Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chức vô địch của tuyển nữ Việt Nam trước Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2019 là chiến thắng của đội bóng mạnh trước đối thủ yếu hơn.
Tối 27/8, bàn thắng duy nhất của đội trưởng Huỳnh Như giúp tuyển nữ Việt Nam thắng Thái Lan 1-0, đồng thời đặt dấu chấm hết cho 3 lần vô địch liên tiếp của nữ Thái Lan ở sân chơi khu vực.
Thế thống trị gần như tuyệt đối của Thái Lan tại AFF Cup có thể khiến nhiều người nhầm nữ Việt Nam vừa làm nên địa chấn. Tuy nhiên, chiến thắng của tuyển nữ Việt Nam chỉ là kết quả tất yếu sau những thắng lợi thời gian qua.
Tuyển nữ Việt Nam chấm dứt 3 năm liền vô địch khu vực của chủ nhà Thái Lan.
Cũng thời điểm này năm ngoái, tuyển nữ Việt Nam vượt qua Thái Lan tại vòng bảng để giành vé vào tứ kết Asian Games 2018. Trước đó, tại SEA Games 2017, tuyển nữ Việt Nam của HLV Mai Đức Chung cũng vô địch ngay trước người Thái.
Không kể AFF Cup 2018, giải đấu mà đôi bên không gặp nhau, và SEA Games 2015, giải đấu không tổ chức bóng đá nữ, nữ Việt Nam và nữ Thái Lan luôn so kè quyết liệt trong khoảng 5 năm trở lại đây. Mỗi bên đều có chiến thắng và thất bại.
Tại AFF Cup 2016, nữ Thái Lan vô địch trên chấm luân lưu trước Việt Nam. Đổi lại, nữ Việt Nam thắng Thái Lan 2-0 ở vòng loại Olympic 2016 và là đội Đông Nam Á duy nhất có mặt ở vòng loại cuối châu Á.
Nhiều người sẽ lấy tấm vé World Cup 2019 để ca ngợi tuyển nữ Thái Lan. Tại vòng loại, Thái Lan nằm cùng bảng với Trung Quốc, Philippines và Jordan, trong khi đó Việt Nam phải đối đầu với những đội rất mạnh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
Những nỗ lực của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong vài năm trở lại đây đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa tuyển nữ Việt Nam và Thái Lan. Đây cũng là 2 đội tuyển đã bứt lên khỏi sự bám đuổi của Myanmar để hình thành thế lưỡng cực ở khu vực Đông Nam Á. Suốt từ năm 2015 tới nay, Thái Lan và Việt Nam đã thay nhau thống trị SEA Games và AFF Cup.
Ở sân chơi quốc nội, VFF đang làm những gì có thể để tăng số trận thi đấu cho các nữ cầu thủ. Giải vô địch nữ quốc gia 2015 chỉ có 7 đội tham dự, mỗi đội được đá 12 trận/mùa. Từ mùa 2016, sự xuất hiện của Sơn La nâng số đội dự giải lên 8. VFF cũng lần đầu tiên tổ chức vòng đấu loại trực tiếp cho 4 đội đứng đầu. Năm ấy, nhà vô địch TP.HCM I được chơi tới 16 trận, nhiều nhất trong lịch sử.
Những năm gần đây, bóng đá nữ Việt Nam và Thái Lan so kè với nhau từng chút một ở nhiều mặt trận.
Từng ấy trận không phải là nhiều nếu so với bóng đá nam. Tuy nhiên, trong những điều kiện đặc thù của bóng đá nữ, với nguồn kinh phí hạn chế, nơi nhiều đội bóng luôn phải vật lộn để tồn tại, việc giải vô địch bóng đá nữ Việt Nam vẫn phát triển (dù rất chậm) là cả một nỗ lực phi thường. Làm được điều đó, cả VFF, các CLB và những nữ cầu thủ đã phải cố gắng rất nhiều.
Năm ngoái, trung vệ Trần Thị Hồng Nhung trở thành nữ cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại Thái Lan. Phong độ cao của Hồng Nhung giúp Chonburi đi tới trận chung kết giải nữ vô địch Thái Lan. Đích thân Chủ tịch Thanasak Suraprasert của Chonburi và HLV trưởng đã dành lời khen cho Hồng Nhung.
Thành công của Hồng Nhung là bằng chứng cho thấy trình độ cầu thủ nữ Việt Nam và Thái Lan không còn nhiều chênh lệch. Và Hồng Nhung chưa phải trung vệ số một Việt Nam, cũng chưa nằm trong nhóm trụ cột tuyển quốc gia. Nếu đó là đội phó Chương Thị Kiều, Quả bóng Vàng Nguyễn Thị Tuyết Dung hay Huỳnh Như, tầm ảnh hưởng sẽ còn mạnh mẽ hơn.
Chức vô địch của tuyển nữ Việt Nam ngay trên đất Thái là chiến thắng lịch sử của nền bóng đá. Tuy nhiên, đó không phải chiến công từ trên trời rơi xuống. Đội mạnh thắng đội yếu, bóng đá là thế thôi.
Nguồn Zing