Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tính đến ngày hôm nay, 5.10.2024, Báo Tây Ninh đã ra đời, hoạt động phục vụ bạn đọc được tròn 78 năm.
Việc xác định ngày truyền thống này có tính ước lệ, dựa trên hai căn cứ: Một là theo ý kiến thống nhất của các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia làm Báo Dân Quyền (tiền thân của Báo Tây Ninh) vẫn còn sống và tham dự cuộc hội thảo truyền thống báo Đảng bộ tỉnh nhà tổ chức vào năm 2000 - Báo Dân Quyền ra mắt số đầu tiên vào tháng 10.1946, sau một năm quân dân Tây Ninh “ra bưng biền” kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hai là căn cứ vào ngày Tỉnh uỷ Tây Ninh ra quyết định chính thức thành lập cơ quan báo chí của Đảng bộ tỉnh 5.10.1976, hơn một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Dựa vào hai căn cứ này, Tỉnh uỷ quyết định công nhận “Ngày 5.10 hàng năm là Ngày truyền thống Báo Tây Ninh” (Quyết định số 222-CV/TU, ngày 22.2.2012).
Ông Lê Đình Nhơn - Trưởng Ban Tuyên truyền tỉnh Tây Ninh, phụ trách Báo Dân Quyền, tiền thân Báo Tây Ninh, năm 1946. Ảnh tư liệu
Gần tám thập niên hoạt động tác nghiệp từ thời chiến đến thời bình, với công nghệ làm báo từ thô sơ bằng “khuôn in đất sét” đến hiện đại bằng “kỹ thuật số” của hai ấn bản in trên giấy và trên mạng thông tin toàn cầu internet, Báo Tây Ninh vẫn luôn trung thành, giữ vững tôn chỉ mục đích “Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh” và không ngừng đổi mới để xây dựng, định hình bản sắc tờ báo thân thương của quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường.
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của tờ báo, tuy rằng không có ai đi suốt quãng đường dài ấy, nhưng với sự kế tục không ngừng của nhiều thế hệ làm báo, Báo Tây Ninh đã lập nên và duy trì truyền thống của báo chí cách mạng trong sự quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng của lãnh đạo Đảng bộ tỉnh và sự yêu thương, ủng hộ của bạn đọc tỉnh nhà.
Ba mươi năm trong thời chiến (1946-1975), tờ báo được xem như “vũ khí tinh thần” của quân dân Tây Ninh, tuy rằng không dễ duy trì xuất bản, phát hành đúng định kỳ, có lúc phải tạm thời đình bản, giai đoạn 1954-1960, khi Tây Ninh cũng như toàn miền Nam bị đắm chìm trong “đêm trường trung cổ” do chế độ Mỹ - Diệm cầm quyền ở miền Nam lật lọng không thi hành hiệp định Genève, lê máy chém đi trả thù người kháng chiến, mà tiêu biểu nhất là “án chém” đồng chí Hoàng Lê Kha ở Tây Ninh làm rúng động khắp thế giới lúc bấy giờ.
Đến khi nhân dân miền Nam anh hùng vùng lên đồng khởi dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, thì Báo Giải Phóng của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh là tờ báo cách mạng duy nhất ở miền Nam được tái bản với số báo đầu tiên là số đặc biệt chào mừng sự kiện thành lập Mặt trận ngay trên địa bàn tỉnh.
Cầm tờ báo dày dặn in typo (chữ chì) khổ A3, bìa in “offset bốn màu”, dù chỉ “tô màu bằng tay”, in tới 5.000 bản, ông Sáu Tâm - đồng chí Nguyễn Đức Tâm, nguyên Tổng biên tập Báo Tây Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh sau này vẫn nhớ đã thốt lên trong đầu “Cái con thấy đầu tiên là… tờ báo” (ông Sáu Tâm mượn ý thơ Trần Mạnh Hảo: “Cái con thấy đầu tiên là ánh lửa/ Đêm ấy trăng sao trốn tránh con người-NV).
Bởi lẽ ngày đầu tiên ông vào căn cứ Bời Lời tham gia kháng chiến chống Mỹ, khi mới 18 tuổi, cũng là ngày số báo đặc biệt ấy được phát hành từ trong chiến khu ra tới các khu dân cư ở Tây Ninh.
Rồi từ ấy ông Sáu Tâm trở thành Thư ký toà soạn của Báo Giải Phóng tỉnh Tây Ninh suốt 15 năm kháng chiến chống Mỹ, nối tiếp sang hơn 10 năm sau giải phóng và làm Tổng biên tập Báo Tây Ninh từ thời kỳ đổi mới đến đầu những năm 2000.
Những năm đầu thời kỳ đổi mới, Báo Tây Ninh bắt đầu chuyển mình đổi mới qua từng bước “tin học hoá” các công đoạn trong dây chuyền làm báo từ công tác phóng viên đến công tác biên tập xuất bản, ấn loát, phát hành.
Từ hệ thống máy vi tính “dùng chung” nối mạng ngang hàng trong toà soạn đến các thiết bị xách tay cá nhân; từ xuất bản báo in với công nghệ in kỹ thuật số đến xuất bản báo điện tử với hình ảnh buổi lễ “ra mắt ấn bản báo mạng” năm 2009 có sự tham dự của người đại diện cơ quan chủ quản- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Long “ấn phím enter tung tờ báo lên mạng internet”, mà khá nhiều người đang làm báo hiện nay vẫn “còn nhớ như in”.
Giai đoạn ấy, chỉ một việc mà những người làm công tác viễn thông ở địa phương vẫn chưa quên, Báo Tây Ninh là khách hàng internet ADSL đầu tiên của VNPT Tây Ninh, cũng đã nói lên khá nhiều điều về chuyện “làm báo thời 4.0” tại tỉnh nhà.
Ông Nguyễn Đức Tâm- nguyên Tổng Biên tập Báo Tây Ninh trò chuyện cùng PV, CTV. Ảnh tư liệu
Song hành cùng việc đổi mới công nghệ làm báo là đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin trên báo. Để làm được “hai mặt của một vấn đề” này, qua các đời Tổng biên tập Nguyễn Đức Tâm, Phạm Đăng Khoa, Dương Văn Phong, Văn Công Cảnh đến Trần Thị Mỹ Linh ngày nay (trong đó có hai chặng ngắn, từ sáu tháng đến hơn một năm, của các Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Võ Hữu Thành, Huỳnh Thanh Nam), đội ngũ làm báo tỉnh nhà phải liên tục, không ngừng “tự nâng chất” bản thân từng người trên từng phương diện, học văn hoá, học nghiệp vụ, học ngoại ngữ, học công nghệ thông tin từ những lớp “tự đào tạo” tại cơ quan; từ lớp đại học báo chí “vừa học vừa làm” đầu tiên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh mở tại Tây Ninh khoá 1993-1998, đến khoá đại học báo chí văn bằng 2 do Học viện Báo chí Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở tại Trường Chính trị tỉnh khoá 2011-2013.
Thế hệ làm báo giai đoạn ấy được gọi rất thân thương là đội ngũ “lính ông Sáu”, tức ông Sáu Tâm- người suốt đời làm báo, từ khi “gác bút nghiên” năm 18 tuổi đến khi qua đời, lúc đang làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, năm 2006.
Hiện nay, hai người “lính ông Sáu đời cuối” Đặng Hoàng Thái, Dương Nguyễn Hoàng Anh đang là hai Phó Tổng biên tập, lúc ấy một người là biên tập viên thời sự quốc tế chuyên “rà trên mạng” lấy tin thế giới để biên dịch đăng báo; một người là phóng viên xông xáo chống tiêu cực trong kinh tế thị trường thời mở cửa.
Còn Tổng biên tập đương chức Trần Thị Mỹ Linh khi đó là phóng viên chương trình Tiếng nói cử tri - “đặc sản” của Đài PT-TH tỉnh, sau là Trưởng Phòng Quản lý báo chí - xuất bản của Sở Thông tin và Truyền thông những năm đầu mới thành lập, rồi làm Phó Giám đốc Đài trước khi chuyển về làm báo.
Bước sang những năm cuối thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Báo Tây Ninh có thêm các ấn bản online trên các nền tảng mạng xã hội, song song với ấn bản Báo Tây Ninh điện tử.
Hiện nay, tuy rằng số lượng ấn bản báo in vẫn giữ vững ở mức cao (14.000 bản x 4 kỳ/tuần) và số lượt truy cập báo điện tử của bạn đọc vẫn không ngừng tăng lên với đơn vị tính hàng triệu, nhưng những người làm báo vẫn chưa thể hài lòng vì chất lượng thông tin vẫn chưa thoả mãn được yêu cầu ngày càng cao hơn, nhanh hơn, xa hơn của bạn đọc.
Do vậy, các ấn bản đa phương tiện của Báo vẫn luôn phải không ngừng cải tiến, đổi mới, nâng cao mà việc thay đổi giao diện mới của Báo Tây Ninh điện tử nhân cuộc họp mặt truyền thống 5.10 hôm nay cũng là một dấu mốc được ghi nhận cho một chặng đường mới.
Chặng đường mới của Báo Tây Ninh hiện hành thực chất là sự “làm tươi” bản sắc của tờ báo đã hình thành từ lâu trong mắt bạn đọc. Bản sắc ấy bắt nguồn từ sự trung thành với tôn chỉ mục đích tờ báo, từ truyền thống vẻ vang tiếp nối của nhiều thế hệ làm báo, sự khẳng định đạo đức người làm báo của tờ báo Đảng bộ tỉnh nhà đã được thử thách, trui rèn qua nhiều chặng đường tác nghiệp.
Bản sắc ấy được định dạng như một “thương hiệu” Báo Tây Ninh từ thời chiến, sang thời bình đến thời đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng gần 40 năm qua. Quá trình xây dựng và bảo vệ “thương hiệu” ấy nếu không liên tục “làm tươi- refresh” ắt sẽ dễ bị… “mất cảm ứng, ù lì” đáng lo lắm vậy.
Vì thế, những người làm báo hôm nay trước hết phải “tự refresh” chính mình, nếu không muốn “tụt hậu” trên đường cạnh tranh để tồn tại và phát triển, xứng đáng với truyền thống của “bổn báo”.
Nguyễn Tấn Hùng