Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh các HTX
Thứ năm: 21:49 ngày 12/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm gần đây, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp của Tây Ninh đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đáng chú ý, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều loại hình HTX nông nghiệp như: HTX dịch vụ nông nghiệp; HTX sản xuất rau an toàn; HTX chăn nuôi và thủy sản; HTX dịch vụ thủy lợi... Nhìn chung, HTX góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của HTX trong bối cảnh hiện nay.

Thu hoạch mãng cầu tại HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân.

Theo Sở NN&PTNT, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 90 HTX nông nghiệp với 3.800 thành viên; giải quyết việc làm thường xuyên cho 980 lao động. Ước đến hết năm 2020, có 70 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; 15 HTX ứng dụng công nghệ cao; 60 HTX liên kết với doanh nghiệp; 36 HTX đăng ký tham gia các chuỗi giá trị ngành nông sản trong toàn tỉnh.

Tổng số cán bộ quản lý HTX là 360 người, trong đó, trình độ đại học, cao đẳng 55 người; trình độ sơ cấp, trung cấp 189 người và 116 người chưa qua đào tạo. Trung bình thu nhập thành viên HTX lĩnh vực nông nghiệp ước khoảng 4 – 4,5 triệu đồng/tháng/người. Riêng lĩnh vực dịch vụ thuỷ lợi, hiện chỉ hưởng 8% thuỷ lợi phí dành cho công tác quản lý kênh tưới tiêu trên địa bàn huyện Châu Thành và Trảng Bàng nên hầu như không có lợi nhuận.

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh triển khai và ban hành các chính sách, kế hoạch, chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể như: đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; chính sách thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND), hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (Quyết định số 2261/QĐ-TTg), hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản (Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND); hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg); dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 2746/QĐ-UBND); xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Đến nay, số cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX đã tuyển 10/11 lao động, đạt 90,9% của 7/8 HTX, với tổng kinh phí 949 triệu đồng; số kinh phí hỗ trợ cho các HTX đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị…là 21.055 triệu đồng.

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chương trình xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp, HTX, cá nhân tham gia hội chợ triển lãm các sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn tiêu biểu của tỉnh và ngày càng được nhiều người biết đến (mãng cầu, dưa lưới, cam xoàn, bưởi, muối tôm, bánh tráng…), được ký kết thu mua để đưa vào hệ thống các siêu thị Big C, Coopmart…

Nông dân xem thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV trên ruộng lúa tại HTX Giống cây trồng và DNNN Bàu Đồn.

Nhìn chung, các HTX thực hiện tốt chức năng của mình giúp kinh tế hộ khắc phục khó khăn, hạn chế, yếu kém về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giúp các hộ thành viên sử dụng có hiệu quả hơn về nguồn tài nguyên như: đất đai, nước, nguồn nguyên liệu tại chỗ, lao động, vật tư, vốn, tiêu thụ sản phẩm, tiếp nhận những thông tin áp dụng vào sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên và hộ nông dân.

Một số HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân. Với hình thức sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, các HTX nông nghiệp hướng dẫn thành viên dồn điền, đổi thửa, tạo thành vùng sản xuất tập trung liên kết chặc chẽ với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, giống, tư vấn chuyên môn và tìm đầu ra sản phẩm.

Theo Công ty TNHH Lavifarm (trực thuộc Công ty Cổ phần Lavifood), từ năm 2018 đến nay, Công ty đã ký hợp đồng với nông dân và hợp tác xã trên  tổng diện tích 407,14 ha, gồm: thanh long ruột đỏ (26,58 ha); khóm Queen (257,76 ha); xoài cát chu (24,28 ha); xoài keo (11,40 ha); mít thái lá bàng (87,12 ha). Trong đó, đối với HTX nông nghiệp, Công ty đã ký hợp đồng với 3 HTX, diện tích khoảng 25 ha.

Đại diện Công ty cho biết, nông dân ngày càng quan tâm hơn đến việc đầu tư, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây ăn trái như tưới phun, tưới tiết kiệm, áp dụng các tiêu chuẩn GAP... Bên cạnh đó, nhiều tổ liên kết (hợp tác xã, tổ hợp tác...) trong sản xuất cây ăn trái được thành lập, đó là tiền đề để tổ chức lại sản xuất, có tư cách pháp lý ký kết các hợp đồng tiêu thụ, ổn định sản xuất.

Mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã Nhà (thị xã Hòa Thành).

Trong thời gian tới, Công ty định hướng xây dựng và từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ, song hành cùng với kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh, định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Công ty cũng sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức, triển khai hình thành các vùng nguyên liệu cây ăn trái. Tại các huyện, thành phố tập trung sản xuất loại cây ăn trái phù hợp tùy đặc điểm, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng của từng vùng. Song song đó, tiêu thụ nông sản cho nông dân, HTX trồng đạt chuẩn; khuyến khích tạo điều kiện cho nông dân sản xuất nông sản cũng như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm phù hợp thị trường; qua đó, thực hiện các chuỗi giá trị nông sản bền vững.

Ông Hà Chí Mãng – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) cho biết, việc xây dựng các mô hình điểm HTX rất quan trọng, tạo nên sức mạnh lan tỏa cho những HTX khác. Các HTX này phải phát triển mạnh, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và xây dựng được uy tín của mình.

Hiện nay, tỉnh đã có sàn nông sản điện tử, đây là một kênh rất hữu ích, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, của HTX, nâng cao uy tín của doanh nghiệp. Do đó, nên lựa chọn những HTX, những sản phẩm uy tín, chất lượng; bên cạnh đó, đăng tải các thông tin về sản lượng, năng lực sản xuất của HTX/doanh nghiệp, tiêu chuẩn của sản phẩm… lên sàn để các doanh nghiệp, đối tác biết đến để xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các HTX.

Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn. Mặc dù toàn bộ  HTX nông nghiệp đã chuyển đổi và thành lập mới theo Luật HTX năm 2012, nhưng còn mang tính hình thức, thậm chí một số HTX chưa tuân thủ các nguyên tắc hoạt động của HTX đã được quy định trong Luật HTX.

Bên cạnh đó, tiềm lực của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động thấp và tính liên kết trong nội bộ HTX còn yếu. Đa số các HTX mới chỉ cung cấp được các dịch vụ đầu vào và tổ chức một vài dịch vụ cung cấp cho thành viên. Nhiều HTX còn lúng túng trong việc xác định phương hướng hoạt động phù hợp với thị trường, chưa là nơi tổ chức liên kết từ khâu đầu vào, đầu ra cho thành viên.

Hầu hết các HTX đều không có trụ sở, nhà xưởng sản xuất ổn định; nguồn tài chính tự có của HTX không đủ để tham gia đấu thầu, hoặc đối ứng hợp tác với các đối tác lớn từ đó, đồng nghĩa với việc các HTX chưa thể đầu tư đổi mới công nghệ nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Sở NN&PTNT cho biết, để HTX nông nghiệp ngày càng phát triển, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các thành phần kinh tế và quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí của HTX trong nông nghiệp; gắn phát triển kinh tế tập thể với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Thứ hai, lựa chọn mô hình hợp tác xã phù hợp với từng địa phương, thúc đẩy kinh tế hộ, tổ hợp tác trong nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, làm cơ sở cho phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp. 

Thứ ba, tăng cường liên kết “bốn nhà”, liên kết vùng trong phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác xã trong nông nghiệp; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục