Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến ấp Long Cường, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu hỏi bà Võ Thị Hiệp- Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp, ai cũng biết bởi bà con nơi đây đã quen với hình ảnh người phụ nữ luôn bận rộn, tất bật với những công việc xã hội, từ thiện.
Ấn tượng đầu tiên về bà là người phụ nữ đã có tuổi nhưng vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Bà Hiệp vui vẻ kể, thời trẻ bà từng tham gia vào lực lượng du kích địa phương phục vụ kháng chiến chống Mỹ, sau được tặng Huy chương kháng chiến hạng nhì. Đó là niềm vinh dự, tự hào của cuộc đời bà và trở thành nguồn động lực để bà cống hiến cho xã hội nhiều năm qua.
Bà Hiệp (phải) kể về thuở khó khăn.
Theo lời kể của bà Hiệp, những năm đầu sau giải phóng, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều vất vả, khốn khó. Gia đình bà cũng không khá hơn, đầy những khó khăn, túng thiếu. Vợ chồng bà sống bằng nghề nông.
Ngặt nỗi mảnh ruộng nhà vốn xấu, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa, còn hay bị thất mùa, thua lỗ. Nên vợ chồng bà làm hoài vẫn không đủ ăn. Đã nghèo còn mắc cái eo, chồng bà không may bị bệnh, bà phải bán đi một phần ruộng để chữa trị cho chồng. Khó khăn chồng chất đẩy gia đình nghèo vào cảnh túng quẫn.
Lúc ấy, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo Trung ương. Hết vất vả nuôi con khôn lớn, bà tiếp tục gánh vác nuôi cháu. Cuộc sống nhiều lo toan đến nỗi khiến người phụ nữ nghèo không có thời gian để nghỉ ngơi, lam lũ suốt tháng quanh năm.
Không cam chịu đói nghèo, bà Hiệp tìm cách cải thiện cuộc sống gia đình. Không có tiền mua bò nuôi, bà nhận nuôi bò rẻ cho người ta. Sau thời gian chăm chỉ với công việc nuôi bò rẻ, bà cũng đã có được con bò để nuôi.
Được sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội của chính quyền địa phương, bà dùng số tiền có được mua thêm bò nuôi sinh sản bởi bà nhận thấy nuôi bò không bị lỗ, vì mình lấy công làm lời.
Có bò nuôi, bà Hiệp mừng khôn xiết, dốc hết sức vào chăm sóc. Nhờ sự cần mẫn trong chăn nuôi của bà, từ một, hai con bò ban đầu, theo năm tháng chúng tăng lên thành đàn bò. Bà bán bớt bò xoay xở cuộc sống.
Cũng nhờ thu nhập từ việc chăn nuôi bò, cuộc sống gia đình bà dần giảm bớt khó khăn. Những thành quả ấy tiếp thêm động lực cho bà không ngừng lao động, bà vừa chăm chỉ sản xuất vừa chăn nuôi.
Theo năm tháng, bao công sức của bà được đền đáp, cuộc sống của gia đình bà đã ổn định hơn, không còn phải ngày ngày lo toan từng bữa ăn như trước nữa, đó chính nhờ vào sự giỏi giang, cần cù của bà.
Mặc dù cuộc sống nhiều bận rộn, nhưng hơn 20 năm qua, bà vẫn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội ở địa phương, nhất là phong trào phụ nữ. Bà đảm đương nhiều nhiệm vụ như Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp, Tổ trưởng tổ tự quản, Tổ trưởng tổ hoà giải… Dù ở vai trò nào bà đều làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từng trải qua thời gian khốn khó nên bà cảm thông và cố gắng hỗ trợ người nghèo như tạo điều kiện cho hộ nghèo, chị em phụ nữ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Thấy ai khó khăn, thiếu thốn, lòng bà không chịu được, phải tìm cách giúp đỡ họ. Bà không ngại vất vả, bỏ công đi vận động gạo, tiền, gom góp từng chút đem giúp đỡ cho người nghèo.
Với vai trò Tổ trưởng Tổ phụ nữ tôn giáo thực hiện phương châm sống tốt đời, đẹp đạo, nhiều năm qua, bà tận tâm với việc giúp lo hậu sự cho người nghèo. Gia đình nghèo không có tiền lo tang lễ, bà sẽ giúp vận động hỗ trợ đám tang về quan tài, nhang đèn, hay một số vật dụng dùng trong tang lễ, với mong muốn giúp người nghèo có hậu sự tươm tất, đúng lễ nghĩa, để họ được yên nghỉ.
Bà Hiệp nói, mới đầu thấy bà còn khó khăn mà đi vận động giúp đỡ người nghèo khó, nên nhiều người tỏ ra không tin tưởng, còn nặng lời với bà, cho rằng bà xin gạo về nhà để mà ăn. Nghe vậy, bà cũng lấy làm buồn, có lúc không muốn lo chuyện bao đồng nữa, nhưng nghĩ lại mình mà không làm ai sẽ làm việc đó, lấy đâu ra gạo giúp trường hợp cần.
Vậy là bà bỏ ngoài tai những lời không hay về mình, tiếp tục công việc không công là gõ cửa từng nhà, từng người kêu gọi đóng góp giúp người nghèo. Dần dần mọi người cũng hiểu việc làm ý nghĩa của bà, họ yên mến, tin tưởng bà, cùng chung tay đóng góp với bà chia sẻ khó khăn với người còn nghèo. Tiếng lành đồn xa, có uy tín với mọi người, bà vận động được một mạnh thường quân xây tặng căn nhà cho một hộ nghèo ở xã Long Chữ.
Từ những việc bà làm, bà tạo được tín nhiệm, tin tưởng của bà con, chị em phụ nữ trong ấp. Như trước đây việc vận động chị em phụ nữ tham gia hoạt động, cũng như vào tổ chức Hội rất khó.
Nhưng nhờ sự tận tâm của bà, nhiệt tình với hoạt động chăm lo chị em phụ nữ, hiện nay số lượng hội viên, chất lượng hoạt động ở chi hội được nâng lên, đời sống kinh tế gia đình của chị em cũng được nâng cao hơn.
Không chỉ vậy, tính đến nay bà Hiệp đã có 47 lần hiến máu nhân đạo. Bà tham gia hiến máu đã rất lâu, xuất phát từ lúc chồng bà bệnh cần nguồn máu để kịp thời chữa trị, và ngay lúc nguy cấp nhất, đã có một người không quen biết tự nguyện hiến máu cứu chồng bà.
Bà thấy nghĩa cử hiến máu cứu người cao đẹp và rất ý nghĩa, từ đó bà Hiệp tự nguyện đi hiến máu nhân đạo cho đến nay và vận động người thân, mọi người xung quanh cùng tham gia hiến máu cứu người.
Nay tuổi đã cao, nhưng bà Hiệp vẫn chưa nghỉ ngơi, ngày ngày chăm chỉ lao động để đỡ đần con cháu và vẫn tích cực với công tác xã hội. “Làm việc này việc kia tôi đã quen, giờ mà nghỉ sẽ thấy buồn. Với lại, mỗi khi làm được điều gì đó có ích, tôi cảm thấy vui, hạnh phúc. Nên tôi tâm niệm, nếu còn nói khoẻ tôi còn sẽ cống hiến cho xã hội, xem đó như niềm vui tuổi già”- bà Hiệp chia sẻ.
Châu Pha