưới thời cách mạng như sách Lịch sử LLVTND huyện Dương Minh Châu (1951-2015) từng ghi lại, là chính quyền cách mạng tỉnh Gia Định Ninh đã tách một phần đất của xã Thái Bình để lập xã Thạnh Bình- một trong 5 xã của huyện căn cứ địa Dương Minh Châu thời kháng chiến chống Pháp.

Tuyến kênh dẫn nước qua sông Vàm Cỏ Đông.

Bên cạnh các xã lớn như Thái Bình, Hảo Đước, Hoà Hội, thì tổng Hoà Ninh cũng có xã rất nhỏ như Đông Tác. Xã này, theo sách đã dẫn thì được thành lập vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) lúc đầu được coi như khu vực riêng của người Chăm sinh sống. Nay, Đông Tác chỉ là một phần nhỏ thuộc về phường 1, TP. Tây Ninh.

Trải qua hơn 100 năm, nhiều lần chia tách theo chính sách chia để trị của thực dân Pháp, đến năm 1942 từ tổng Hoà Ninh đã lập ra thêm nhiều tổng khác. Như Khăn Xuyên (5 làng), Tabel Jub (3 làng), Chơn Bà Đen với 4 làng, thì những xã trọng yếu của huyện Châu Thành hiện nay vẫn thuộc tổng Hoà Ninh với 11 xã như đã kể trên. Ngoại trừ Thái Hiệp Thạnh, Ninh Thạnh và Đông Tác đã thuộc về TP. Tây Ninh, cùng với Hoà Hiệp thuộc huyện Tân Biên. Thì những tên làng xưa vẫn còn lưu giữ trên đất Châu Thành hôm nay.

Đấy là: Thái Bình, Trí Bình, Thanh Điền, Ninh Điền, Long Vĩnh, Hoà Hội và Hảo Đước. Huyện cũng có thêm các xã thuộc tổng Chơn Bà Đen trước đó. Như Hoà Thạnh vốn là Pra ha Miệt thời Pháp thuộc, sang thời VNCH đổi thành Phước Lợi. Như xã Biên Giới, vốn là Đây Xoài thời Pháp thuộc sau đổi thành Phước Lộc; hoặc xã Thành Long, trước là Tapang Robon, sau đổi là xã Phước Tân; Tapang prosoc đổi thành xã Phước Vinh. Cho dù là tổng Chơn Bà Đen nhưng cũng xin nhớ lại, rằng đây là những vùng đất cũ của tổng Hoà Ninh thời kỳ đầu lập phủ Tây Ninh.

Và huyện Châu Thành hôm nay còn có thêm những xã mới. Như Đồng Khởi được tách ra từ xã Thái Bình, An Cơ tách ra từ Hảo Đước, An Bình tách ra từ Thanh Điền. Giang sơn đã đặt bày ổn định. Từ đây, người Châu Thành chỉ còn việc làm giàu đẹp thêm trên phần đất cũ của cha ông. Giàu thì chưa chắc đã bằng những vùng công nghiệp và đô thị khác. Nhưng chắc chắn Châu Thành vẫn là miền đất xanh tươi và đẹp nhất bởi hình sông thế đất. Miền quê này sở hữu hai dòng sông lớn Vàm Cỏ Đông và Bến Đá- còn gọi tên là rạch Sóc Om.

Châu Thành cũng là miền có những con đường xa xưa nhất. Là con đường thiên lý phía Tây có từ trước các triều vua Nguyễn, đến năm Gia Long thứ 14 (1815) mới được tu sửa; lại có đường thuộc địa số 1- quốc lộ đầu tiên dưới thời Pháp thuộc thông thương với Campuchia, năm 1880 mới có đoạn từ Sài Gòn lên tới Tây Ninh, đến năm 1904 hoàn thành đoạn từ Tây Ninh đến cửa khẩu Phước Tân, nay thuộc xã Thành Long. Cho đến nay, tất cả các con đường này đều được nâng cấp, mở rộng thênh thang.

Về nguồn Di tích Chiến thắng Tua Hai.

Và cũng đã có thêm rất nhiều những con đường mới, khiến cho ai tới lần đầu hay lâu lâu quay trở lại, đều có cảm giác hân hoan phơi phới trên mọi nẻo đường dọc ngang khắp phố thị tới làng quê. Hân hoan hơn nữa là khi ta được băng qua những cây cầu mới. Như cầu Bến Cây Ổi băng qua sông Vàm Cỏ Đông nối xã Phước Vinh về Hoà Thạnh; cầu Phước Trung bắc qua Vàm Trảng Trâu nối dài Phước Vinh sang ấp Lồ Cồ xã Biên Giới.

Đấy là chưa kể các cây cầu vượt sông Vàm xây trong khoảng hai chục năm qua. Như cầu Bến Sỏi và cầu Gò Chai. Điều thú vị nhất hôm nay có lẽ là được chầm chậm bộ hành, hoặc đi xe máy qua cây cầu dẫn nước kênh Tây từ hồ Dầu Tiếng qua các xã hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông và huyện Bến Cầu. Công trình vĩ đại này nối Hảo Đước sang Hoà Hội chắc chắn sẽ làm chuyển biến sâu sắc về kinh tế - xã hội của không chỉ huyện Châu Thành, mà toàn tỉnh.

Nói hân hoan, vì trên đỉnh những cây cầu (thường khá cao) ấy, ta luôn thấy một vùng đất nước đẹp như tranh của miền đất Châu Thành nay, hay tổng Hoà Ninh thời mở đất. Cũng xin kể thêm một chút. Rằng đến năm 2023, cái tên Châu Thành đã được gọi trìu mến thân yêu từ 81 năm qua. Nhưng còn cái tên Hoà Ninh thì đã tồn tại suốt 121 năm trong quá khứ, từ 1836 đến 1965. Năm này, các tổng “mặc nhiên bị giải thể” (theo Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ, 2008).

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục