Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tuyển dụng giáo viên “dưới chuẩn đào tạo” - đã muộn
Thứ tư: 09:08 ngày 09/04/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Quyết định tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng dạy một số môn học của Chương trình GDPT 2018 tuy đúng nhưng đã quá muộn, vì hầu hết những người có trình độ cao đẳng sư phạm, do không được tuyển dụng, đã tìm việc làm khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có dự thảo trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Quyết định tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng dạy một số môn học của Chương trình GDPT 2018 tuy đúng nhưng đã quá muộn, vì hầu hết những người có trình độ cao đẳng sư phạm, do không được tuyển dụng, đã tìm việc làm khác.

Thiếu giáo viên dạy môn học mới

Bộ GD&ĐT thông tin, cuối năm học 2022-2023, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 862.108, tăng 10.314 giáo viên so với năm học 2018-2019. Tuy nhiên, số lượng giáo viên chưa đáp ứng định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học mang tính đặc thù (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân. Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm Âm nhạc và sư phạm Mỹ thuật (thời gian đào tạo trình độ đại học 4 năm) chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.

Giờ học Âm nhạc tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh

Số liệu thống kê tại thời điểm tháng 1.2024 cho thấy, cấp tiểu học và THCS thiếu 6.334 giáo viên môn Tin học, 8.567 giáo viên Tiếng Anh, 2.985 giáo viên Mỹ thuật, 2.814 giáo viên Âm nhạc. Khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên và chuẩn bị đội ngũ giáo viên bảo đảm thực hiện chương trình.

Năm 2020, Bộ Chính trị đồng ý bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non và năm 2022 bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Sau khi được giao bổ sung biên chế, các địa phương tổ chức tuyển dụng.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT thông báo cho các cơ sở đào tạo 50.505 chỉ tiêu sinh viên sư phạm, số thí sinh đăng ký xét tuyển là 130.893, số trúng tuyển là 49.673 đạt 98,35% chỉ tiêu, số nhập học cuối cùng là 43.038 đạt 85,22% chỉ tiêu. Số sinh viên nhập học và tốt nghiệp trình độ đại học để dạy môn Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên đang được các cơ sở đào tạo để kịp đáp ứng dạy một số môn học tích hợp (Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên) theo Chương trình GDPT 2018.

Đối với chuyên ngành sư phạm Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo số liệu thống kê, trong các năm 2018-2019 (trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực), nhu cầu của các địa phương đối với sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng sư phạm Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) là 18.581 người, các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh 1.025 người. Tổng số sinh viên nhập học hệ đại học sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) từ năm 2018 đến năm 2023 là 23.484 người.

Như vậy, số lượng sinh viên được đào tạo trình độ đại học tương đối lớn. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, họ lại ít tham gia dự tuyển vào ngành Giáo dục để trở thành giáo viên.

Có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó tuyển dụng đối với giáo viên dạy các môn học này. Cụ thể, đối với môn Tin học, Ngoại ngữ, những sinh viên có trình độ đại học chuyên ngành có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Việc này dẫn đến số lượng sinh viên có trình độ đại học tương đối lớn nhưng các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng những sinh viên có trình độ đại học. Còn đối với môn Nghệ thuật, việc đào tạo sinh viên có trình độ đại học ở các môn Âm nhạc, Mỹ thuật khó khăn vì đòi hỏi người học phải có năng khiếu nhất định, số lượng khoa đào tạo môn nghệ thuật ở các trường đại học không nhiều nên số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm không đủ đáp ứng nhu cầu giáo viên triển khai các môn học này (có khoảng 6.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Nghệ thuật trong giai đoạn 2021-2025).

Đã từng đề xuất, nhưng...

Cần nhắc lại, sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực (ngày 1.7.2020), trước thực trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương trong tỉnh đề xuất tiếp tục cho phép tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp sư phạm nhưng chưa đạt chuẩn văn bằng theo quy định mới. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ngành Nội vụ không chấp thuận.

Xét theo luật, việc Sở Nội vụ không chấp nhận tuyển dụng sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn văn bằng là đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Điều 72 của luật này quy định trình độ chuẩn (văn bằng) được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”.

Từ thực tế đó, một câu hỏi đặt ra là, nếu như tuyển dụng được giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo, nhóm đối tượng này có được tạo điều kiện để học nâng chuẩn văn bằng (đại học) không?

Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình nâng chuẩn, giáo viên có thể học nâng chuẩn từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2030. Lộ trình học nâng chuẩn chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1, từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2025 và giai đoạn 2, từ ngày 1.1.2026 đến hết ngày 31.12.2030. Như vậy, nhóm giáo viên dưới chuẩn đào tạo vẫn được tạo điều kiện học để nâng chuẩn về văn bằng.

Khó tuyển

Tại Tây Ninh, nhiều năm qua, Trường cao đẳng Sư phạm không còn được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, THCS (do Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ tối thiểu được đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS phải tốt nghiệp đại học), nên tỉnh khó chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên này cho những năm về sau. Mặt khác, khi cùng chuẩn đào tạo là trình độ đại học, rất ít sinh viên đăng ký mã ngành đào tạo giáo viên tiểu học (đa số thường đăng ký mã ngành đào tạo giáo viên THPT). Vì vậy, nguồn tuyển dụng giáo viên tiểu học về sau không còn nhiều.

Theo thống kê của ngành Giáo dục Tây Ninh (thời điểm năm học 2022 - 2023), tổng số giáo viên các cấp học có xu hướng giảm dần, từ 11.699 giáo viên năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023 còn 11.145 giáo viên (giảm 554 giáo viên). Trong khi số học sinh lại tăng dần theo các năm dẫn đến tỷ lệ học sinh/lớp cao, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Giáo viên dạy ở trường ngoài công lập tăng từ 513 giáo viên năm học 2018-2019 lên 563 giáo viên.

Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn (về văn bằng) tăng từ 10,2% năm học 2018-2019 lên 13,4% năm học 2022-2023. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng từ 62,8% năm học 2018-2019 lên 67,2% năm học 2022-2023. Từ năm 2019 đến 2023, ngành Giáo dục Tây Ninh đã tuyển dụng 952 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, số lượng tuyển dụng không kịp bổ sung cho số lượng viên chức trong ngành nghỉ hưu, nghỉ việc. Từ năm 2019 đến nay, có 1.562 trường hợp rời khỏi ngành Giáo dục, trong đó 683 người nghỉ hưu, 879 người nghỉ việc.

Tình hình trên dẫn đến số lượng, tỷ lệ giáo viên đứng lớp chưa đạt theo quy định của Bộ GD&ĐT. Liệt kê cụ thể như sau: bậc học mầm non, tỷ lệ giáo viên hiện tại là 1,65 giáo viên/lớp (quy định 2,2); cấp tiểu học, tỷ lệ 1,43 (quy định 1,5); cấp THCS tỷ lệ 1,6 (quy định là 1,9) và cấp THPT tỷ lệ 1,94 (quy định là 2,25). Những con số nêu trên cho thấy, tỷ lệ bố trí giáo viên chưa đủ theo quy định, nguồn tuyển dụng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng.

Việt Đông

 

 

Tin cùng chuyên mục