Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ ngày 9.11.2023, điều chỉnh giá bán lẻ điện
Thứ bảy: 06:17 ngày 11/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh gần nhất từ ngày 4.5.2023, đến nay đã đủ 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất

Ngày 8.11.2023, Bộ Công Thương có Quyết định số 2941 quy định về giá bán điện. Theo đó, kể từ ngày 9.11.2023, giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Phát biểu trong buổi trao đổi thông tin về việc điều chỉnh giá điện chiều 9.11 do Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức; đại diện EVN cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ của EVN được thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30.6.2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Tại khoản 5 Điều 3 Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định: “Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất” và khoản 2 Điều 3 “Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành”.

Về cơ sở thực tiễn, năm 2023, cơ cấu nguồn thuỷ điện giảm mạnh so với năm 2022 (dự kiến giảm 16,9 tỷ kWh, được thay thế bằng các nguồn nhiệt điện than, khí, dầu) do hiện tượng El Nino gây nắng nóng kéo dài.

Bên cạnh đó, giá các loại nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện tăng và vẫn duy trì ở mức cao: giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021.

Mức tăng giá than pha trộn bình quân của TKV dự kiến năm 2023 là từ 29,6% đến 46% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021. Mức tăng giá than pha trộn bình quân dự kiến năm 2023 của Tổng Công ty Đông Bắc hiện hành là từ 40,6% đến 49,8% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021. Giá dầu thô Brent dự kiến năm 2023 tăng 100% so với giá dầu thô Brent bình quân năm 2020 và tăng 18% so với năm 2021…

Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh gần nhất từ ngày 4.5.2023, đến nay đã đủ 6 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất. Trong thời gian này, giá các loại nhiên liệu vẫn ở mức cao, cơ cấu sản lượng biến động theo hướng bất lợi.

Đại diện EVN cho biết thêm, việc tăng giá, tác động tới các doanh nghiệp sản xuất là khác nhau, tuỳ thuộc vào hành vi sử dụng điện của khách hàng (trường hợp khách hàng sử dụng nhiều điện trong giờ cao điểm thì mức tiền điện phải trả sẽ cao hơn so với khách hàng sử dụng điện chủ yếu trong giờ bình thường và thấp điểm) và tỷ lệ chi phí tiền điện trong tổng chi phí giá thành của các doanh nghiệp.

Theo số liệu 9 tháng năm 2023 có 1.909 ngàn hộ sản xuất, với mức tăng giá điện 4,5%, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất phải trả 10,5 triệu đồng/tháng, tăng thêm là 432.000 đồng/tháng.

Riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7.4.2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50kWh/tháng được hỗ trợ hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Năm 2022 có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện.

Căn cứ theo số liệu thống kê về khách hàng sử dụng điện trong 9 tháng đầu năm 2023 thì việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đồng/kWh được tính toán sẽ tác động đến các nhóm đối tượng khách hàng như sau:

Kinh doanh dịch vụ có 547 ngàn khách hàng, bình quân mỗi tháng khách hàng trả tiền điện 5,1 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 230.000 đồng/tháng.

Khách hàng sản xuất có 1.909 ngàn hộ; bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,1 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả thêm là 432.000 đồng/tháng.

Lĩnh vực hành chính sự nghiệp có 681 ngàn khách hàng; bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng trả tiền điện 1.922 ngàn đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá, mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 90.000 đồng/tháng.

Với nhóm khách hàng sinh hoạt, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 50kWh/tháng là 3.900 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50kWh 9 tháng đầu năm 2023 là 3,12 triệu hộ, chiếm 11,14% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100kWh/tháng là 7.900 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51-100kWh toàn EVN 9 tháng năm 2023 là 4,24 triệu hộ, chiếm 15,15% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 200kWh/tháng là 17.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 101-200kWh toàn EVN 9 tháng năm 2023 là 9,54 triệu hộ, chiếm 34,08% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 300kWh/tháng là 28.900 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300kWh toàn EVN 9 tháng năm 2023 là 5,22 triệu hộ, chiếm 18,64% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 400kWh/tháng là 42.000 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400kWh toàn EVN 9 tháng năm 2023 là 2,5 triệu hộ, chiếm 9,16% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

H.Y

(tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục