Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tuyển dụng giáo viên- những vấn đề đặt ra
Thứ năm: 04:00 ngày 18/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc Sở Nội vụ không chấp nhận tuyển dụng sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn văn bằng là đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến từ cơ sở (thời hạn chót ngày 22.4) để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép tuyển giáo viên có bằng cao đẳng. Mục đích của việc “hạ chuẩn” tạm thời này là thu hút những giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc những ngành nghề khác nhưng có chứng chỉ sư phạm để khắc phục phần nào tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều môn học, cấp học.

Học sinh một trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Trước hết, về mặt pháp luật, theo phân tích, chủ trương tuyển giáo viên chưa có bằng đại học chỉ mang tính tạm thời, do đó, chuyện sửa đổi Luật Giáo dục (sửa đổi) 2019 sẽ không diễn ra. Tuy nhiên, phải sửa một số văn bản dưới luật, trong đó có Văn bản hợp nhất số 09 và số 10/VBHN-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn.

Khó bổ nhiệm, xếp lương

Hai văn bản trên quy định ứng viên dự tuyển nếu trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp hạng III- có hệ số lương 2,34 - 4,98. Sau khi đủ thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp, nếu đủ điều kiện thì được dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng II- có hệ số lương 4,0 - 6,38. Vấn đề đặt ra là, hiện chưa có quy định xếp lương đối với trường hợp tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn.

Như vậy, việc xếp lương theo ngạch, bậc và sau đó bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp đối với nhóm đối tượng này như thế nào cần được tính đến ngay từ bây giờ. “Hiện tại chưa có quyết định chính thức của Chính phủ, Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng giáo viên (một số môn) dưới chuẩn đào tạo. Địa phương chưa hình dung được việc xếp lương khởi điểm cho nhóm đối tượng này như thế nào.

Nếu xếp ngạch, bậc lương, chức danh nghề nghiệp cho họ giống như giáo viên mầm non thì không hợp lý. Vì, những vị trí cần tuyển đều là giáo viên phổ thông, không thể xếp chung với giáo viên mầm non. Chưa kể, hình thức tuyển dụng đối với nhóm đối tượng này như thế nào- tuyển đặc cách hay tuyển theo quy định hiện hành, cũng chưa rõ, phải chờ hướng dẫn của Trung ương. Tôi nghĩ, nếu tuyển được, cấp có thẩm quyền sẽ có hướng dẫn cụ thể”- một cán bộ có thâm niên làm công tác tổ chức trong ngành Giáo dục Tây Ninh cho biết.

Ngoài việc xếp lương và bổ nhiệm giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp, việc nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn đối với nhóm đối tượng này cũng cần được tính đến. Lý do, theo phân tích của giới chuyên môn, cán bộ quản lý, hiện nay chưa có quy định nâng lương, nâng lương trước hạn do lập thành tích xuất sắc... đối với giáo viên chưa được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp. Mặt khác, căn cứ hồ sơ cá nhân, văn bằng, chứng chỉ, thành tích công tác, nhóm giáo viên dưới chuẩn đào tạo không thể sánh được với những giáo viên đã thoả mãn các điều kiện cần và đủ theo quy định của pháp luật. Điều này có thể khiến họ gặp nhiều thiệt thòi, khó tạo động lực để họ cống hiến và phát triển.

Cần nhắc lại, sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực (ngày 1.7.2020), trước thực trạng thiếu giáo viên, nhiều địa phương trong tỉnh Tây Ninh đề xuất tiếp tục cho phép tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp sư phạm nhưng chưa đạt chuẩn văn bằng theo quy định mới. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ngành Nội vụ không chấp thuận.

Xét theo luật, việc Sở Nội vụ không chấp nhận tuyển dụng sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn văn bằng là đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Điều 72 của luật này quy định trình độ chuẩn (văn bằng) được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”. Điều 72 cũng quy định: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này".

Từ thực tế đó, một câu hỏi đặt ra là, nếu như tuyển dụng được giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo, nhóm đối tượng này có được tạo điều kiện để học nâng chuẩn văn bằng (đại học) không?

Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình nâng chuẩn, giáo viên có thể học nâng chuẩn từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2030. Lộ trình học nâng chuẩn chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1, từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 31.12.2025 và giai đoạn 2, từ ngày 1.1.2026 đến hết ngày 31.12.2030. Như vậy, nhóm giáo viên dưới chuẩn đào tạo vẫn được tạo điều kiện học để nâng chuẩn về văn bằng.

Khó chủ động nguồn tuyển

Tại Tây Ninh, nhiều năm qua, Trường cao đẳng Sư phạm không còn được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, THCS (do Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ tối thiểu được đào tạo của giáo viên tiểu học, THCS phải tốt nghiệp đại học), nên tỉnh khó chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên này cho những năm về sau. Mặt khác, khi cùng chuẩn đào tạo là trình độ đại học, rất ít sinh viên đăng ký mã ngành đào tạo giáo viên tiểu học (đa số thường đăng ký mã ngành đào tạo giáo viên THPT). Vì vậy, nguồn tuyển dụng giáo viên tiểu học về sau không còn nhiều.

Theo số liệu do Bộ GD&ĐT công bố, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. So với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người. Trong khi đó, quy mô đào tạo khối ngành sư phạm không những không tăng mà còn giảm. Năm 2023, cả nước có 32.500 thí sinh trúng tuyển nhập học nhóm ngành sư phạm, đạt 89,14%, cao hơn mức 80,16% của năm 2022. Tuy nhiên, số lượng thí sinh nhập học năm 2023 vẫn thấp hơn năm 2022. Mỗi năm, các trường, khoa sư phạm chỉ có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Năm 2021 có hơn 17.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp, năm 2022 giảm còn hơn 14.000 sinh viên tốt nghiệp…

Thấy trước được vấn đề nhân lực ngành sư phạm, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116 quy định chính sách đào tạo giáo viên theo địa chỉ. Sau gần bốn năm kể từ khi chính sách nêu trên có hiệu lực, việc đào tạo giáo viên theo địa chỉ đạt hiệu quả thấp, thời điểm đầu năm 2023, cả nước chỉ có hơn 17% sinh viên sư phạm học theo diện chính sách này.

Số sinh viên học xong cũng chưa biết liệu có được tuyển dụng đúng như tinh thần Nghị định 116 hay không, vì theo các quy định khác, sinh viên đào tạo theo địa chỉ vẫn phải tham gia thi hoặc xét tuyển. Các nhà quản lý ngành Giáo dục chỉ ra rằng, khi tham gia tuyển dụng, có thể sinh viên đào tạo theo địa chỉ không trúng tuyển, trong khi sinh viên tự do lại trúng tuyển, vì đây là sự cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, việc triển khai Nghị định 116 gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc kể cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó phải kể đến, khi đã đào tạo theo đơn đặt hàng, chính quyền địa phương (UBND tỉnh, thành phố) phải bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Nhưng quy định hiện hành không có gì bảo đảm điều đó được thực hiện, vì sinh viên sư phạm đào tạo theo địa chỉ không phải thuộc diện sinh viên cử tuyển. Ngay cả sinh viên diện cử tuyển, mặc dù có quy định bố trí việc làm sau 12 tháng kể từ ngày ra trường nhưng không phải nơi nào, trường hợp nào cũng thực hiện được.

Ngày 16.2.2023, Bộ GD&ĐT công bố số liệu thống kê các địa phương trong cả nước xung quanh việc triển khai Nghị định 116. Tính đến thời điểm công bố, cả nước có đến 40 tỉnh, thành phố không triển khai nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên cho khoá tuyển sinh năm 2021. Điều này chứng minh việc triển khai Nghị định 116 gặp nhiều khó khăn, nếu không muốn nói rằng, tính hiệu quả của chính sách này không cao. Vướng mắc về pháp lý, thủ tục, quy trình thực hiện sự cam kết làm việc trong ngành khi đào tạo theo đơn đặt hàng là có thật. Nhưng có một sự thật khác ít được đề cập: người đi học (sinh viên) không muốn bị ràng buộc sau khi ra trường.

VIệt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh