Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tường thuật: Báo Đảng địa phương là ‘hạt nhân’ trong các tác thông tin về thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng
Thứ bảy: 16:49 ngày 09/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tham dự Hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023 do Báo Đồng Nai tổ chức vào ngày 9.9, lãnh đạo các cơ quan báo chí trong và ngoài khu vực đã đưa ra nhiều chủ đề thảo luận mang tính thời sự, có ý nghĩa sát sườn trong công tác tuyên truyền của các cơ quan báo Đảng địa phương.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. Ảnh: Huy Anh

Các đại biểu đánh giá những gợi mở này là tín hiệu phát triển của các cơ quan báo chí của Đảng; đồng thời gửi gắm nhiều tình cảm, kỳ vọng để có sự gắn bó khăng khít hơn nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, khu vực và cả nước.

Các đại biểu chủ trì hội thảo

Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo hôm nay có đại diện lãnh đạo gần 30 cơ quan báo Đảng trong cả nước và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của các trường đại học, học viện, hội nghề nghiệp Trung ương và địa phương.

Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 6 vùng chiến lược, trong đó có Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của Nghị quyết số 24 là đưa Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại…

Là một cơ quan báo Đảng địa phương trong vùng Đông Nam bộ, Báo Đồng Nai xác định việc tuyên truyền thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là tuyên truyền công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của là nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, Báo Đồng Nai cũng nhận thức rõ, việc tuyên truyền không chỉ góp phần tạo động lực cho phát triển cho tỉnh Đồng Nai mà còn phối hợp với các cơ quan báo chí của các tỉnh trong khu vực nhằm tạo động lực phát triển cho cả khu vực Đông Nam bộ.

Hội thảo ngoài việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nghiệp vụ, các cơ quan báo Đảng sẽ tìm ra hướng “liên kết” trong tuyên truyền, để không chỉ phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan báo chí mà còn là sức mạnh của các cơ quan báo Đảng trong vùng, liên vùng, góp phần thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển của mỗi tỉnh, thành, khu vực và cả nước.

Các cơ quan báo chí trong khu vực sẽ trình bày các tham luận nhằm nâng cao công tác tuyên truyền các nghị quyết liên vùng, vùng trong thời gian tới.

* Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng PHẠM VĂN TRƯỜNG:
TP.HCM giữ vai trò hạt nhân trong phát triển vùng Đông Nam bộ

Là một đô thị đặc biệt có dân số đông nhất nước, có vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, tuyên truyền về phát triển vùng đã là một vấn đề luôn được Báo Sài Gòn Giải Phóng quan tâm, nhất là trong những năm gần đây, khi vai trò hạt nhân của TP.HCM trong liên kết vùng Đông Nam bộ càng trở nên cấp thiết. Đặc biệt, với Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 càng cho thấy công tác tuyên truyền để phát huy lợi thế, vai trò của TP.HCM trong bức tranh tổng thể liên kết vùng càng trở thành một nhiệm vụ thường xuyên.

Phó tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Phạm Trường phát biểu tham luận. Ảnh: Huy Anh

Phó tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Phạm Văn Trường phát biểu tham luận. Ảnh: Huy Anh

Báo Sài gòn Giải Phóng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TP.HCM, do đó báo đã đóng vai trò dẫn dắt, điều phối thông tin trọng tâm về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục của thành phố. Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, Nghị quyết số 24 ra đời đã góp phần quan trọng trong phát triển vùng Đông Nam bộ một cách mạnh mẽ.

Mỗi địa phương giữ vai trò riêng nên chưa có sự bứt phá, thể hiện trong phát triển kinh tế - xã hội, chính vì điều đó, Thủ tướng Chính phủ đã giữ vai trò Chủ tịch vùng để từ đó có những quyết sách, chỉ đạo, định hướng đưa các địa phương phát triển.

Hiểu được đặc trưng, bản sắc của vùng sẽ giúp khơi gợi, cộng hưởng, sức mạnh phát triển của vùng, do đó các cơ quan báo chí địa phương cùng liên kết, xây dựng cơ chế riêng để cùng tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 24.

Các cơ quan báo chí tận dụng những lợi thế này để có cơ chế trao đổi thông tin, phát huy vai trò của mình. Dựa trên những điều kiện đó để tạo ra hiệu quả, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Báo Sài Gòn Giải Phóng ý thức được vai trò của mình, từ nhiều năm trước, báo đã xây dựng chuyên trang về vùng Đông Nam bộ, là cơ quan báo chí có trang tuyên truyền về vùng sớm nhất. Thời gian tới, báo sẽ tăng cường hợp tác, thông tin tại các địa phương trong vùng cũng như tuyên truyền, thông tin từ TP.HCM về với các địa phương để tăng cường thông tin về kinh tế xã hội của các địa phương.

* Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương Huỳnh Minh Dân:
Tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng kết nối vùng để thu hút đầu tư

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Minh Dân, Phó tổng biên tập Báo Bình Dương cho rằng, đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng từ lâu đã trở thành một vấn đề quan trọng của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ - đầu tàu kinh tế của cả nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW (ngày 7-10-2022), trong đó đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông kết nối nối vùng Đông Nam bộ chính là điều kiện vô cùng thuận lợi để các địa phương trong vùng thúc đẩy tiến độ các công trình giao thông kết nối, đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong quá trình đó, công tác tuyên truyền nói chung, các cơ quan báo Đảng địa phương nói riêng có vai trò khá quan trọng để cùng với các tỉnh, thành, đơn vị liên quan tìm được tiếng nói chung trong nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để hoàn thành những mục tiêu mà Nghị quyết số 24 đặt ra.

Bình Dương là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá cao, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Chính vì vậy trên địa bàn tỉnh đã và đang đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm, đối nội cũng như đối ngoại, liên kết vùng.

Báo Bình Dương cũng xác định, trong quá trình đầu tư, phát triển hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông công tác giải phóng mặt bằng chưa bao giờ là dễ dàng, rất nhiều vấn đề đặt ra, đặc biệt là phải giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân, doanh nghiệp trong vùng dự án.

Với trách nhiệm của một cơ quan báo Đảng địa phương, Báo Bình Dương chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lợi ích, chủ yếu là đất đai trong phạm vị giải phóng mặt bằng các công trình, dự án.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Ban biên tập Báo Bình Dương thường xuyên quán triệt các chủ trương, nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh về công tác đầu tư phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển đối với cán bộ, phóng viên để nắm bắt đầy đủ nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình tác nghiệp, chuyển tải thông đến bạn đọc một cách đầy đủ nhất.

Đồng thời, tạo điều kiện cho phóng viên tham dự đầy đủ các hội nghị, hội thảo về đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư, giao thương… của các tỉnh, thành trong khu vực cũng như bộ, ngành tổ chức nhằm nắm bắt thông tin chính xác, đầy đủ phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Phóng viên thuộc mảng, ngành phụ trách, ngoài việc thông tin đầy đủ, toàn diện các công trình, dự án, yêu cầu đặt ra là bám sát cơ sở, tìm hiểu, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân liên quan để chuyển tải một cách trung thực, khách quan đến các cấp, cơ quan liên quan để tìm hướng giải quyết. Bám sát các giải pháp, hướng xử lý của các cấp, cơ quan liên quan để thông tin đến người dân một cách nhanh nhất có thể. Thông tin đa chiều để trở thành “cầu nối” giữa chính quyền, các cơ quan liên quan và người dân nhằm tìm kiếm tiếng nói chung vì mục tiêu phát triển, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức liên quan.

“Báo Bình Dương đã và đang có những tuyến bài về đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông với thông tin đa chiều được bạn đọc, các cấp chính quyền, đơn vị liên quan đánh giá cao. Công tác này vẫn tiếp tục được Báo Bình Dương chú trọng để góp phần tạo sự đồng thuận cao nhất, bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, bảo đảm cho các dự án kết nối vùng hoàn thành sớm, thúc đẩy sự phát triển chung của cả vùng”-  ông Huỳnh Minh Dân cho biết.

Cũng theo ông Huỳnh Minh Dân, để công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, các báo Đảng địa phương trong vùng cần xây dựng quy chế phối hợp, hỗ trợ, trao đổi thông tin chặt chẽ, cụ thể hơn, tránh tình trạng độc quyền thông tin, phạm vi lan tỏa khu trú trong từng địa phương. Sự phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ thông tin giữa các báo Đảng trong vùng cũng nên mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực, thể hiện sự phối hợp thông tin đa dạng, toàn diện, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao cho không riêng tờ báo nào, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam bộ mà mục tiêu của Nghị quyết 24 đã đặt ra.

* Phó Tổng Biên tập Báo Long An CHÂU HỒNG KHÁ:
Phát huy tốt vai trò tiên phong, chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết vùng thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Phó tổng biên tập Báo Long An CHÂU HỒNG KHÁ

Phó tổng biên tập Báo Long An CHÂU HỒNG KHÁ trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Huy Anh

Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong 3 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2020-2025.

Bên cạnh đó, ngày 13-6-2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 686 về phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch, Long An có 3 vùng kinh tế xã hội, trong đó, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, kinh tế cửa khẩu bao gồm TX.Kiến Tường, 5 huyện vùng Đồng Tháp Mười và 1 phần H.Thủ Thừa.

Báo Long An xác định công tác tuyên truyền liên kết vùng là một trong những biện pháp hữu hiệu thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao nằm trong chương trình đột phá này, thời gian qua, báo đã chủ động phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Qua đó, nhằm từng bước thay đổi nhận thức của nông dân, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Hàng tuần, Báo Long An đều có chuyên trang tuyên truyền về nông nghiệp. Trên Báo Long An online có chuyên mục về nông nghiệp thu hút hàng ngàn lượt xem và chia sẻ. Nội dung các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp tập trung chủ yếu truyền thông xây dựng chuỗi liên kết, hình thành vùng trồng quy mô ứng dụng công nghệ cao; việc liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp tăng tỷ lệ cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; các doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh tham gia những hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP trong tỉnh và các tỉnh lân cận; việc triển khai, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025…

Thông qua công tác tuyên truyền giúp người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tiếp cận với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chính sách mới trong nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết; thay đổi tư duy nhận thức từ sản xuất nhỏ, lẻ sang tập trung lớn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chủ động, tiếp cận và tìm hiểu về quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung vào 4 cây (lúa, thanh long, chanh, rau) và 2 con (bò, tôm).

Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, đến nay, tiến độ triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ cao trên đia bàn tỉnh cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 144 mã số đóng đối với các loại trái cây như chuối, chanh, thanh long… để phục vụ việc xuất khẩu; cụ thể, thị trường Trung Quốc đã cấp 133 mã số; các thị trường khác như Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản đã cấp 11 mã số.

Có thể nói, thời gian qua, Báo Long An phát huy tốt vai trò tiên phong, chủ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết vùng thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian tới, báo tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Nội dung tập trung tuyên truyền Đề án Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình; việc quy hoạch các vùng nông nghiệp lợi thế của địa phương nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hoặc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với quy mô lớn, từ đó xây dựng và hình thành vùng tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa; các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh; khuyến khích nông dân xây dựng mã số vùng trồng để nâng cao giá trị nông sản, hướng đến việc xuất khẩu…

* Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai Hoàng Thị Bích Phú:
Thông tin toàn diện, chính xác để thúc đẩy dự án sân bay Long Thành

Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai Hoàng Thị Bích Phú trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Huy Anh

Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai Hoàng Thị Bích Phú trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Huy Anh

Phát biểu tại hội thảo, Phó tổng biên tập Hoàng Thị Bích Phú cho biết,  theo quy hoạch, khi hoàn thành xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất của cả nước. Chính vì vậy, trong tương lai, “siêu” sân bay Long Thành sẽ là động lực phát triển to lớn cho Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước nói chung.

Ngày 14-6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 909/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch dự án sân bay Long Thành. Ngày 5-1-2021, dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chính thức khởi công xây dựng. Như vậy, từ khi được phê duyệt quy hoạch đến thời điểm chính thức khởi công, dự án Sân bay Long Thành đã trải qua 1 thập kỷ để hoàn thành các thủ tục liên quan.

Theo quy hoạch tổng thể, sân bay Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 5 ngàn ha theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4F (mức cao nhất) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD, dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ trở thành dự án đầu tư hạ tầng có tổng vốn lớn nhất của Việt Nam được triển khai thực hiện từ trước đến nay. Dự án Sân bay Long Thành thuộc nhóm 16 sân bay được mong đợi nhất thế giới.

Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2035. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2026 với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Ngày 31-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bấm nút khởi công công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Sau khi hoàn thành xây dựng sân bay Long Thành cùng với sân bay Tân Sơn Nhất đang được đầu tư mở rộng sẽ tạo thành một cụm cảng hàng không hùng mạnh, hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế.

Sân bay Long Thành có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng cảng hàng không quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới. Mở ra không gian phát triển mới với hệ sinh thái kinh tế hàng không, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Với vị thế đó, trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ trở vùng động lực phát triển quan trọng của Đồng Nai nói riêng và của vùng Đông Nam bộ cũng như cả nước nói chung. Đồng thời, sân bay Long Thành cùng với cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ được kỳ vọng trở thành hai cực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của vùng Đông Nam bộ cũng như của cả nước.

Không chỉ đóng vai trò quan trọng trên lĩnh vực giao thông - vận tải, đặc biệt là đối với ngành hàng không, sân bay Long Thành còn mang “sứ mệnh” mở cửa bầu trời, thu hút các nhà đầu tư đến với Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ cũng như vùng trọng điểm kinh tế phía Nam nói chung.

Theo bà Hoàng Thị Bích Phú, với vai trò của cơ quan báo Đảng địa phương, Báo Đồng Nai cũng như các cơ quan báo Đảng các địa phương Vùng Đông Nam bộ đã có rất nhiều tin bài viết về những khó khăn, thuận lợi, những nỗ lực của các cấp, các ngành trong tiến trình triển khai dự án cũng như nguyện vọng chính đáng của người dân vùng dự án.

Công tác thông tin tuyên truyền về dự án sân bay Long Thành của các cơ quan báo Đảng địa phương Vùng Đông Nam bộ đã có đóng góp tích cực để dự án được triển khai thuận lợi, với sự đồng thuận cao của người dân.

Riêng đối với Báo Đồng Nai, ngoài các tin bài thời sự chuyển tải trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử. Từ năm 2018, Báo Đồng Nai cũng đã xây dựng Chuyên trang sân bay Long Thành với tần suất 4 chuyên trang mỗi tuần và hiện nay là 2 chuyên trang mỗi tuần. Nội dung chuyên trang đã thông tin toàn cảnh, đầy đủ, chi tiết về dự án.   

Cũng với đó, Báo Đồng Nai cũng đã xây dưng Chuyên trang Đông Nam bộ để triển khai tuyên truyền các dự án liên kết vùng trong đó có dự án sân bay Long Thành. “Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo Đảng địa phương đã góp phần thúc đẩy dự án hoàn thành đúng tiến độ, tạo động lực phát triển mới cho Vùng Đông Nam bộ”- Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai Hoàng Thị Bích Phú chia sẻ.

* Phó Tổng Biên tập Báo Cần Thơ NGUYỄN THANH TUẤN:
Góp phần tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Là một trong 13 tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ được thành lập ngày 1-1-2004 trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ nằm trong vùng trung - hạ lưu và ở vị trí trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, trải dài trên 55km dọc bờ Tây sông Hậu, tổng diện tích tự nhiên là 1.401,61km2. Phía Bắc của Cần Thơ giáp tỉnh An Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang; phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang. thành phố có 9 đơn vị hành chính, gồm 5 quận và 4 huyện, với 83 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó, có 5 thị trấn, 42 phường, 36 xã.

Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định những nhiệm vụ cụ thể trong phát triển giao thông: Hoàn thành các dự án trọng điểm nhu tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, các dự án thành phần của dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông; từng bước hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang, kết nối thành phố HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng; hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, đáp ứng cho tàu có trọng tải từ 10.000-20.000 tấn vào các cảng của thành phố Cần Thơ; hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo; nghiên cứu triển khai nạo vét, cải tạo kênh mương Khai Đốc Phủ Hiền kết nối giữa sông Tiền và sông Hậu; triển khai dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; đầu tư phát triển cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với quy hoạch mạng cảng hàng không quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu phương án đầu tư tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với Cần Thơ.

Là tờ báo Đảng địa phương, cũng như những báo Đảng địa phương khác, Báo Cần Thơ tập trung nhiệm vụ tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân nhân dân, những vấn đề nảy sinh bức xúc trong đời sống…

Trong nhiệm vụ chung ấy, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Biên tập Báo Cần Thơ xác định tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài nhằm góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ xứng đáng là “ thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long…” như Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Hệ thống Báo Cần Thơ hiện nay gồm Báo Cần Thơ Việt ngữ xuất bản hàng ngày, Báo Cần Thơ Khmer ngữ xuất bản hàng tuần và Báo Cần Thơ điện tử (phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer). Việc tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long được triển khai thực hiện trên tất cả các sản phẩm của Báo Cần Thơ, trong đó, đặc biệt là trên Báo Cần Thơ Việt ngữ và Báo Cần Thơ điện tử phiên bản tiếng Việt.

Những vấn đề liên quan phát triển, kết nối giao thông được phản ánh một cách đa dạng, phong phú trên các trang thông tin thời sự, trang thông tin chuyên đề của Báo Cần Thơ Việt ngữ và Báo Cần Thơ điện tử phiên bản tiếng Việt như: Thời sự, Kinh tế - Thị trường, Hội nhập và Phát triển, Đô thị, Giám sát - Phản biện xã hội, Dân chủ cơ sở…

Trong tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Báo Cần Thơ chú trọng tuyên truyền những nội dung sau: chủ trương, định hướng của Trung ương trong phát triển, kết nối hệ thống giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực cho sự phát triển của các địa phương trong vùng; nỗ lực của thành phố Cần Thơ trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố, trong triển khai thực hiện những công trình trọng điểm, bức xúc để gỡ “nút thắt” giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; vai trò và nỗ lực của thành phố trong tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh; động thái tích cực của thành phố nhằm tăng cường kêu gọi đầu tư để thu hút mọi nguồn vốn và các thành phần kinh tế tham gia; quản lý đồng bộ, hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng, đất đai để tạo quỹ đất dành cho đầu tư hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư đảm bảo kịp thời khởi công các dự án…

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tuyên truyền về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Báo Cần Thơ rút ra một số bài học kinh nghiệm và những đề xuất, kiến nghị sau:

1. Các ngành chức năng cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng và kịp thời hơn cho các cơ quan báo chí; nhất là trong những dự án mới, những dự án đang được công chúng quan tâm.

2. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho nhà báo nói chung và đội ngũ nhà báo viết về kết nối giao thông vận tải nói riêng.

3. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kết nối giao thông vận tải.

4. Tăng cường hơn nữa thông tin về kết nối giao thông, tạo sức bật mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trên mặt báo. Đặc biệt chú trọng thông tin về tiến độ, chất lượng các công trình, dự án giao thông trọng điểm; chú trọng phản ánh những thành quả phát triển kinh tế - xã hội mà các dự án, công trình mang lại...

* Phó Tổng Biên tập Báo Sơn La Nguyễn Thanh Hải:
Hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023 là tiền đề, điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện liên kết, phối hợp giữa các cơ quan báo Đảng địa phương

Phó tổng biên tập Báo Sơn La Nguyễn Thanh Hải trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Huy Anh

Phó tổng biên tập Báo Sơn La Nguyễn Thanh Hải trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Huy Anh

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã đặt mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030; đưa ra tầm nhìn phát triển vùng đến năm 2045 là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước.

Thực hiện Nghị quyết số 11, các địa phương trong vùng đã chủ động ban hành Chương trình hành động, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ

Trên cơ sở các nội dung quy hoạch liên kết vùng được quy hoạch và việc chỉ đạo, triển khai thực hiện tại địa phương, Ban Biên tập Báo Sơn La đã chỉ đạo phóng viên thực hiện theo các tuyến bài trọng điểm như:

Tuyến bài về liên kết phát triển vùng trong xây dựng quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã tập trung tuyên truyền công tác xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng nguyên liệu; các phương án phát triển nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông thôn văn minh làm cơ sở cho phát triển bền vững; phát triển công nghiệp gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, liên kết vùng nguyên liệu

Tuyến bài về quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển hạ tầng giao thông với phát triển các hành lang kinh tế vùng đã tập trung tuyên truyền về các dự án đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; tuyến bài về các chuỗi liên kết kinh tế, chuỗi sản phẩm; tuyến tin, bài về xây dựng cơ chế liên kết trong huy động nguồn lực đầu tư bảo đảm thực thi các dự án vùng, liên vùng đã tập trung tuyên truyền các giải pháp của tỉnh trong việc đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương khu vực…

Bà Nguyễn Thanh Hải, Phó tổng biên tập Báo Sơn La cũng cho biết thêm, xác định vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, Ban Biên tập Báo Sơn La đã bám sát định hướng, nội dung, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về liên kết vùng, xây dựng kế hoạch tuyên truyền hằng năm và triển khai cụ thể hàng tháng.

Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ nắm vững địa bàn, bám sát sự kiện, tuyên truyền đậm nét các chương trình trọng điểm lớn của tỉnh về liên kết vùng. Chú trọng trong phát huy thế mạnh của từng ấn phẩm để chỉ đạo thực hiện các tuyến bài phù hợp như: báo in tập trung nhiều bài viết phân tích chuyên sâu, đúc rút kinh nghiệm, phân tích các giải pháp…

Báo điện tử duy trì các cửa sổ giới thiệu tiềm năng, quảng bá xúc tiến đầu tư, sản xuất tiêu thụ nông sản với nhiều thông tin, thể hiện nhiều hình thức báo chí hiện đại, đa phương tiện để tuyên truyền các sự kiện nhanh, hấp dẫn.

Để thực hiện được các tuyến tin, bài, Báo Sơn La tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh ký kết chương trình tuyên truyền; đẩy mạnh công tác truyền thông trên các nền tảng báo chí, mạng xã hội. Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên học tập, nâng cao trình độ, đa dạng các thể loại, sản phẩm báo chí, thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Bên cạnh đó, Báo Sơn La luôn chú trọng thực hiện việc liên kết với các cơ quan báo chí trung ương và các báo Đảng địa phương trong việc chia sẻ, đăng tải các tin, bài tuyên truyền xúc tiến đầu tư, du lịch, quảng bá giới thiệu sản phẩm của địa phương, tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần thu hút các tập đoàn, công ty lớn có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường đầu tư vào tỉnh Sơn La.

Đối với Hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023 do báo Đồng Nai tổ chức, bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng đây là tiền đề, điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện liên kết, phối hợp giữa các cơ quan báo Đảng địa phương từ Bắc đến Nam để thực hiện hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền về liên kết vùng, thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển của mỗi tỉnh, thành, khu vực và cả nước.

* Tổng biên tập Báo Hải Dương NGUYỄN QUÝ TRỌNG:
Trong những năm gần đây, chuyển đổi số trở thành vấn đề nóng của báo chí trong công tác tuyên truyền, vấn đề mỗi Ban biên tập đều phải trăn trở làm sao để tờ báo của mình phát triển, thích ứng với thời đại mới.

Muốn tuyên truyền về chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tốt thì trước hết phải thúc đẩy chuyển đổi số trong chính tòa soạn của mình và làm cho tờ báo có nhiều bạn đọc.

Hiện nay, các tờ báo, nhất là báo Đảng đều là cơ quan ngôn luận của cấp ủy, tiếng nói của cả chính quyền và nhân nhân. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các tờ báo nghiễm nhiên phải làm nhiệm vụ chuyển đổi số - chuyển đổi số trong tòa soạn và dẫn dắt tuyên truyền về chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả các đề án, nghị quyết chuyển đổi số ở địa phương, đơn vị, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội .

Muốn tuyên truyền chuyển đổi số tốt, tờ báo phải không ngừng đổi mới, gia tăng lượng bạn đọc, người theo dõi. Chuyển đổi số lại giúp gia tăng lượng bạn đọc, bạn xem, theo dõi báo và các sản phẩm trên các nền tảng của các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số và tuyên truyền về chuyển đổi số đem lại lợi ích cho cả cơ quan báo chí và cộng đồng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Báo Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi số. Đó là chuyển đổi số trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo. Đưa nhiệm vụ chuyển đổi số vào công việc đột phá của năm. Chuyển trọng tâm từ báo in sang báo điện tử, đưa việc livestream trở thành hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh trên các sản phẩm báo chí và nền tảng mạng xã hội.

Báo triển khai đề án chuyển đổi số, tích cực học tập kinh nghiệm chuyển đổi số, phát triển báo điện tử, mạng xã hội tại các tờ báo tiến bộ. Báo cũng đang chạy thử phần mềm dùng chung báo điện tử, báo in. Tăng cường sản xuất và chuẩn hóa các sản phẩm báo chí đa phương tiện, sản phẩm báo chí mới như: Emagazine, podcast, infographic; tăng nhúng audio, video trong tin, bài; sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) đọc tin, bài; thực hiện phương thức đa kênh, đa phương tiện…

Tổng biên tập Báo Hải Dương cho biết, tháng trước, Báo Hải Dương tổ chức sự kiện về chuyển đổi số, blockchain… sự kiện có sự tham dự của GS Ngô Bảo Châu. Ngay lập tức thông tin nhận được sự quan tâm rất lớn. Điều này cho thấy, thông tin có yếu tố quan trọng đối với các cơ quan báo chí để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền, tương tác với bạn đọc.

Cuối năm 2022, Báo Hải Dương đã đưa vào sử dụng phần mềm tòa soạn hội tụ, CMS… tuy nhiên quá nhiều chương trình nên khiến công tác quản lý khá vất vả, chưa được trơn tru. Sau đó, Báo đã chạy thử phần mềm dùng chung báo điện tử, báo in, quyết định này mang lại hiệu quả rất lớn.

Tuy nhiên, chuyển đổi số ở Báo Hải Dương cũng đang gặp những khó khăn. Kinh nghiệm làm dự án chuyển đổi số chưa có. Việc triển khai dự án chuyển đổi số để làm thay đổi toàn diện về quản trị, phát triển tờ báo, mạng xã hội, xây dựng các sản phẩm báo chí hiện đại, tích hợp đa nền tảng.

* Tổng biên tập Báo Gia Lai Huỳnh Kiên:
Đề xuất 4 giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền của báo Đảng địa phương

Vùng Tây nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Dân số đến năm 2023 hơn 6,5 triệu người, diện tích tự nhiên 54.477km2, chiếm tỷ lệ 16,4% so với tổng diện tích cả nước. Tây nguyên có đường biên giới dài hơn 600km giáp Lào, Campuchia và là vùng có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng; có dân cư, văn hóa, trình độ sản xuất đặc thù, cộng với nhiều lợi thế về đất đai, hệ sinh thái đa dạng.

Tuy nhiên, Vùng Tây Nguyên cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng. Toàn vùng chỉ có 3 sân bay, các tuyến đường bộ lên Tây Nguyên còn hạn chế, trong đó, quốc lộ 14 là trục huyết mạch đã được đầu tư xây dựng khoảng 20 năm nên cũng đã xuống cấp.

Cùng với đó, Tây Nguyên cũng đối mặt với khó khăn về nguồn nhân lực. Những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan báo chí ở Tây Nguyên. Việc liên kết, chia sẻ, trao đổi thông tin của các cơ quan báo Đảng địa phương Vùng Tây Nguyên vì vậy cũng rất khó khăn do địa hình bị chia cắt. 

Ngày 6-10-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Gia Lai xác định rõ vai trò của các cơ quan báo Đảng địa phương trong đó có Báo Gia Lai đóng vai trò quan trọng.

Đặc biệt là tuyên truyền thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng đã trở thành một phương pháp quan trọng để phát triển vùng Tây nguyên. Trong quá trình này, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về thúc đẩy hợp tác liên kết vùng, góp phần xây dựng một Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng phát triển. Là kênh thông tin quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước, báo chí địa phương chắc chắn sẽ phải đứng ở vị trí tiên phong trên mặt trận tuyên truyền.

Trong những năm qua, Báo Gia Lai đã ý thức về vai trò, nhiệm vụ, góp phần tích cực cùng với toàn hệ thống chính trị của tỉnh thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo nhận thức và sự hiểu biết về những lợi ích trong hợp tác, liên kết vùng.

Trong xu hướng hội nhập và liên kết  quốc tế ngày càng rộng mở, việc liên kết vùng, coi liên kết vùng là chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng, phát triển dựa vào chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mang lại những lợi ích thiết thực, khắc phục tình trạng chạy theo biến động thị trường mà thời gian qua để lại nhiều bài học về giá cao su, hồ tiêu, bơ, chanh dây... Vấn đề đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại; hỗ trợ liên kết sản xuất nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng.

Báo Gia Lai cũng đã đề xuất 4 giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền của báo Đảng địa phương

1-Cũng như các báo Đảng địa phương, chính quyền các cấp cần kịp thời hỗ trợ về cơ sở dữ liệu, thông tin, tạo điều kiện cho phóng viên tiếp cận thông tin kịp thời, hiệu quả. Đây là cơ sở để truyền thông cũng như tạo sự phản biện của xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương.

2- Tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình cung cấp thông tin để làm cơ sở kết nối tuyên truyền đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia một cách thống nhất.

3- Báo Đảng địa phương cần liên kết, chia sẻ thông tin, mở rộng, tổ chức nhiều chương trình talkshow, gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong hợp tác liên kết vùng, nhằm truyền tải thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích sự giao lưu và tạo ra mạng lưới liên kết giữa các đối tác và cộng đồng.

4- Chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho cơ quan báo chí trong công tác phối kết hợp tuyên truyền. Tạo cho các báo tổ chức hiệu quả hơn các chương trình gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong hợp tác liên kết vùng, tổ chức các chuyến đi đến các địa phương khác tuyên truyền về liên kết vùng.

* Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa THÁI THỊ LỆ HẰNG:
Tăng cường công tác tuyên truyền, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của báo chí địa phương

Tổng biên tập Báo Khánh Hà

Tổng biên tập Báo Khánh Hòa Thái Thị Lệ Hằng trình bày tham luận.

Khánh Hòa là một địa phương phát triển mạnh về du lịch. Từ nhiều năm nay, tỉnh đã xác định du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào ngân sách của địa phương.

Chính vì vậy, Báo Khánh Hòa đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về du lịch, trong đó có việc tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh của “tam giác vàng” du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - TP.HCM. Bằng việc phân tích các lợi thế về sản phẩm du lịch, sự thuận lợi về giao thông, Báo Khánh Hòa đã chỉ ra, TP.HCM là thị trường khách nội địa lớn nhất của du lịch Khánh Hòa.

 

Ngoài giới thiệu các tiềm năng hợp tác, sản phẩm du lịch, trong các bài viết, Báo Khánh Hòa cũng đã đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh liên kết du lịch giữa Khánh Hòa - Lâm Đồng - TP.HCM; 2 tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tại TP.HCM với thông điệp “Thiên đường Biển và Hoa”. Tương tự, TP.HCM chủ trì phối hợp với Khánh Hòa và Lâm Đồng để tổ chức những đợt xúc tiến, quảng bá ở các thị trường khách quốc tế lớn như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và xa hơn nữa là các nước Âu, Mỹ… Và có thể mời các đoàn famtrip, presstrip đến khảo sát và quảng bá du lịch cho 3 địa phương với thông điệp “một hành trình 3 điểm đến”.

Liên kết vùng là liên kết tất cả các mặt, trong đó không thể thiếu truyền thông. Do đó, Báo Khánh Hòa mong muốn tại hội thảo này sẽ tìm ra giải pháp, để tăng cường hiệu quả của công tác truyên truyền. Tại các sự kiện, báo địa phương trong khu vực cần thông tin lan tỏa, mỗi một thông tin đưa ra, người làm báo phải luôn đặt câu hỏi là nó có sức mạnh như thế nào, thông tin phải có sự phản biện để báo chí khẳng định được vai trò quan trọng của mình. Khi có sự chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan báo chí thì mỗi phóng viên theo dõi thông tin phụ trách có góc nhìn riêng đảm bảo tính hiệu quả.

Với những người làm báo Đảng trong cả nước, chúng ta có giải Búa Liềm Vàng thì cũng cần có giải báo chí về vùng, liên vùng, đây sẽ là “sân chơi” để đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết của Đảng. Mong sắp tới, các báo Đảng địa phương sẽ tiếp tục đăng cai hội thảo để tăng cường công tác tuyên truyền, từ đó làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của báo chí.

Riêng với lĩnh vực du lịch, Báo Khánh Hòa cũng mong muốn nhận được sự phối hợp, hỗ trợ  nhiều hơn của các cơ quan báo chí địa phương trong khu vực như: trao đổi các bài viết giới thiệu về du lịch giữa các tỉnh, tạo điều kiện để phóng viên Báo Khánh Hòa trải nghiệm và viết bài giới thiệu về du lịch TP.HCM, Lâm Đồng và ngược lại. Báo Khánh Hòa sẵn sàng hỗ trợ phóng viên các báo đến tác nghiệp những sự kiện lớn của địa phương như Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa và cũng mong muốn được tham dự các sự kiện du lịch của các tỉnh, thành trong khu vực để có thể giới thiệu sâu hơn, kịp thời hơn về ngành Du lịch của các địa phương. Đặc biệt là các sự kiện lớn như: Festival Hoa Đà Lạt, Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM, Ngày hội Du lịch TP.HCM… và nhiều sự kiện khác.

* Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước NGUYỄN THỊ MINH NHÂM:
Việc hợp tác trao đổi chương trình, liên kết sản xuất là xu thế tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển, lớn mạnh của các cơ quan báo chí, truyền thông

Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm

Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm trình bày tham luận. Ảnh: Huy Anh

Ngay từ khi hợp nhất, đi vào hoạt động (tháng10-2019), Ban Giám đốc - Ban Biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã đưa ra phương châm hành động: “Chú trọng báo nói, đổi mới báo hình, cải tiến báo in, bứt phá báo điện tử” để định hướng tuyên truyền lợi thế của tỉnh trên 4 loại hình báo chí và hạ tầng số. Định hướng tuyên truyền được Ban Giám đốc - Ban Biên tập triển khai hàng tuần. Đây cũng là khoảng thời gian có nhiều chủ trương, định hướng về phát triển nông nghiệp, liên kết vùng, liên kết khu vực được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ ban hành.

Hàng loạt nghị quyết, kết luận của Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước ban hành tiếp đó đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phát huy lợi thế so sánh và chuỗi giá trị; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh kết nối vùng để phát triển ngành nông nghiệp và chế biến... của một tỉnh nông nghiệp, có nhiều lợi thế về nông nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu tuyên truyền,  BPTV đã ra mắt và duy trì tốt những chuyên mục, chương trình, bản tin như: Nông nghiệp - Nông thôn, Nông thôn mới, Khuyến công, Nông nghiệp xanh, VFC - Nông nghiệp bền vững, Kinh tế Quốc phòng, Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế và hội nhập... Tùy tính chất và vấn đề thời sự, tuyên truyền lồng ghép vào các chương trình, chuyên mục: Hành trình khát vọng, Hòa sóng cùng VOH, Cà phê sáng, Giảm nghèo bền vững, Đảng trong cuộc sống, Bình Phước đất và người, Kết nối Đông Nam bộ, Tài nguyên và môi trường; các chương trình thời sự hàng ngày, chương trình tiếng S’tiêng, Khmer, bản tin Tiếng Anh...

Với ưu điểm mang tính đặc thù, cũng như các mảng và đề tài khác, tài nguyên thông tin về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được khai thác tối đa, không để lãng phí. Khi nguồn tư liệu phóng viên, cộng tác viên thu thập sẽ sử dụng sản xuất cho cả 4 loại hình báo chí, các hạ tầng số, được sử dụng cho nhiều chương trình, chuyên mục. Thông tin được cập nhật liên tục và có sự tham gia tổng lực của 4 loại hình báo chí và mạng xã hội, tăng sự tương tác với công chúng. Riêng báo điện tử của BPTV (baobinhphuoc.com.vn) đang hội tụ cả phát thanh, truyền hình, kênh YouTube, các bản tin podcast, đọc báo in, trang tiếng Anh, các video clip, file audio... Vì vậy, thông tin lan tỏa rất sâu rộng, rất sôi động, có hiệu ứng tốt, cùng một định hướng, theo sát dòng sự kiện, bám sát xu hướng và dòng chủ lưu

Qua thực tiễn tại BPTV, chúng tôi nhận thấy: Việc hợp tác trao đổi chương trình, liên kết sản xuất là xu thế tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển, lớn mạnh của các cơ quan báo chí, truyền thông. Vì giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ những người làm báo, tăng sức lan tỏa của thông tin, tăng lợi ích kinh tế báo chí, tăng chất lượng thông tin… Từ đó, BPTV mạnh dạn đề xuất các báo Đảng trong khu vực Đông Nam bộ cùng thực hiện 6 giải pháp tăng cường liên kết tuyên truyền.

* Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới LẠI BÁ HÀ:

Mong có các giải thưởng báo chí vùng để nâng tầm chất lượng báo chí địa phương

Thủ đô Hà Nội là một trong những trung tâm thông tin báo chí sôi động nhất cả nước. Sau quy hoạch giai đoạn 1, TP.Hà Nội hiện có gần 10 cơ quan báo chí, với 40 ấn phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn Thủ đô còn có trên 500 cơ quan báo chí, tạp chí Trung ương và văn phòng đại diện cơ quan báo, đài các tỉnh, thành.

Sau khi Chính phủ tổ chức hội nghị đầu tiên của Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng (tháng 7-2023), Báo Hà Nội Mới đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tập trung nêu bật vai trò, trách nhiệm của Hà Nội đối với sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Một vấn đề khác thể hiện rất rõ vai trò của báo chí đó là công tác phối hợp tuyên truyền giải phóng mặt bằng đường Vành đại 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 - TP.HCM nhằm thúc đẩy phát triển liên kết vùng. Có thể nói, đây là dịp các cơ quan báo Đảng địa phương nơi có tuyến đường đi qua đã vào cuộc bài bản, trách nhiệm góp phần cùng cả hệ thống chính trị đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để khởi công đúng tiến độ đề ra. 

Hiện tại, các cấp chính quyền Thủ đô Hà Nội và các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng đang thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng, từ đó cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng, đóng góp cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Trên tinh thần đó, Báo Hà Nội Mới mong muốn được “liên kết” nhiều hơn nữa với các báo Đảng phía Nam nói chung, Đông Nam bộ nói riêng và các địa phương trên cả nước, tạo sức mạnh thông tin tổng hợp, chính thống và chất lượng trong tuyên truyền, phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; hiệu quả thực hiện các chủ trương, đường lối này trên thực tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Huy Anh

Nói cách khác, chúng ta đã có nhiều mô hình liên kết hiệu quả giữa các ngành, địa phương, tiểu vùng và vùng. Hà Nội Mới mong được tham gia việc tăng cường hơn nữa trong “liên kết vùng” của hệ thống báo Đảng địa phương cả nước nói chung và nhất là với phía Nam để vừa học hỏi, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, vừa hợp tác để cùng phát triển với các báo bạn cả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế báo chí.

Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ của các báo Đảng địa phương để phóng viên, cộng tác viên của Báo Hà Nội Mới làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, mang thông tin miền Nam đến với Trung ương và Hà Nội.

Rất mong có các giải thưởng báo chí vùng để nâng tầm chất lượng báo chí địa phương, khi tham gia các giải báo chí trung ương.

Nguồn Báo Đồng Nai

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục