Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ suối Vàng đến động Ba Cô (Tiếp theo và hết)
Thứ tư: 13:46 ngày 24/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tấm bia tưởng niệm do các cựu chiến binh của Liên đội 7 và Tiểu đoàn 47 xây dựng vào cuối năm 2004, ngay ở góc cuối sân chùa Hang. Liền kề là tấm biển chỉ đường xuống xin xăm. Theo dốc núi đấy mà đi xuống, ta còn gặp một di tích nữa của Liên đội 7 anh hùng và Tiểu đoàn 47.

Ðấy là động Huyền Môn, nằm dưới đoạn dốc dài độ vài chục mét. Ðây cũng là một điểm chốt, bám trụ ở núi của lực lượng trinh sát Miền trong suốt 13 năm bám núi. Ðặc biệt là trong trận chiến 31 ngày đêm đánh căn cứ thông tin trên đỉnh núi, đầu năm 1975 giải phóng núi Bà Ðen, quân ta đã dùng động Huyền Môn làm trạm quân y. Trên một vách đá gần động, cách nay chưa lâu còn có 3 tấm bia mộ vô danh của những thương binh đã không qua khỏi.

Sau đó, chùa núi đã xây một ngôi miếu nhỏ, đặt bia vào đó thờ anh em cho khỏi cảnh “dãi nắng dầm sương”. Miếu ấy nay cũng nằm trong động Huyền Môn. Công trình được chùa coi là một “di tích lịch sử” này chính là của lòng dân xây dựng.

Cửa động Ba Cô (bên phải miễu nhỏ).

Cũng là một động đẹp do các khối đá chồng xếp tự nhiên mà có, động Huyền Môn có cả “lối lên trời, lối xuống âm phủ”. Ðấy là cách nói của dân gian, tuy có phóng đại so với thực tế vì mỗi lối lên, xuống chỉ độ hơn chục mét. Nhưng trong cái hữu hạn lại thường gợi nên cái mênh mông vô hạn. Chính là do cái thế đá núi trập trùng, động hẹp nên có cảm giác sâu, xa hun hút mà nên.

Từ Chùa Hang, người hành hương vẫn còn một thách thức không nhỏ khi khám phá núi Bà. Ðường từ Ðiện Bà sang chùa Hang nay đã rộng thênh thang lại có chỗ dốc lên, dốc xuống. Nhưng từ đây lên động núi Ba Cô chỉ một lối lên dốc ngược, lại quanh co qua đá núi gập ghềnh. Vậy thì khách chỉ nên mắt nhìn xuống, tay vịn lan can mà cặm cụi bước lên, có thở dốc, mệt nhoài cũng không nên dừng lại.

Giữa đường, có khi thấy nản, vậy mà khách đã leo rồi ai cũng tới nơi. Tới để tìm biết vì sao có ba cô gái trẻ lại tìm đến tận một nơi “thâm sơn cùng cốc” tu hành. Thấy bảo, ba cô là chị em trong một nhà ở Long An. Lên núi tu tụng từ đầu thế kỷ 20. Lý do không ai biết. Người tu thường “kín tiếng”.

Hồi đó, đoạn này làm gì đã có bậc đá, lan can mà tay kéo, chân co ngược dốc; có khi còn bám dây leo, gờ đá mà lên. Vậy mà các cô đã tới, và sống ở ngay trong hang đá, nay được gọi là động núi Ba Cô. Sau khi chùa cho xây thêm chùa Quan Âm kề bên cửa động vào năm 2007, mới có thêm lối vào phía sau động núi, vào ra thuận tiện dễ dàng. Vì thế, không mấy người biết đến cửa động chính nay đã gần bít lối.

Ðấy là một khe nhỏ hẹp giữa một bên là đá núi, một bên là gốc sung già đang xoè rộng những cành và tán lá sum xuê trên nóc miếu Ba Cô và đến nửa sân chùa. Gốc sung mỗi năm mỗi lớn, khe đá ngày càng hẹp lại, chỉ có thể cho một người mảnh dẻ lách qua. Vậy mà vào trong, lòng hang lại rộng ra, róc rách một bên tiếng nước reo của một con suối nhỏ. Ở một ngách hang khác, cuối hang là một ban thờ có bày tượng “Ba Cô” cùng hương hoa ngạt ngào.

