Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Từ thành lũy xưa tới Căn cứ Trà Vong <span> (tiếp theo và hết) </span>
Thứ tư: 07:30 ngày 20/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Điều kỳ diệu hơn nữa là xã hội mới này lần đầu tiên được xây dựng trên đất Tây Ninh, chỉ 3 năm sau khi cách mạng đánh đổ chế độ thực dân và phong kiến. Căn cứ này lại được kế thừa truyền thống đánh giặc của cha ông từ hàng trăm năm trước.

Dâng lễ trước mộ Quan lớn Trà Vong.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-1945) do Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2010 viết rằng: “Đầu năm 1948… Một vấn đề cấp bách được đặt ra là cần xây dựng căn cứ địa để làm nơi đứng chân vững chắc cho các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, nơi xây dựng nền kinh tế kháng chiến, nhằm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính…

Tỉnh uỷ chỉ đạo tập trung xây dựng Căn cứ địa Trà Vong. Căn cứ này áp sát vào Thị xã và khu vực Toà thánh, cơ sở đầu não của địch, một bên tựa vào Trảng Bàng nối liền với Hóc Môn, Đức Hoà, một bên nối liền Châu Thành là kho người, kho của, lại thông với Đồng Tháp Mười và sau lưng là rừng già bạt ngàn hiểm trở trải dài tận Đông Nam Campuchia và Bình Long, Phước Long…”

Nhưng, như vậy thì lớn quá! “Tựa vào Trảng Bàng” tức là ở sát với Trảng Bàng. Như vậy, căn cứ phải bao trùm cả huyện Dương Minh Châu ngày nay. Đấy là ở phía Đông. Còn phía Tây nối liền với Châu Thành thì đúng quá, để từ căn cứ có hành lang đi qua Châu Thành, Bến Cầu về các tỉnh miền Tây. Với quy mô như vậy, chỉ có thể là chuyện về Căn cứ Dương Minh Châu, mà sau này, khi Xứ uỷ cho sáp nhập, lập tỉnh mới Gia Định Ninh mới được thành lập vào tháng 5 năm 1951.

Tìm đọc cuốn kỷ yếu cuộc hội thảo “Căn cứ địa cách mạng ở Tây Ninh trong chiến tranh giải phóng (1930-1945) do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức vào năm 2002 (Nxb Quân Đội Nhân dân, 2002), trang 184 có bài: “Tỉnh uỷ Tây Ninh lãnh đạo xây dựng và bảo vệ căn cứ địa Trà Vong trong kháng chiến chống Thực dân Pháp” của Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Bài có đoạn: “Ban Chỉ huy Chi đội 11 (lực lượng võ trang của tỉnh) sau một thời gian điều nghiên khảo sát, đã chọn vùng Trà Vông để xây dựng căn cứ địa. Đề nghị này được Tỉnh uỷ chấp nhận. Giữa năm 1948, căn cứ địa Trà Vong bắt đầu được xây dựng. Đây là căn cứ địa lớn, đầu tiên của tỉnh… Từ đây, các cơ quan Dân, Chính, Đảng của tỉnh có nơi đứng chân, tập trung chỉ đạo kháng chiến…”.

Chú ý rằng tác giả Nguyễn Thanh Long vẫn dùng danh từ “Trà Vông”, một cách gọi xa xưa của người địa phương về “Quan lớn Trà Vong”. Cụ thể hơn là tại ngôi dinh thờ ngài ở Mỏ Công, vẫn ghi trên cổng rõ ràng hai chữ Trà Vông.

Tại đoạn trích trên, tác giả đã khoanh gọn lại phạm vi căn cứ địa là ở “vùng Trà Vông”. Trước năm 1948, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng căn cứ địa Bời Lời (Trảng Bàng). Tuy nhiên, tác giả giải thích: “Mặc dù Trảng Bàng là nơi xây dựng thế và lực cho kháng chiến rất tốt, nhưng căn cứ Bời Lời không đủ sức dung nạp, không trung tâm với cơ quan chỉ đạo của một tỉnh, do vậy căn cứ địa của tỉnh phải nằm ở vùng đông bắc của tỉnh, đó là vùng Trà Vông…”.

Như vậy, người đọc đã có thể hình dung một căn cứ địa Trà Vông. Tuy chưa rõ quy mô, nhưng đã có vị trí. Đấy là: “ở phía đông bắc của toàn huyện Châu Thành lúc bấy giờ…”. Từ đây, có thể: “thông qua hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông toả ra biên giới phía tây giáp nước Campuchia và ăn thông xuống phía nam đi Đồng Tháp Mười…”.

Tác giả cho ta thấy hình ảnh một căn cứ Trà Vong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đấy là: “Căn cứ địa Trà Vong, mặt nhìn vào thị xã, nơi đóng các cơ quan đầu não địch. Một tay ôm vùng Trảng Bàng, Hóc Môn và Đức Hoà (tay trái- TV); một tay ôm vùng Châu Thành (tay phải- TV) là kho người kho của, cả từ Đồng Tháp rút lên. Sau lưng căn cứ địa là cả rừng già bạt ngàn hiểm trở nối với đông nam nước Campuchia…”.

Hình ảnh này cho thấy một tư thế “đứng trên đầu thù”, với trung tâm căn cứ là vùng Trà Vong với 3 xã: Tân Phong, Trà Vong và Mỏ Công của huyện Tân Biên ngày nay. Hai bên phải, trái có thể thiết lập các hành lang như những cánh tay vươn dài tới Trảng Bàng và Châu Thành. Xa hơn là Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Đây chính là vùng các vị “Quan lớn Trà Vong” khai phá mở mang từ năm 1749, và sau đó dựng đồn luỹ bảo vệ lưu dân đến làm ăn, sinh sống.

Cho dù đã có thể hình dung căn cứ qua hình ảnh, vị trí… như Nguyễn Thanh Long đã mô tả, nhưng nếu muốn biết cụ thể hơn nữa về cả quy mô và vị trí thì vẫn phải tìm về sử liệu huyện Tân Biên. Cuốn “30 năm đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1945-1975)”, do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ xuất bản năm 1997 có những mô tả cụ thể nhất về Căn cứ địa Trà Vong.

Đấy là: “Khu rừng Trà Vong… phía Nam cách thị xã Tây Ninh 18km, có những cánh rừng nhỏ xen lẫn trảng trống, rừng dầu thưa đến rừng dày đặc khi đi dần lên biên giới… Phía Tây rừng trảng xen nhau cách quốc lộ 22 hơn 8km. Phía Đông và Đông Nam có lộ 4 đường đất Khe Đon đi Kà Tum, cách Trà Vong 12km…”.

Các sử liệu viết về Căn cứ Trà Vong đều xác định: căn cứ được chia thành 4 khu vực: Văn phòng chi đội 11, các cơ quan tỉnh, binh công xưởng và khu dân cư. Tuy vậy, theo các mô tả trong sử liệu Tân Biên (Sđd) thì khu dân cư vẫn rải rác ở vòng ngoài căn cứ (ngoại trừ xóm Dầu lớn).

Đấy là các xóm Suối Trà Vong, xóm Dầu lớn thông qua xóm Trường (bên phải căn cứ). Trước mặt là xóm Trà Vong mới; đằng sau là xóm Dầu lớn trong, xóm Ky; đi lên nữa là Bàu Văn Lịch (Thạnh Bình); bên trái là xóm Khe Đon trên, Khe Đon dưới, dần theo đường Trảng Dài thông với xóm Bà Hảo.

Khoảng giữa sau này trở thành xóm Mới, Xóm Rẫy mới, Bàu Chanh mới. Rõ ràng, với cung cách bố trí như trên đã tạo nên một vành đai vững chắc bảo vệ cho trung tâm căn cứ địa. Điều này đã được chứng minh: Khi quân Pháp thiết lập các đồn bót trên quốc lộ 22 và tỉnh lộ 4 nhằm cô lập căn cứ, từ đây tiến hành các cuộc tấn công vào căn cứ, thì cả 3 cuộc tấn công đều thất bại, trong đó có cuộc càn quét gồm 3 tiểu đoàn đánh thẳng vào “Thành Mây Rắc” (tên gọi khác Trà Vong). Căn cứ Trà Vong vẫn đứng vững và ngày càng phát triển. Đầu năm 1949, tại đây đã diễn ra Đại hội lần thứ hai của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh.

Khi lần tìm lại những sử liệu về Căn cứ Trà Vong, không thể không có sự liên hệ với Căn cứ địa Bời Lời trên vùng tam giác sắt nổi danh trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là căn cứ của các lực lượng cách mạng Trảng Bàng và cũng là một trong những căn cứ của khu uỷ Sài Gòn - Gia Định.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “Căn cứ địa Bời Lời huyền thoại” (Nxb Tổng hợp TP.HCM- 2020), Bí thư Thành uỷ TP. Hải Phòng Trần Lưu Quang đã viết: “Căn cứ địa Bời Lời được xây dựng và hoạt động như một xã hội của chế độ mới thu nhỏ, một biểu tượng của cuộc kháng chiến, nơi hướng về, hy vọng và khích lệ tinh thần kháng chiến của quân dân Tây Ninh và các vùng lân cận…”.

Trong các sử sách Tây Ninh, Căn cứ địa Trà Vong cũng là một “xã hội của chế độ mới thu nhỏ”. Căn cứ bao gồm đầy đủ các hoạt động kinh tế, y tế, văn hoá giáo dục, thông tin tuyên truyền và xuất bản báo chí… (Xem Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh 1930-2005).

Điều kỳ diệu hơn nữa là xã hội mới này lần đầu tiên được xây dựng trên đất Tây Ninh, chỉ 3 năm sau khi cách mạng đánh đổ chế độ thực dân và phong kiến. Căn cứ này lại được kế thừa truyền thống đánh giặc của cha ông từ hàng trăm năm trước. Vậy mà ngoài những trang sử, chưa có một động tác hay biện pháp nào để bảo vệ một phần di tích hoặc tôn vinh.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục