Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Con tôi sinh ra đã mắc chứng tự kỷ, xin hỏi bác sĩ có chữa khỏi được không? (Hạnh)
Đến nay cháu được gần hai tuổi nhưng vẫn không biết ê, a, gọi không quay đầu lại, chảy máu cũng không biết, đại tiểu tiện không kiểm soát. Tôi đưa đi khám bác sĩ chẩn đoán cháu bị mắc bệnh tự kỷ, tôi rất buồn. Tôi phải điều trị cho cháu bằng cách nào, thưa bác sĩ?
Trả lời:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự kỷ là những rối loạn phát triển của não bộ, dẫn đến các biểu hiện như: không biết giao tiếp bằng lời nói và hành động, không biết thể hiện cảm xúc, không phản xạ. Trẻ thường không chơi với bạn, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, nhiều hành động lặp đi lặp lại không chủ đích.
Tây y coi đây là chứng rối loạn, không phải bệnh, cần phải giáo dục, dạy dỗ chứ không điều trị. Tây y chỉ điều trị những chứng bệnh kèm theo như thần kinh, rối loạn tăng động, chậm phát triển trí tuệ. Những biểu hiện tự kỷ sẽ tồn tại suốt đời của một em bé. Nhiều bố mẹ sau khi đưa con đến bệnh viện chẩn đoán tự kỷ sẽ được tư vấn chuyển đến các trung tâm can thiệp giáo dục tật học.
Đông y lại điều trị rất tốt cho trẻ tự kỷ. Đông y coi tự kỷ là hội chứng với những biểu hiện suy giảm giao tiếp, trí tuệ, hành vi. Tổn thương kinh mạch, tạng phủ, Đông y có phương pháp điều trị bằng cách tác động lên huyệt vị, kinh lạc. Bé tự kỷ được điều trị kết hợp bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ. Cùng với đó, kết hợp với chuyên gia tâm lý để điều trị hiệu quả nhất.
Việc chữa khỏi tự kỷ hay không phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ. Có những cháu bị tự kỷ ở dạng nhẹ, chỉ là khó giao tiếp, hòa nhập với mọi người, nếu được phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể chữa trị khỏi. Tuy nhiên, ở mức độ nặng hơn, như trường hợp chị nói, rằng cháu hai tuổi vẫn không biết ê, a, gọi không quay đầu lại, chảy máu cũng không biết, đại tiểu tiện không kiểm soát... thì là khá nặng. Việc điều trị cần kiên trì nhiều đợt trong nhiều năm, đến khi bé tự chăm sóc tốt cho bản thân.
Chị không nên quá buồn, nên đưa cháu đi chữa trị càng sớm càng tốt để có thể cơ hội khỏi cao hơn.
Bác sĩ Dương Văn Tâm
Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện châm cứu Trung ương
Nguồn VNE