Ðiều bất ngờ, mà cũng có thể là điều dở nhất chính là do bàn tay con người đã điểm tô thêm cho động núi. Ðá núi Bà Ðen có phải là hang động đá vôi bị phong hoá kiểu Phong Nha- Kẻ Bàng đâu? Mà có thạch nhũ rủ từ trần hang xuống… Nghệ nhân tô đắp lại không khéo léo tay nghề cho lắm! Vậy nên có nơi ngước lên trần hang lại tưởng thấy một bàn chông (?). Bù lại, là không gian ngoại cảnh động Ba Cô và chùa Quan Âm vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

Ðá nơi đây có cấu trúc giống chùa Linh Sơn Long Châu. Nghĩa là từng tảng lớn kích cỡ bằng nguyên một ngôi nhà chồng xếp lên nhau từ thuở khai sơn. Những khe hở giữa chúng tạo thành hang động. Vậy có thể nói là có vô vàn hang động, trong đó động Ba Cô là một. May mắn thay, sân động núi có một khối đá lớn, mặt trên khá bằng phẳng, lại nằm vát nghiêng nghiêng như một chiếc long sàng (giường nằm của vua chúa).

Tiên phật có về ngự không thì chưa rõ, nhưng du khách có thể ngả lưng trên đó mắt lơ mơ nhìn những chùm sung đỏ rực của cái cây bên cửa động nhoài sang. Chỉ tiếc rằng, cái long sàng ấy hiện cũng đã bị nứt đôi như ông Ðá Nứt cạnh Suối Vàng. Nứt cả trên và dưới như ta thấy rõ trên lối vào phía sau động núi.

Cây rừng rợp bóng, đá núi lô nhô… nên khu vực này cũng là nơi nhiều loại chim thú về sinh sôi nảy nở. Bầy khỉ rất đông từng đến xin ăn trước sân Ðiện Bà nay cũng về đây cư trú. Bởi chốn cũ đang là công trường mở rộng mặt bằng sân chùa Bà. Các ni cô chùa Quan Âm kể chúng thường quậy phá khu bếp và công trình phụ. Thật là một điều đáng mừng cho núi. Như các nhà khoa học nói là đã tăng thêm phần đa dạng sinh học cho thiên nhiên núi Bà Ðen.

Nếu bầy khỉ là mối lo ngại cho các ni cô thì cũng có một niềm vui cho họ là sự phục hồi của gà rừng. Chuyện là cách đây 2 năm, có một du khách từ Bình Dương đến xin thả phóng sanh ở động Ba Cô một con gà trống che. Sau đó, chú gà trống ấy lại dụ được vài cô gà rừng thường đến dạo chơi quanh khu động núi. Ðến nay, chúng đã trở thành một “gia đình” gà lai và cả gà rừng đông hơn chục con.

Giống gà rừng thường rất “nhát” người, nhưng bầy gà này lại rất quen với các ni cô chùa Quan Âm. Giờ thì họ có thể vỗ tay là chúng đến hoặc đi theo hiệu lệnh. Thấy được bầy gà rừng lúc cúc đi bên chân du khách, quả là một sự hiếm hoi.

Thế là chỉ một chặng ngắn thôi, từ ông Ðá Nứt tới động Ba Cô. Ðường dài chỉ vài trăm mét, lên cao cũng chỉ bốn, năm chục mét, mà như đã thấy toàn cảnh một thiên nhiên núi Bà. Với đá, suối, cây rừng cùng những động vật tưởng quen mà lạ. Như qua suối Vàng, gặp mấy anh bảo vệ vừa cho cặp rết bắt được vào chai. Thì con rết ấy dài cả gang tay. Rồi tiếng suối reo róc rách bên tai.

Trên nguồn suối vàng hay con suối nhân tạo luồn qua động núi. Ðộng tuy nhỏ, nhưng vẫn có cả đường lên trời và lối xuống “địa phủ”. Có vẻ gì như giống với câu thơ Chu Mạnh Trinh đặc tả chùa Hương. Ðấy là: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh/ Thoảng bên tai một tiếng chày kình/ Khách tang hải giật mình trong giấc mộng…”.

Dường như chỉ khác chút ít thôi! Là đá chùa Hương thì “ngũ sắc long lanh như gấm dệt”, còn đá chùa Hang và động núi Ba Cô lại tựa như những viên ngọc rồng của các linh vật khổng lồ thời xưa để lại. Hàng triệu năm đã trôi qua, nhưng dường như đá núi vẫn sống và luôn tươi mới như người.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục