Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Từ năm 2022: tăng mức xử phạt vi phạm giao thông
Thứ hai: 07:24 ngày 03/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghị định mới tập trung vào việc tăng mức phạt đối với một số vi phạm, đồng thời bổ sung các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý, quy trình và tăng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng thực thi công vụ nhằm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1.1.2022.

CSGT kiểm soát các phương tiện (ảnh minh hoạ)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng (gọi tắt là Nghị định 123) chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2022.

Nghị định mới tập trung vào việc tăng mức phạt đối với một số vi phạm, đồng thời bổ sung các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý, quy trình và tăng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng thực thi công vụ nhằm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1.1.2022.

Điều 2 của Nghị định 123 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Quy định mới xử phạt đối với hành vi không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ từ 200.000 - 300.000 đồng tăng lên 400.000 - 600.000 đồng; đối với người đi xe đạp máy, xe đạp điện tăng từ 200.000 - 300.000 đồng lên 400.000 - 600.000 đồng.

Nghị định 123 tăng mức xử phạt đối với người đua mô tô, xe máy, xe máy điện trái phép từ 7 - 8 triệu đồng lên 10 - 15 triệu đồng. Nếu đua ô tô, tăng từ 8 - 10 triệu đồng lên 20 - 25 triệu đồng.

Tăng mức xử phạt đối với hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép từ 1 - 2 triệu đồng đối với cá nhân, 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức lên 10 - 12 triệu đồng đối với cá nhân, 20 - 24 triệu đồng đối với tổ chức.

Tăng mức xử phạt đối với hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức lên 30 - 35 triệu đồng đối với cá nhân, 60 - 70 triệu đồng đối với tổ chức.

Tăng mức xử phạt đối với người điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, giấy phép lái xe bị tẩy xoá.

Theo đó, đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô từ mức 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng lên 1 - 2 triệu đồng; đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh từ mức 3 - 4 triệu đồng lên 4 - 5 triệu đồng; đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô từ mức 4 - 6 triệu đồng lên 10 - 12 triệu đồng.

Ngoài ra, một số hành vi vi phạm khác cũng tăng mức xử phạt như: điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc); không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ; điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe...

Nghị định 123/2021/NĐ-CP tăng thẩm quyền xử phạt đối với các lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của một số chức danh. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền từ 400.000 đồng lên 500.000 đồng.

Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, trưởng trạm, đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền từ 1,2 triệu đồng tăng lên 1,5 triệu đồng. Trưởng Công an cấp xã, trưởng đồn Công an, trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền từ 2 triệu đồng tăng lên 2,5 triệu đồng.

Trưởng Công an cấp huyện; trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm:

Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trung đoàn trưởng trung đoàn Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền từ 8 triệu đồng tăng lên 15 triệu đồng.

Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền từ 8 triệu đồng lên 37,5 triệu đồng. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền từ 40 triệu đồng tăng lên 75 triệu đồng.

Chủ tịch UBND các cấp được quy định mức phạt cụ thể: Chủ tịch UBND xã có quyền phạt đến 5 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt đến 37,5 triệu đồng và chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền phạt tiền đến 75 triệu đồng.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục