Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ ngày 1.7.2024: Bỏ phụ cấp thâm niên, lương giáo viên có bị giảm?
Thứ tư: 14:07 ngày 31/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 1.7.2024, cán bộ, công chức, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng sẽ hưởng lương theo chính sách mới. Trong đó, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên (áp dụng từ năm 2011) sẽ bãi bỏ.

Giáo viên làm công tác coi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Nhiều ý kiến trong ngành Giáo dục băn khoăn rằng, bỏ phụ cấp thâm niên, lương thực lãnh có giảm không?

Luật Giáo dục quy định bỏ phụ cấp thâm niên

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên được thực hiện từ năm 2011. Ngày 1.7.2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 được Quốc hội khoá XIV thông qua không còn quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên.

Điều 76 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Còn theo Điều 77 (chính sách đối với nhà giáo) thì: “Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.

Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hoà nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi. Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Căn cứ Điều 76, 77 của Luật, chế độ phụ cấp thâm niên không còn được quy định. Luật Giáo dục năm 2019 cụ thể hoá Nghị quyết 19 và Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng về sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập cũng như chế độ cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, một biến cố không ai lường được xảy ra ngay sau đó: đại dịch Covid-19 khiến tiến độ thực hiện cải cách tiền lương chưa thể thực hiện. Sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, việc có tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên hay không từng gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Thời điểm đó, nhiều địa phương đã tạm ngừng thực hiện chế độ này. Ngày 20.11.2020, tại kỳ họp của Quốc hội khoá XIV, trong giờ giải lao, gặp gỡ đại biểu Quốc hội đang công tác trong ngành Giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên.

Cần nhắc lại, tháng 9.2018, Văn phòng Chính phủ ban hành một văn bản về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng.

Văn bản có đoạn: “Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau: từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”.

Tại Tây Ninh, ngày 29.7.2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có văn bản đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên. Theo thuyết minh của Sở, Luật Giáo dục năm 2019 được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương Đảng, ghi rõ việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên và xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm.

Để thực hiện chế độ tiền lương mới đối với giáo viên, phải có một số điều kiện. Trước hết, phải có bảng lương mới theo vị trí việc làm, không còn sử dụng lương cơ sở và hệ số lương quy định tại Nghị định 204 năm 2004 của Chính phủ. Tiếp theo, phải xây dựng được chế độ phụ cấp đặc thù nghề nghiệp khi sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018.

Tuy nhiên, hiện tại, bảng lương mới theo vị trí việc làm cũng như sắp xếp lại các chế độ phụ cấp mới chỉ đang ở giai đoạn lấy ý kiến của ban, ngành có liên quan. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội tạm dừng tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2020. Cùng với đó, lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021 cũng chưa thực hiện được, vì phải ưu tiên nguồn lực để phục hồi, phát triển kinh tế.

Từ nội dung nêu trên, trên cơ sở tham khảo ý kiến của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT, Sở xin ý kiến của UBND tỉnh “xem xét cho chủ trương tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ”. Sau thời gian tạm chi trả, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên ở Tây Ninh tiếp tục được thực hiện. Những nơi nào dừng chi trả đều đã chi trả đầy đủ chế độ này đối với giáo viên.

Như vậy, kể từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực và một số nghị quyết trước đó do Trung ương ban hành, sau nhiều luồng ý kiến khác nhau cùng với diễn biến khó khăn của nền kinh tế bởi đại dịch Covid- 19, chế độ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên vẫn tiếp tục được thực hiện.

Chính sách lương mới

Theo chế độ tiền lương mới, các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Theo tinh thần mới, chính sách lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, tức bãi bỏ cách tính lương theo hệ số nhân với lương khởi điểm (tối thiểu) như đã và đang áp dụng từ hàng chục năm qua.

Chính sách lương mới được xây dựng bao gồm hai bảng lương, một dành cho người giữ chức vụ lãnh đạo và bảng lương còn lại dành cho người làm công tác chuyên môn. Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó.

Nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.

Ðối với bảng lương dành cho người làm công tác chuyên môn, mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Chính sách lương mới gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước.

Ðó là các ngành nghề: giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường. Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).

Nghị quyết 27 còn đề ra một chính sách có thể coi là đặc biệt, đó là cho phép các tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách, sẽ được chi thu nhập bình quân tăng thêm nhưng không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Theo tinh thần chính sách lương mới, mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc có mức lương như nhau.

Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện. Kể từ ngày 1.7.2024, lương giáo viên có nhiều thay đổi theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc sẽ có mức lương như nhau.

Những nhà giáo kiêm nhiệm chức vụ, đảm nhận công việc khó, phức tạp sẽ được ưu đãi xứng đáng. Hiện tại, chưa có bảng lương mới theo tinh thần của chính sách cải cách tiền lương, nhưng chắc chắn, tổng thu nhập từ lương của giáo viên tăng, không giảm.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục