Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trao đổi với Bí thư thành ủy TP. Tây Ninh Trần Hữu Hậu:
Từ phường, xã vì dân đến thành phố thông minh
Thứ hai: 14:08 ngày 19/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hơn nửa tháng đầu năm 2018, các vị đứng đầu Đảng bộ, chính quyền Thành phố Tây Ninh có cuộc đối thoại với người dân. Trong buổi đối thoại, sau khi nghe lãnh đạo thành phố trình bày những việc làm được, chưa làm được trong năm vừa qua và phác thảo dự kiến những việc sẽ làm trong năm mới, một vị cử toạ là cựu lãnh đạo của Thị xã ngày trước bày tỏ, nghe thì nghe nhưng mới tin tám chục phần trăm thôi, còn hai chục phần trăm thì… để đó, xem sao đã! Một vị cựu lãnh đạo khác nhận xét, đó là chuyện cũ “xáo” lại cho mới thôi. “Chuyện cũ xáo lại” ấy là gì? Đó là chuyện Thành phố mới phát động, triển khai từ năm 2017 và đang tiếp tục thực hiện trong năm 2018, gọi là xây dựng mô hình “Phường, xã vì dân”.

Thành phố Tây Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên.

Hơn nửa tháng đầu năm 2018, các vị đứng đầu Đảng bộ, chính quyền Thành phố Tây Ninh có cuộc đối thoại với người dân. Trong buổi đối thoại, sau khi nghe lãnh đạo thành phố trình bày những việc làm được, chưa làm được trong năm vừa qua và phác thảo dự kiến những việc sẽ làm trong năm mới, một vị cử toạ là cựu lãnh đạo của Thị xã ngày trước bày tỏ, nghe thì nghe nhưng mới tin tám chục phần trăm thôi, còn hai chục phần trăm thì… để đó, xem sao đã! Một vị cựu lãnh đạo khác nhận xét, đó là chuyện cũ “xáo” lại cho mới thôi. “Chuyện cũ xáo lại” ấy là gì? Đó là chuyện Thành phố mới phát động, triển khai từ năm 2017 và đang tiếp tục thực hiện trong năm 2018, gọi là xây dựng mô hình “Phường, xã vì dân”.

DÁNG DẤP CỦA MÔ HÌNH “PHƯỜNG, XÃ VÌ DÂN”

Từ nhận xét của người dân, vì dù có là cựu lãnh đạo, họ cũng đang là người dân, người viết bài này đặt vấn đề với ông Trần Hữu Hậu- Bí thư Thành uỷ thành phố Tây Ninh: Từ những ngày đầu đất nước độc lập 73 năm trước, Chính phủ đã khẳng định Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân; vậy sao bây giờ thành phố lại xây dựng mô hình “Phường, xã vì dân”, làm như thế có phải là phủ nhận quá khứ? Chẳng lẽ lâu nay thành phố ta không vì dân? Không vì dân thì vì ai? Ông Hậu trả lời thẳng thắn: Hoàn toàn không có chuyện phủ nhận quá khứ. Có điều, ta cũng không thể không thừa nhận là lâu nay chúng ta luôn nói là vì dân, tất cả các mặt công tác, các phong trào, các cuộc vận động đều là vì dân, nhưng thực tế là khi triển khai xuống cơ sở, xuống địa bàn dân cư thì không bảo đảm làm đúng ý nghĩa ban đầu. Trong khi đó, hệ thống chính trị của chúng ta- nhất là ở cơ sở, tuy xuất phát từ nhân dân nhưng lại ngày càng xa dân, ngày càng “hành chính hoá”, khiến cho việc thực hiện các chương trình vận động nhân dân trở thành hình thức, chạy theo thành tích thi đua hơn là vì dân, phục vụ nhân dân.

Từ tình hình đó, Thành phố phát động “Phường, xã vì dân” chính là hoạt động hướng về cơ sở, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, để khắc phục các hiện tượng hành chính hoá, bệnh thành tích đang từng ngày làm suy yếu các “tế bào”, đơn vị nhỏ nhất của bộ máy phường, xã, tức là ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ dân cư tự quản.

Định hướng tốt đẹp như thế, còn phương pháp, cách làm như thế nào? Bí thư Thành uỷ cho biết, mô hình “Phường, xã vì dân” đặt trên nền tảng là ba trụ cột chính: “Hệ thống chính trị phường, xã vì dân”; “Dân vì hệ thống chính trị của mình” và “Người dân vì người dân”.

Việc xây dựng và vận hành các trụ cột, cũng chính là mục tiêu “vì dân” của “mô hình”, sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và nhân dân trong việc cùng chung tay, góp sức xây dựng xã hội văn minh, hiện đại; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của nhân dân, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…

Bí thư Thành uỷ Trần Hữu Hậu.

Nói thì dễ, nhưng làm không dễ chút nào. Muốn đạt những mục tiêu trên,  đòi hỏi trước hết, cấp uỷ phường, xã phải có tấm lòng, tức là “cái tâm” tận tuỵ vì dân, “cái đầu” biết tư duy, khả năng sáng tạo để… nghĩ ra việc mà làm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để thu hút mọi người cùng làm.

Đối với chính quyền cần phải có sự tận tâm, tận lực thực hiện. Bên cạnh đó là sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; sự đồng thuận, tích cực tham gia của nhân dân. Thực chất, việc vận hành mô hình “Phường, xã vì dân” chính là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Tại thành phố Tây Ninh, việc triển khai thực hiện “Phường, xã vì dân” ở phường, xã mới chỉ bắt đầu từ tháng 9.2017, mọi việc vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, cũng đã có địa phương thực hiện được một số việc có ý nghĩa.

Điển hình như phường Ninh Thạnh đã công khai cam kết của cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền phường đến tận khu phố cho người dân biết và giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ và các nội dung cam kết. Công khai địa chỉ e-mail, số điện thoại của lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền phường để người dân có thể trực tiếp, kịp thời phản ánh, nêu ý kiến kiến nghị của mình về mọi vấn đề liên quan; tập trung giải quyết tốt, có hiệu quả đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ địa phương, thể hiện sự tôn trọng, gần gũi giữa chính quyền với nhân dân nhằm hạn chế đơn thư vượt cấp và kéo dài.

Đoàn Thanh niên ra mắt “Nhóm hỗ trợ viết hồ sơ cho công dân”, hoạt động vào các ngày hành chính, vị trí làm việc ngay trong trụ sở UBND phường, gần bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả; giúp đỡ người dân khi họ có nhu cầu đến liên hệ tại bộ phận một cửa, hướng dẫn cách viết hồ sơ; ghi hộ cho những công dân gặp khó khăn khi viết và mang hồ sơ trao trả tận nhà cho người già, người khuyết tật, không khả năng đi lại.

Từ khi thành lập đến nay, Nhóm đã hỗ trợ được 43 người dân, trong đó có 1 trường hợp không chỉ ghi hộ, Nhóm còn đưa người dân (bà Trương Thị Minh Phương, hộ nghèo của phường, mù chữ) đến khu hành chính Thành phố thực hiện tiếp quy trình cấp giấy CNQSDĐ.

Phường Ninh Thạnh còn có mô hình “Chung tay vì một tấm lòng”, phát cháo từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện Y học cổ truyền, tổng cộng 1.800 khẩu phần với tổng chi phí 10.350.000 đồng (vận động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên của phường và các đơn vị kết nghĩa).

Hội Phụ nữ phường ra mắt “Quỹ Phụ nữ tiết kiệm xanh”; vận động hội viên góp nhặt phế liệu có thể tái chế để bán ve chai gây quỹ hỗ trợ thường xuyên cho chị em hội viên khó khăn, bệnh tật; trao vốn khởi nghiệp cho 2 hội viên, mỗi chị 10 triệu đồng làm vốn trồng khổ qua rừng, nấm rơm và nấm bào ngư.

Hội Cựu chiến binh phường hỗ trợ thường xuyên các hộ người già neo đơn nhu yếu phẩm (gạo, nước tương, dầu ăn…) và cử người chăm sóc, dọn dẹp hằng ngày; nhận phụng dưỡng một cụ già từ tháng 6.2017, đã trợ cấp cho cụ 2,2 triệu đồng.

Người dân tra cứu thông tin. Ảnh: Thanh Vinh.

Về phía lãnh đạo Thành phố, theo ông Trần Hữu Hậu, thực hiện “Phường, xã vì dân” thì trước tiên là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; triển khai thực hiện phong trào “5 xin (xin chào, xin mời ngồi, xin lỗi, xin cảm ơn, xin hẹn gặp lại), 3 biết (biết nghe dân nói, biết nói cho dân hiểu, biết làm cho dân tin)” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức; xây dựng Đảng vững mạnh, chính quyền minh bạch, hiệu lực, hiệu quả vì dân.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Công khai kết quả đánh giá tổ chức đảng, đảng viên hằng năm; thực hiện cam kết và công khai cam kết của cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền để nhân dân giám sát, đánh giá. Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã cam kết không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà nhân dân, không tham nhũng.

Rõ ràng, những nội dung trên không có gì mới hơn mọi việc mà địa phương thuộc Thành phố phải làm từ lâu nay, và có vẻ… vẫn nặng về lý thuyết; nếu không có động lực thúc đẩy thực sự có tác dụng, vẫn khó tạo ra sự chuyển biến đủ để hệ thống chính trị phường, xã thoát ra khỏi lề thói hành chính hoá, miễn nhiễm với bệnh thành tích, thiết thực vì dân. Bí thư Thành uỷ cho rằng, động lực đó chỉ có thể có ở bước thứ hai. Thật ra gọi là “bước thứ hai”, nhưng không phải là bước đi “tuần tự nhi tiến”, mà là bước song hành về phía cấp trên cơ sở, tức là cấp thành phố.

HƯỚNG ĐẾN THÀNH PHỐ THÔNG MINH

Trong bước thứ hai của mô hình “vì dân” ở cấp trên cơ sở, hiện nay, thành phố Tây Ninh đang xây dựng “Thành phố thông minh”. Việc này không dễ dàng nếu không có nguồn lực được chia sẻ từ những “quả đấm thép” trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mặc dù ở Tây Ninh đã có tới hai vị CIO/CSO- lãnh đạo công nghệ thông tin, an ninh thông tin tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, mà một vị chính là người đứng đầu Đảng bộ Thành phố hiện nay, ông Trần Hữu Hậu, một vị là người đang chỉ huy vận hành hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia tại tỉnh Tây Ninh, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn- Phó Giám đốc Công an tỉnh.

“Quả đấm thép” đang và sẽ hợp tác, hỗ trợ xây dựng “Thành phố thông minh” tại Tây Ninh là Tập đoàn Viễn thông Quân đội- Viettel, nhà mạng “đại gia”, không chỉ trong nước ta mà từ lâu đã vươn ra thị trường viễn thông thế giới.

Vừa qua, vào ngày 30.10.2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ký kết hợp tác và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và xây dựng “Thành phố thông minh” giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, mục tiêu của việc ký kết hợp tác này thể hiện nội dung cam kết giữa hai bên, là căn cứ định hướng để hai bên cùng đầu tư nguồn lực, triển khai thực hiện các chương trình hợp tác theo quy định của pháp luật nhằm xây dựng thành công một số lĩnh vực công nghệ thông tin tại Tây Ninh theo nội hàm “Thành phố thông minh”.

Riêng đối với thành phố Tây Ninh, ông Trần Hữu Hậu cho biết, trên cơ sở những thành tựu công nghệ thông tin mà Thành phố đã làm được từ thành phố đến cấp phường, xã, Viettel cũng đã ký kết với Thành phố để thực hiện một số lĩnh vực như xây dựng cổng giao tiếp điện tử giữa hệ thống chính trị Thành phố với công dân.

Đặc biệt, cổng giao tiếp này không chỉ kết nối hệ thống máy tính qua mạng internet, mà còn kết nối qua hệ thống camera đặt khắp địa bàn để cư dân đô thị có thể giao tiếp video với hệ thống chính trị Thành phố, phường, xã bằng điện thoại di động. Hiện nay, hệ thống camera giao tiếp này đang được khẩn trương lắp đặt tại các phường, xã để đưa vào hoạt động trước Tết Mậu Tuất.

Nội dung thứ hai của “Thành phố thông minh” theo ký kết hợp tác giữa Viettel và thành phố Tây Ninh là xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý sức khoẻ toàn dân. Công việc này quan trọng, nhất là khâu thu thập dữ liệu về tình hình sức khoẻ của từng người dân, nghĩa là phải tổ chức khám sức khoẻ tổng quát, làm các xét nghiệm y tế cơ bản cho hàng trăm ngàn dân, nghĩa là chi phí dịch vụ y tế không hề nhỏ. Vì thế, Thành phố cần phải có sự hỗ trợ, phối hợp của ngành Y tế cũng như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tỉnh.

Bí thư Thành uỷ Trần Hữu Hậu còn báo một tin mới nhất, ngày 4.1.2018, nghe tin thành phố Tây Ninh triển khai mô hình “Phường, xã vì dân” với mục tiêu cải thiện quản trị, tăng sự tương tác giữa người dân và chính quyền các cấp và xây dựng xã hội lành mạnh, Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã đề xuất hỗ trợ cho thành phố tổ chức Cuộc thi vận động giải pháp sáng tạo Thành phố vì dân Hackathon.

Trưởng điều phối dự án của UNDP tại Việt Nam Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết, Hackathon là một khái niệm vốn dùng để chỉ các sự kiện khoa học kỹ thuật, chủ yếu là công nghệ thông tin, quy tụ các chuyên gia lập trình, đồ hoạ… trong một thời gian ngắn để tạo ra các sản phẩm công nghệ.

Hiện nay, mô hình này được sử dụng cho những cuộc thi đề xuất các sáng kiến và giải pháp cho nhiều lĩnh vực khác nhau như xã hội, đô thị… Nhiều thành phố trên thế giới đã nhận ra ưu thế của mô hình Hackathon trong việc tìm kiếm ý tưởng và giải pháp cho các vấn đề của mình, đặc biệt trong lĩnh vực tăng cường sự tham gia của người dân trong việc giải quyết các vấn đề đó.

Cuộc thi Hackathon quy tụ các đội ngũ đa dạng bao gồm nhiều độ tuổi, chuyên môn kỹ thuật, bối cảnh xã hội nhằm đưa ra các giải pháp mang tính đa chiều đáp ứng yêu cầu thực tiễn đa dạng của thành phố. Đây là dự án của UNDP Việt Nam hỗ trợ các hoạt động thu hút giải pháp sáng tạo nhằm cải tiến các vấn đề liên quan đến dịch vụ công ở một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Đối tượng tham gia dự thi là các tổ chức khởi nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Tây Ninh. Kinh phí tổ chức và giải thưởng, cũng như kinh phí triển khai các giải pháp sáng tạo được chọn tổ chức thực hiện do UNDP tài trợ. Ngày 12.1.2018, chính quyền thành phố Tây Ninh đã chính thức chuyển giao cho UNDP Việt Nam hồ sơ tổ chức Hackathon. Cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Tây Ninh vào khoảng quý I - quý II năm 2018.            

Nguyễn Tấn Hùng

Tin cùng chuyên mục