Đọc báo in
Tải ứng dụng

Vài năm trở lại đây, Tây Ninh đã tạo được nhiều đột phá quan trọng trong thu hút đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm công nghiệp chế biến) với nhiều dự án lớn, mang lại hiệu quả và tác động tích cực, mạnh mẽ cho nền nông nghiệp và nền kinh tế tỉnh nhà nói chung.

Trong các dự án này, nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu Tanifood (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) có tác động mạnh mẽ tới nền nông nghiệp, có thể sẽ làm thay đổi về “chất”. Một cán bộ lãnh đạo tỉnh đã ví von “Nhà máy Tanifood có thể được xem là trái tim của nền nông nghiệp tỉnh nhà”. 

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy chế biến

rau củ quả Tanifood ngày 6.1.2019.

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà

Nhận định về tiềm năng, thế mạnh của Tây Ninh đối với cây ăn trái, rau củ, ông Đinh Hùng Dũng, Phó tổng Giám đốc Công ty Lavifood cho biết, Tây Ninh có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, đất đai bằng phẳng, thuận lợi cho việc cơ giới hoá trong canh tác. Tây Ninh cũng là vùng đất hầu như không phải chịu tác động lớn do thiên tai (bão, lũ) gây ra; điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho việc trồng trọt các loại cây ăn trái, rau củ. Hằng ngày, lượng rau củ Tây Ninh xuất cho TP. Hồ Chí Minh lên đến 25% tổng lượng rau củ mà thành phố này nhập từ các tỉnh khác.

Lý do Lavifood chọn Tây Ninh làm “điểm đến” để đầu tư phát triển trồng trọt, sản xuất, xuất khẩu rau củ quả- theo ông Dũng là vì tỉnh có địa hình đất đai bằng phẳng, diện tích lớn, dễ cơ giới hoá, và như đã nói, rất ít bị thiên tai gây hại. Đáng chú ý nữa là, văn hoá tôn giáo đặc sắc ở đây là cơ sở cho việc góp phần xây dựng tính cách con người trở nên tình nghĩa, hiền hoà, coi trọng lao động. Đồng thời, một yếu tố quyết định là chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển.

Vậy Lavifood, Tanifood đã chuẩn bị tâm thế cũng như có những động thái nào để bảo đảm hiệu quả đầu tư, cùng nông dân Tây Ninh phát triển? Đại diện lãnh đạo Lavifood cho biết, hai yếu tố bảo đảm hiệu quả đầu tư là thị trường đầu ra và vùng nguyên liệu đầu vào sản xuất.

Với thị trường đầu ra, bằng kinh nghiệm đã và đang sản xuất, bán hàng của mình tại nhà máy Lavifood, nhà máy Tanifood tiếp tục mở rộng các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, khối EU, Australia, Korea, Japan… Các chỉ số CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hằng năm - tiếng Anh: Compounded Annual Growth Rate, là một thuật ngữ kinh doanh và đầu tư cụ thể cho thu nhập đầu tư thường niên trong một thời kỳ nhất định) cho thấy tăng trưởng doanh thu rau củ quả chế biến trên thế giới năm 2021 dự báo đạt 317 tỷ USD (mức tăng trưởng 3%/năm).

Trong đó, ngành chế biến của Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% doanh thu này. Điều đó có nghĩa thị trường còn rất lớn để mở rộng. Do đó, nhà máy Tanifood đã được đầu tư công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.

Về vùng trồng nguyên liệu đầu vào cung cấp cho nhà máy sản xuất, hiện nay, nông dân Tây Ninh đang rất háo hức, hưởng ứng phương thức chuyển đổi cây trồng trên cơ sở giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế và tăng dần diện tích trồng rau củ quả theo kế hoạch định hướng sản xuất của nhà máy Tanifood. Bước đầu, nhà máy đã ký hợp đồng trồng - tiêu thụ sản phẩm trên 500 ha với nông dân và các tổ chức để trồng các loại cây ăn trái như xoài, khóm, thanh long.

Trong năm 2019, công ty tiếp tục trồng theo kế hoạch tại Tây Ninh để thành lập vùng trồng ổn định, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy Tanifood và hình thành vùng trồng bền vững theo định hướng phát triển của tỉnh.

Cơ hội để nông dân làm giàu

Theo thống kê hằng năm, tổng sản lượng thu hoạch rau củ quả Việt Nam đạt 25 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trái tươi chiếm 63%, chế biến 37%. Với số lượng 145 nhà máy chế biến trong nước, trung bình hằng năm, sản lượng tiêu thụ cho chế biến chỉ đạt 1 triệu tấn nguyên liệu.

Như vậy, số lượng rau củ quả sau thu hoạch trên thị trường còn rất nhiều. Trên cơ sở đó, bước đầu, trong khi thành lập vùng trồng tại Tây Ninh, nhà máy sẽ tiếp tục mua nguyên liệu của nhiều vùng trồng lân cận khác để chế biến.

Khách tham quan tìm hiểu về những sản phẩm đầu tiên được sản xuất 
tại nhà máy Tanifood.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thành lập vùng trồng nguyên liệu. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư, chưa mạnh dạn chuyển đổi do thói quen truyền thống hoặc do trước đây đã từng có doanh nghiệp khác ký hợp đồng trồng và bao tiêu nông sản cho nông dân nhưng không tuân thủ hợp đồng, không thu mua sản phẩm.

Nguyên nhân chính nằm ở chỗ bản thân các doanh nghiệp này thực chất chỉ là các thương lái, không có nhà máy sản xuất tại địa phương hoặc ở các nơi khác, mà chỉ thu mua theo hình thức nếu có lãi thì mua và ngược lại thì “bỏ chạy” hoặc mua với giá rất rẻ. Từ đó, nông dân có tâm lý nghi ngại việc ký hợp đồng trồng và bao tiêu nông sản đối với doanh nghiệp.

Để xoá tan những nghi ngại đó, Lavifood đã xây dựng nhà máy tại địa phương, có chính sách bao tiêu với giá cả phù hợp và hỗ trợ kỹ thuật trồng cho nông dân. Bước đầu, công ty đã xây dựng được niềm tin với những nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Năm 2019 là năm bản lề, nhà máy sẽ đẩy mạnh các phương thức trồng trọt trên cơ sở những mô hình trồng mẫu những loại trái cây, rau củ do chính Lavifood thực hiện để nông dân tự tin chuyển đổi theo hướng dẫn của nhà máy.

Trên thực tế, hiện nay đã có nhiều nông dân tự trồng các loại cây trái truyền thống tại Tây Ninh như bưởi, mãng cầu, chuối… đã đáp ứng cho thị trường các vùng miền trong nước. Khi nhà máy Tanifood đi vào hoạt động sẽ nối kết với những hộ nông dân này để xây dựng quy chuẩn phù hợp với các thị trường nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản.

Tây Ninh đang cơ cấu lại cây trồng theo hướng phát triển mạnh cây ăn trái. Dự kiến, trong vài năm tới, toàn tỉnh trồng khoảng 23.000 ha rau củ và 30.000 ha cây ăn trái. Liệu định hướng này có khả thi, có cần thiết và có hiệu quả hay không? Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Dũng cho biết, theo kế hoạch, để cung cấp 500 tấn nguyên liệu/ngày, nhà máy cần có vùng trồng khoảng 7.124 ha trái cây, rau củ. Ngoài ra, để mở rộng cho xuất khẩu trái cây tươi, vùng trồng nguyên liệu của Công ty Lavifood cần mở rộng thêm và tổng diện tích thực tế cần là 10.000 ha.

“Quan điểm của Lavifood là xác định trồng và chế biến các loại rau củ quả theo yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường, tức là chúng ta bán cái người ta cần chứ không đơn thuần bán cái mình có. Theo thống kê, hiện nay, hằng năm, Tây Ninh đang trồng khoảng 23.000 ha rau củ, sản lượng thu hoạch cung cấp cho các tỉnh lân cận, nhiều nhất là cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhà máy Tanifood cũng sẽ tiêu thụ một sản lượng rau củ quả đáng kể theo kế hoạch như đậu bắp, bí đỏ Nhật, đậu nành, rau, bắp non… Với dự kiến trồng 30.000 ha cây ăn trái, tương đương 300.000 tấn sau thu hoạch, trong đó công suất của nhà máy Tanifood hằng năm đã tiêu thụ 149.000 tấn nguyên liệu. Trên cơ sở đó, định hướng của tỉnh hoàn toàn khả thi”, ông Dũng chia sẻ.

Định hướng phát triển cây ăn trái và rau củ của tỉnh với diện tích lớn như đã nêu sẽ tạo tiền đề hình thành vùng nguyên liệu mới trên bản đồ vùng trồng rau củ quả của cả nước. Định hướng chuyển đổi cây trồng, dần thay thế những cây trồng kém hiệu quả kinh tế là một chủ trương đúng đắn khi mà tiềm năng tiêu thụ nội địa và mở rộng xuất khẩu rau củ quả trong những năm vừa qua ngày càng tăng trưởng.

Định hướng này giúp công ty xác định được vùng trồng, chủ động về chất lượng, tự tin giới thiệu với khách hàng khắp nơi quy trình khép kín từ vùng trồng đến sản xuất, chế biến rau củ quả của nhà máy Tanifood; giúp khách hàng đầu cuối trực tiếp dùng sản phẩm của nhà máy trên khắp thế giới có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và biết được xuất xứ hàng hoá là Tây Ninh - Việt Nam.

Sẽ có thêm “lối ra” cho trái mãng cầu

 Mãng cầu (na) là một sản phẩm đặc hữu nổi tiếng của vùng núi Bà Tây Ninh. Tuy nhiên, được biết, Công ty Lavifood chưa có kế hoạch liên kết sản xuất - thu mua - chế biến trái cây này, trong khi tỉnh đang có sẵn vùng nguyên liệu khoảng hơn 5.000 ha cho trái quanh năm. Vì sao?

Trả lời câu hỏi này, ông Dũng cho biết, nói về trái cây, công ty luôn có 2 định hướng kinh doanh: xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước trái tươi; sản xuất chế biến. Trái mãng cầu (na) là trường hợp đặc biệt. Đây là loại trái cây phổ biến ở Việt Nam, thường dùng để ăn tươi. Trái na sau thu hoạch thường chín nhanh (tối đa 4 - 5 ngày), vỏ mềm, nhiều hạt, mùi vị nhẹ, không đặc trưng so với nhiều loại trái cây khác.

Trái chín quá nhanh sau thu hoạch là điểm bất lợi lớn của trái na trong quá trình xuất khẩu trái tươi ra các thị trường trên thế giới. Bởi thời gian vận chuyển bằng đường biển đến các thị trường tiêu thụ trái na nhanh nhất như Hàn Quốc cũng mất 4 - 5 ngày.

Với thị trường Trung Quốc, trái na được xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, trong tương lai gần, con đường xuất tiểu ngạch sẽ dần bị hạn chế, buộc phải xuất chính ngạch, và thời gian vận chuyển so với thời gian chín sinh lý của trái là một vấn đề nan giải. Hiện nay, việc xuất trái na sang các thị trường lớn (nếu có) như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản… chủ yếu đi bằng đường hàng không để bảo đảm thời gian, tuy nhiên, số lượng rất ít.

Còn nếu dự tính đưa vào chế biến thì trước mắt, Tanifood chưa có kế hoạch, do trái na có mùi vị nhẹ, không đặc trưng như các loại trái cây khác, do đó, sản phẩm không được khách hàng ưa chuộng.

Với những lý do đó, trái na chưa được đưa vào danh sách sản phẩm chủ lực của nhà máy. Tuy nhiên, thị trường trong nước của trái cây này hiện nay rất lớn. Để chung tay giải quyết việc tiêu thụ trái na nhiều hơn, trong chiến lược sắp tới của công ty có việc triển khai kế hoạch phối hợp với các hộ nông dân cùng nhau kiểm soát quy trình trồng trọt, xác định chất lượng; phối hợp với các cơ quan nghiên cứu cải tạo việc canh tác sao cho chất lượng trái na được nâng lên.

Bên cạnh đó, Công ty cũng sẽ phối hợp với các nhà khoa học để cải tạo giống, hoặc lai tạo với các giống na đang có chất lượng đáp ứng được các tiêu chí xuất khẩu trái tươi cũng như sản xuất chế biến.

“Sáu nhà” phải liên kết chặt chẽ

Để quá trình cơ cấu lại cây trồng theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, theo ông Dũng, việc hình thành chuỗi liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối) là vô cùng cần thiết nhằm xây dựng đường lối phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, giúp nông dân làm giàu và nhà đầu tư thịnh vượng từ nông nghiệp.

Để tạo ra nông sản có chất lượng, nhà nông cần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, biết cách bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình (sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động); tuân thủ các quy trình canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, qua đó tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận, bảo đảm chất lượng theo hướng dẫn trong quá trình liên kết.

Nhà đầu tư (doanh nghiệp) sẽ hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình, tuân thủ các tiêu chí chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý, canh tác, và ký hợp đồng bao tiêu thu mua nông sản.

Nhà khoa học là một nhân tố rất quan trọng. Các nhà khoa học phải “dẫn đầu đoàn” để nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nhà nông, nhất là trong việc cải tạo giống cây trồng; thiết lập quy trình canh tác tốt nhất.

Trong chuỗi giá trị, nhà phân phối (logistics) đóng vai trò then chốt, đáp ứng thời gian vận chuyển phù hợp với quá trình sinh lý tự nhiên sau thu hoạch của rau củ quả. Chi phí vận chuyển, phân phối nông sản trong điều kiện nước ta đang chiếm 25% tổng chi phí. Thời gian vận chuyển dài, chi phí tăng cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Khi các điều kiện phân phối cơ bản được đáp ứng, chi phí giảm sẽ tạo điều kiện làm tăng thêm khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khánh thành nhà máy Tanifood.

Để tạo điều kiện cho các nhà nêu trên hoạt động hiệu quả, “nhà băng” (ngân hàng) sẽ là đòn bẩy tích cực, thúc đẩy “các nhà” nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn tại của riêng mình. Ngân hàng phải có các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiếp cận nguồn vốn với cơ chế, chính sách tài chính phù hợp từng giai đoạn phát triển của xã hội để “kích thích” xu hướng đổi mới, sự phát triển tích cực của “các nhà”, đồng bộ hoá chủ trương, chính sách phát triển của Nhà nước đã ban hành.

Cuối cùng, với vai trò là kiến trúc thượng tầng, “nhà nước” tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của “các nhà” trong chuỗi giá trị bằng việc cụ thể hoá các chính sách theo luật; hỗ trợ, tạo điều kiện “các nhà” bằng các chính sách đặc thù của từng ngành. Nhà nước đóng vai trò điều phối chung toàn ngành từ đầu ra bằng các hiệp định thương mại với các quốc gia, cho đến đầu vào bằng các chính sách thúc đẩy “các nhà” cùng phát triển.

B.T