Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Người dân sống tại ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền phản ánh, khoảng nửa tháng nay, tại khu vực dọc hai bên tuyến đường Cây Gõ ra đường 796 có hai người dân tự ý thuê máy đào đất nông nghiệp để san lấp mặt bằng.
Đất trồng lúa của ông T.V.H được đào ao lấy đất san lấp mặt bằng.
Năm 2019, Ninh Điền là xã biên giới thứ hai của huyện Châu Thành được chọn là xã điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của xã có nhiều thay đổi, hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân tự ý móc đất san lấp mặt bằng nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng.
Tự ý móc đất
Người dân sống tại ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền phản ánh, khoảng nửa tháng nay, tại khu vực dọc hai bên tuyến đường Cây Gõ ra đường 796 có hai người dân tự ý thuê máy đào đất nông nghiệp để san lấp mặt bằng.
Cụ thể, khoảng 9 giờ ngày 12.4, khi chúng tôi có mặt tại nhà ông T.V.H (ngụ ấp Gò Nổi), nhiều xe ben chở đất từ ruộng sản xuất lúa đổ lên cạnh tuyến đường Cây Gõ ra đường 796. Cách đó không xa, tại hộ gia đình ông K (gần nhà ông H) cũng có một máy xúc và một xe ben móc đất vườn cao su đổ mặt bằng phía trước nhà ông K.
Chúng tôi ghi hình vụ việc, các phương tiện cơ giới vội vã rời khỏi hiện trường. Ông H cho biết đã thuê người đến móc đất mà chưa có sự cho phép của chính quyền địa phương. Theo một người dân gần đó, khoảng hai tuần trước, hộ ông H đã thuê máy đào đến móc đất nhưng không lâu sau, Công an xã đến nơi nên việc đào đất bị dừng lại.
Cũng theo người này, từ lúc con đường được nâng cấp, mở rộng theo Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới thì một số hộ dân ven đường bắt đầu đào đất phía sau đem đổ ra phía trước để san lấp mặt bằng.
Một người dân cũng có vài chục mét đất mặt tiền trên tuyến đường này cho biết, ông cũng có ý định đổ đất san lấp mặt bằng một phần diện tích ruộng sản xuất lúa của gia đình.
“Bây giờ nếu mua đất từ nơi khác chở tới thì quá đắt. Tính sơ sơ, nếu phải mua đất đổ mặt bằng ruộng cho bằng mặt đường, tôi phải tốn vài trăm triệu đồng. Do đó, nếu mà được chính quyền cho phép thì tôi cũng thuê máy đào đến san lấp cho nhẹ chi phí”, người này nói.
Lãnh đạo xã không cung cấp thông tin
Sáng 14.4, chúng tôi đến UBND xã Ninh Điền để gặp lãnh đạo xã. Tại thời điểm này, khoảng 8 giờ 15 phút sáng cả 3 vị lãnh đạo xã, gồm ông Châu Quốc Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Văn Thơ - Phó Chủ tịch UBND xã đều đang “làm việc” tại quán cà phê gần cổng Uỷ ban.
Chúng tôi đến gặp và nêu lý do đến liên hệ công tác. Lúc này, ông Nguyễn Hoàng Phúc nói: “Gặp anh Thơ, sẽ cung cấp thông tin cho”, rồi rời đi. Ông Thơ đề nghị chúng tôi “uống trà đi rồi lát vào phòng làm việc”. Chờ khoảng 10 phút sau, không thấy ông Thơ mời về phòng làm việc để cung cấp thông tin...”.
Phóng viên đặt câu hỏi: Vụ việc ông H, ông K tự ý móc đất san lấp nền nhà phía xã có nắm chưa, có lập biên bản chưa, nếu có thì có thể cung cấp biên bản cho phóng viên được không?
Ban đầu, ông Thơ trả lời là không có lập biên bản do khi xã xuống hiện trường thì các phương tiện cơ giới đã rời đi. Phóng viên hỏi tiếp: “Vậy xã có lập biên bản hiện trường nơi móc đất nông nghiệp không”, ông Thơ trả lời là ông không thấy móc chỗ nào hết nên không có lập biên bản.
Phóng viên đặt câu hỏi, hướng xử lý của UBND xã trong vụ việc này như thế nào để tránh trường hợp nhiều hộ dân khác cũng có hành vi tương tự? Bất ngờ ông Thơ nổi nóng, nói chúng tôi “làm việc với ông thì sao không vào phòng làm việc” (!?).
Sau đó ông Thơ nói: “Muốn gì thì ra Công an xã gặp ông Bảo (ông Đặng Quốc Bảo - Trưởng Công an xã) để lấy thông tin. Phóng viên nói: Nếu ông yêu cầu ra gặp ông Bảo lấy thông tin thì ông nên có uỷ quyền để ông Bảo biết. Ông Thơ nói: “Vậy mày muốn viết gì thì viết” rồi bỏ ra sân UBND xã.
Nhận thấy thái độ không hợp tác của ông Thơ nên chúng tôi ra về. Sau đó, khoảng 9 giờ 24 phút, phóng viên liên hệ lại với ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND xã qua điện thoại để đặt lịch phỏng vấn. Ông Phúc đồng ý và hứa sẽ cho cán bộ cung cấp thông tin.
Tuy nhiên, đến khoảng 14 giờ ngày 14.4, theo lịch đã hẹn trước, chúng tôi đến UBND xã thì thấy phòng làm việc của ông Phúc khoá ngoài nên gọi điện thoại cho ông. Ông Phúc yêu cầu phóng viên gặp Đại uý Đặng Quốc Bảo - Trưởng Công an xã để được cung cấp thông tin.
Ông Phúc cho biết, trước đó ông đã làm việc và yêu cầu ông Bảo cung cấp cho phóng viên. Thế nhưng, khi chúng tôi đến liên hệ thì ông Bảo cho biết, theo Luật Công an nhân dân, quyền phát ngôn với báo chí thuộc thẩm quyền của Trưởng Công an huyện nên ông không thể cung cấp thông tin gì được.
Nhận thấy vụ việc bị đùn đẩy trách nhiệm, phóng viên liền điện thoại gọi lại cho ông Phúc 3 lần, nhưng cả 3 lần đều không thể liên lạc được.
Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc để thông tin đến bạn đọc.
Minh Dương