Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Kể từ ngày 1.6.2020, Điện lực Tây Ninh triển khai việc ngưng thu phí tại nhà, dần chuyển sang hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng, ví điện tử… tại một số khu vực. Mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ không còn hình thức thu tiền điện tại nhà.
Theo Điện lực Tây Ninh, việc thay đổi hình thức thanh toán được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 02/2019/NQ-CP ngày 1.1.2019, và văn bản số 731/UBND-KTTC ngày 17.4.2019 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc tăng cường thực hiện thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt.
Một điểm thu hộ tiền điện của Ngân hàng An Bình trên địa bàn thành phố Tây Ninh.
Để từng bước thực hiện chủ trương này, từ ngày 1.6.2020 Công ty Điện lực Tây Ninh bắt đầu ngừng thu tiền điện tại nhà khách hàng tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo Điện lực Tây Ninh, việc thực hiện sẽ chia ra 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 được triển khai trong quý II/2020, phấn đấu 100% khách hàng khu vực đô thị thực hiện. Giai đoạn 2 bắt đầu trong quý III/2020 với 50% khách hàng ở khu vực nông thôn và giai đoạn 3 sẽ áp dụng với 50% khách hàng khu vực nông thôn còn lại, thời gian trong quý IV năm 2020.
Việc thanh toán tiền điện sẽ được thực hiện bằng 2 hình thức: thanh toán bằng tiền mặt tại các quầy thu của Điện lực và các điểm thu hộ của các Ngân hàng và Tổ chức Thanh toán trung gian hợp tác thu hộ tiền điện với Công ty Điện lực Tây Ninh; hoặc thanh toán bằng không dùng tiền mặt như: Trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng (Ủy quyền cho ngân hàng thanh toán hộ tiền điện); Thanh toán chuyển khoản qua ATM, Mobile Banking, Internet Banking, ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi hoặc thanh toán qua ví điện tử của các Tổ chức Thanh toán trung gian như Momo, Vimo, Airpay…, thanh toán trên ứng dụng Chăm sóc khách hàng qua Zalo của Tổng công ty Điện lực miền Nam.
Đại diện Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, hiện nay, công ty đã ký hợp đồng với 11 Ngân hàng và 10 Tổ chức Thanh toán trung gian để thu hộ tiền điện. Trong quá trình triển khai, Công ty Điện lực Tây Ninh sẽ phối hợp với các Tổ chức Thanh toán mở thêm điểm thu tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện, đồng thời vẫn duy trì đến nhà thu đối với khách hàng thuộc hộ gia đình neo đơn, người cao tuổi, người khuyết tật… cho đến khi tất cả khách hàng có thể thanh toán tiền điện bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc các hình thức thanh toán phù hợp khác.
Tại thành phố Tây Ninh, đến nay thành phố đã ngưng thu tiền điện tại nhà trên địa bàn 4 phường: phường 1, phường 2, phường 3, phường IV bắt đầu từ ngày 1.6. Việc tuyên truyên đã được Công ty thực hiện từ trước đó 1 tháng.
“Mục đích của việc ngưng thu tiền điện tại nhà là để không còn sử dụng tiền mặt để thanh toán, khuyến khích thanh toán qua hệ thống các ngân hàng, các ví điện tử... Nhưng do quy định mới nên chúng tôi đã có kế hoạch triển khai từng bước. Trước mắt, chúng tôi xây dựng hệ thống các điểm thu hộ. Trên địa bàn thành phố, hiện có tất cả 114 điểm thu hộ tiền điện. Công ty hợp đồng với các tổ chức như Viettel, Payoo, AirPay, Bưu cục, hệ thống các ngân hàng… sau đó, các tổ chức này sẽ thành lập các điểm thu hộ ở các siêu thị, cửa hàng điện thoại, văn phòng khu phố để tiện lợi cho người dân trong việc đi lại”, ông Cao Văn Chinh–Phó Trưởng phòng Kinh doanh Điện lực Thành phố Tây Ninh cho biết.
Việc thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, ví điện tử từ lâu đã được nhiều người biết đến.
Theo chị Lê Thị Như Ái, nhà ở phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành, trước đây, khi chưa thanh toán qua hệ thống, vợ chồng chị đi làm thường xuyên không có ở nhà. Khi nhân viên thu tiền điện đến không gặp, nhiều lúc, chị phải đến tận chi nhánh điện lực để đóng tiền.
“Nhiều hôm tôi bận việc quá nên quên luôn, không ghé đóng, vậy là nhà bị cắt điện. Từ khi điện lực triển khai việc thanh toán qua hệ thống, tôi thấy tiện lợi hơn rất nhiều. Sau khi điện lực thông báo số tiền điện phải trả, vài ngày sau, ngân hàng tự động trừ vào tài khoản, nhờ vậy tôi không phải mất thời gian đi lại, không phải chờ đợi người đến thu tiền”, chị Như Ái nói.
Còn ông Hà Mạnh Chí, ngụ khu phố 2, phường 3, TP.Tây Ninh cho biết, trước đây, nhân viên thu tiền điện đến tận nhà thu, nhưng bắt đầu từ tháng 6 này, ông tự đi đóng. Ông cho biết, trước đó 1 tháng, trong cuộc họp chi bộ ở khu phố đã thông báo việc ngành điện ngưng thu tiền điện tại nhà. Đến ngày đóng tiền, nhân viên có đến phát phiếu thu tiền điện và kèm theo thông tin các địa điểm thu hộ để gia đình đến đóng.
Ông Chí chia sẻ: “Có rất nhiều điểm thu hộ, tôi chỉ việc coi điểm nào gần nhà nhất thì đến đóng tiền. Tại đây, có nhân viên túc trực thường xuyên, đóng tiền ngay không phải chờ đợi. So với việc nhân viên đến thu tại nhà, mình đi có mất thời gian hơn, nhưng do đây là quy định, tôi thấy cũng không sao, điểm thu gần nhà mình nên cũng tiện”.
Người dân tham khảo cách thanh toán tiền điện qua hệ thống trực tuyến.
Tuy nhiên, với việc đổi mới hình thức thanh toán tiền điện này, theo một số người dân, chưa thực sự thiết thực. Bà Nguyễn Hồng Cẩm, ngụ khu phố Long Trung, phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành bày tỏ lo lắng về việc chuyển sang hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng, ví điện tử.
“Việc thanh toán tiền điện qua ngân hàng rất khó kiểm soát quá trình sử dụng điện của gia đình. Trong trường hợp hệ thống điện bị sự cố, tiền điện vượt quá số thực tế... nhưng ngân hàng họ thanh toán chỉ căn cứ theo hóa đơn tiền điện của Điện lực cũng không được. Tôi nghĩ, khi phát hiện ra sai sót, cần phải khắc phục xong mới thanh toán tiền. Còn việc đến điểm thu hộ của Điện lực để đóng tiền sẽ mất thời gian đi lại của người dân”, bà Cẩm nói.
Đồng quan điểm, chị Phạm Thị Bắc, ngụ xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, chị làm công nhân, không sử dụng điện thoại thông minh. Nếu chuyển từ hình thức thu tiền tại nhà sang hình thức thanh toán bằng ngân hàng chị không biết cách thao tác, cũng không theo dõi tin nhắn thường xuyên để biết tiền điện mình sử dụng có đúng với số tiền bị trừ trong tài khoản hay không.
Chị Bắc chia sẻ: “Tôi vẫn thích việc nhân viên điện lực đến tận nhà thu tiền, vừa tiện lợi lại dễ kiểm soát số tiền điện đã sử dụng. Tôi thấy việc thay đổi hình thức thanh toán chỉ nên khuyến khích người dân sử dụng, ai thấy cách nào tiện lợi thì chọn cách đó”.
Việc thay đổi hình thức thanh toán tiền điện mới sẽ giúp người dân chủ động hơn về thời gian thanh toán, không phải chờ đợi nhân viên thu tiền điện đến tận nhà, có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi… là những ưu điểm dễ nhận thấy. Tuy nhiên, để triển khai, ngành điện lực cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, cũng như có lộ trình hướng dẫn để người dân thực hiện.
Ngọc Diêu – Phương Thảo