Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tuần lễ áo dài 2024: Áo dài – niềm tự hào văn hóa Việt
Thứ ba: 09:51 ngày 05/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Qua các thời kỳ, áo dài không ngừng biến đổi trong đời sống đương đại, nhưng vẫn luôn khẳng định giá trị truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.

Không chỉ là trang phục truyền thống của dân tộc, áo dài còn là một hình ảnh đặc biệt trong ngoại giao văn hóa, kết nối Việt Nam và thế giới.

Áo dài Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm

Theo các nhà nghiên cứu, để có được một chiếc áo dài mang đậm nét văn hóa đặc trưng như ngày nay, bộ trang phục này đã phải trải qua nhiều giai đoạn biến thể khác nhau.

Hình ảnh cổ xưa nhất của áo dài được biết đến là áo Giao lĩnh (khoảng năm 1744). Lúc này, áo có kích thước rộng, thân áo được may bằng 4 tấm vải, dài đến chấm gót chân, xẻ 2 bên hông, phần tay áo dài, cổ tay rộng. Áo mặc cùng váy đen bên trong và thắt lưng vải bên ngoài. Theo ông Phan Thanh Hải Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công rất lớn để có được chiếc áo dài, vị thế áo dài như ngày hôm nay. Vị chúa này đã chủ trương cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian xứ Đàng Trong, đưa áo dài trở thành trang phục chính thức.

Trình diễn áo dài nghệ thuật “Hương sắc Áo dài Việt”. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đến thế kỷ XVII, để thuận tiện hơn trong công việc làm đồng áng và buôn bán, chiếc áo Giao lãnh được thiết kế gọn lại thành kiểu áo tứ thân, trong đó vạt trước được xẻ rời thành 2 vạt, người mặc có thể buộc 2 vạt này lại với nhau ở phía trước bụng. Áo tứ thân thường có màu tối vì trang phục này được sử dụng phổ biến ở tầng lớp nông dân - những người quanh năm với công việc đồng áng.

Thế kỷ XIX, áo dài ngũ thân được ra đời nhằm tạo ra sự cách biệt giữa tầng lớp quý tộc sang trọng và tầng lớp nông dân. Dựa trên cơ sở áo tứ thân, phần thân vạt trước của áo dài ngũ thân được bổ sung phần vạt áo thứ ẩn trong 2 vạt trước.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, áo dài Lemur được ra đời bởi bàn tay sáng tạo của họa sĩ Cát Tường (tên của chiếc áo dài này đã được đặt theo tên tiếng Pháp của Bà). Áo được may ôm sát cơ thể, chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất. Nhằm tạo điểm nhấn nổi bật, chiếc áo dài Lemur được Âu hóa với phần áo có thắt eo, dáng tay phồng, cổ áo khoét hình trái tim… Có lẽ vì lý do này nên áo dài Lemur vấp phải sự phản đối của dư luận cho rằng kiểu áo này bị lai Tây, không phù hợp phong tục tập quán Việt Nam thời bấy giờ.

Khắc phục các nhược điểm của áo dài Lemur là áo dài Lê Phổ. Áo dài Lê Phổ được ra đời dưới bàn tay khéo léo của nhà thiết kế cùng tên. Bà đã thu gọn kích thước áo dài để ôm vừa vặn thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Nói cách khác, bà khiến nó trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn. Đây là chiếc áo dài nhận về khá nhiều sự khen ngợi và được sử dụng qua nhiều thời kỳ.

Đến những năm 1960, áo dài Raglan (còn gọi là áo dài giắc lăng) ra đời do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.

Đến nay, áo dài Việt Nam có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng và chất liệu. Nhưng dù có những biến đổi, song chiếc áo dài vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào có được.

Những năm gần đây, đội ngũ các họa sỹ, nhà thiết kế, nhà tạo mẫu đã đem lại vẻ đẹp mới cho tà áo dài dân tộc. Áo dài được thời trang hóa với nhiều cách tân, sáng tạo táo bạo, kết hợp nét tinh hoa của văn hóa truyền thống với yếu tố thời trang hiện đại. Trên cơ sở kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, các nhà thiết kế đã đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại như thêu, vẽ họa tiết trang trí, điểm xuyết hoa văn từ các trang phục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, lấy họa tiết từ trống đồng, các linh vật như long, ly, quy, phượng, phố cổ Hà Nội, các loài hoa...

Có thể thấy, trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn… chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ. Áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu các giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, vừa trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam thời hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ta ra khắp thế giới.

Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại

Tuy chưa có văn bản quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa-văn hoá của dân tộc Việt.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ văn hóa Bùi Hoài Sơn, áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Nét đặc trưng của áo dài được thể hiện ở tính phổ cập trong đời sống xã hội, trong các tầng lớp nhân dân. Áo dài Việt Nam có thể sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục. Người dân có thể mặc áo dài trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau: đi học, đi làm, đi chơi, đi chùa, đi lễ nhà thờ, dự tiệc hay vào các dịp lễ Tết, sự kiện văn hóa-xã hội quan trọng. Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.

Trải qua các giai đoạn lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, áo dài vẫn là trang phục truyền thống trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế thể hiện sự trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

Chương trình Festival Áo dài Hà Nội 2016 với chủ đề "Tinh hoa áo dài Việt Nam". Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Ở hầu hết các cuộc thi người đẹp của Việt Nam, trang phục áo dài luôn là một phần thi bắt buộc. Các hoa hậu Việt Nam khi tham gia thi quốc tế, đều chọn áo dài là trang phục dân tộc để trình diễn, bởi khó có thể tìm được bộ trang phục nào thể hiện tốt nhất bản sắc văn hóa Việt Nam như áo dài. Vẻ đẹp của áo dài, văn hóa mặc áo dài… còn được tôn vinh trong nhiều lễ hội hiện đại lớn, như: Lễ hội Áo dài “Hương sắc Hà Nội” (năm 2014) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám với 250 bộ áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng Hà Nội; Festival Áo dài Hà Nội (năm 2016) với chủ đề “Tinh hoa Áo dài Việt Nam” tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long giới thiệu đến công chúng hình ảnh và tư liệu về quá trình phát triển của áo dài cũng như bộ sưu tập áo dài đặc sắc của các nhà thiết kế nổi tiếng như La Hằng, Trịnh Bích Thủy, Cao Minh Tiến, Hà Duy, Nhi Hoàng, Đức Hải, Thanh Thúy…

Các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế… đều có Lễ hội áo dài - chương trình đậm chất văn hóa Huế, góp phần làm phong phú và đa dạng chương trình lễ hội cũng như sự thành công của sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc biệt này. Đến nay, trải qua hàng chục kỳ Festival Huế, các Lễ hội áo dài với chủ đề khác nhau đã mang đến cho du khách thập phương những trải nghiệm tuyệt vời tại mảnh đất cố đô giàu văn hoá này.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Lễ hội áo dài được tổ chức lần đầu năm 2014, đến nay đã trở thành sự kiện có quy mô lớn, ngày càng được nâng tầm về quy mô, nội dung, hình thức và trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của TP Hồ Chí Minh, thu hút hàng nghìn người tham gia. Lễ hội đã góp phần tôn vinh, khẳng định nhiều giá trị tinh hoa của áo dài Việt Nam, nâng tầm giá trị và nét đặc sắc của trang phục này lên một tầm cao mới...

Áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc. Nhưng khi sống xa quê hương, chiếc áo dài không chỉ là trang phục nữa mà mang ý nghĩa thiêng liêng. Nó là niềm tự hào. Chiếc áo dài đánh thức những ký ức quê hương. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài chọn áo dài trong những dịp trang trọng nhất như một sự khẳng định bản sắc, khẳng định cội nguồn dân tộc. Người Việt ở nước ngoài tôn vinh tà áo dài quê hương trong nhiều sự kiện khác nhau. Cho dù sống ở đâu, họ luôn tự hào mình là người Việt, tự hào vì những truyền thống văn hóa lâu đời. Vì thế, ở nước ngoài, trang phục áo dài truyền thống luôn được lựa chọn để bạn bè quốc tế khi nhìn vào đều thấy một nét đẹp văn hóa, một tâm hồn người Việt luôn hướng về quê hương.

Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Áo dài Việt Nam bước ra thế giới

"Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu

Dù ở đâu... Paris, London hay ở những miền xa

Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố

Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó… em ơi!”

Những câu ca trong bài "Một thoáng quê hương" của Nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng đã cho thấy niềm tự hào về sự hiện diện của áo dài Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.

Áo dài ngày nay không chỉ dành cho phụ nữ Việt Nam mà nhiều người nước ngoài (trong đó đặc biệt là những phu nhân, nhà ngoại giao…) cũng lựa chọn áo dài để mặc như một sự tôn trọng về văn hóa Việt Nam. Áo dài cũng không chỉ xuất hiện ở phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn hiện diện ở khắp các châu lục, hay trong những sự kiện lớn của quốc tế. Chiếc áo dài đã trở thành một hình ảnh đầy tự hào để nhận diện về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Không phải chỉ bây giờ, hình ảnh những nhà ngoại giao nữ của Việt Nam trong trang phục áo dài đã xuất hiện trên trường quốc tế cách đây hơn nửa thế kỷ. Vào tháng 3/1963, đoàn đại biểu Việt Nam gồm 3 người do bà Nguyễn Thị Bình với danh nghĩa Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam dẫn đầu dự Đại hội phụ nữ thế giới tại Moscow (Liên Xô). Tại Đại hội, hàng nghìn đại biểu các nước trong hội trường đã sững sờ khi nghe những người phụ nữ Việt Nam mảnh mai trong tà áo dài nói về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Cả hội trường lặng đi, sau đó là những giọt nước mắt xúc động.

Sau đó, ngày 27/1/1973, trong trang phục áo dài truyền thống, hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình - Bộ Trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị đàm phán ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã gây ấn tượng đặc biệt với giới báo chí và nhân dân các nước. Phong thái điềm đĩnh, nhẹ nhàng nhưng không kém phần cứng rắn, mạnh mẽ của “nữ tướng” ngành ngoại giao Việt Nam khi đó đã góp phần kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.

Và cũng thật xúc động và tự hào khi các nữ quân nhân trong đội hình Đội Công binh số 1 tại Phái bộ An ninh Lâm thời Liên hợp quốc (UNISFA), khu vực Abyei, châu Phi khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống của quê hương để tham dự các lễ hội, hội nghị quan trọng.

Có thể nói, vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, “đại sứ” quảng bá hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới.

Nguồn thethaovanhoa.vn

Tin cùng chuyên mục