Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngoài sự trỗi dậy của các đối thủ trong khu vực, yếu tố khiến tuyển Việt Nam trở thành cựu vương AFF Cup chính là sự suy yếu của đội.
Sau chức vô địch AFF Cup 2018, tuyển Việt Nam liên tục phải căng sức cho 2 vòng loại khắc nghiệt của World Cup 2022. Được khoác lên mình tấm áo tầm cỡ châu lục là vinh quang và niềm tự hào lớn nhất Đông Nam Á, nhưng cũng là nguồn gốc khiến lực lượng trong tay huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo sứt mẻ trầm trọng.
Khi bão chấn thương càn quét
So với giải đấu mà chúng ta lên ngôi vô địch 3 năm trước, ông Park mất đi quá nửa đội hình tinh nhuệ. Nguyễn Anh Đức giải nghệ, Nguyễn Huy Hùng không còn nằm trong kế hoạch, những trụ cột vốn dĩ không thể thiếu như thủ môn Đặng Văn Lâm, đôi cánh Đoàn Văn Hậu - Nguyễn Trọng Hoàng, trục dọc Trần Đình Trọng - Đỗ Hùng Dũng vì các dạng chấn thương khác nhau đều đã xa rời đội tuyển.
Người vắng mặt thì nhiều, người thay thế hầu như không có hoặc nếu có cũng không thể bù đắp về chuyên môn. Nguồn lực ngoại kiều như thủ thành Filip Nguyễn hay tiền đạo Alexander Đặng không thành hiện thực, nguồn lực từ lứa U23 đôn lên chưa thể sử dụng được ngay (Nguyễn Văn Toản, Lê Văn Xuân, Bùi Hoàng Việt Anh hay Nguyễn Thanh Bình).
Trong khi đó, V.League và hạng Nhất không giới thiệu được cho ông Park những nhân tố mới. Hệ thống giải quốc nội bị gián đoạn vì dịch bệnh, nhưng ngay cả khi đích thân ông Park đến từng sân để xem giò cầu thủ, ông cũng chỉ bất đắc dĩ “chấm” được vài gương mặt như Cao Văn Triền, Tô Văn Vũ, Nguyễn Hữu Tuấn… với tác dụng chính là gọi lên tuyển để trao thêm cơ hội rèn quân, rồi trả về khi gút danh sách.
Vì vậy, xoay quanh tất cả mặt trận, tuyển Việt Nam còn khoảng hơn 20 cầu thủ gần như bất di bất dịch. Trong số đó, 15-16 người luân phiên cày ải hết trận này sang trận khác.
Ông Park trao cơ hội ra sân cho ít cầu thủ nhất trong 4 đội vào bán kết. Đồ họa: Minh Phúc.[AFF Cup Viet Nam anh 2]
Ông Park trao cơ hội ra sân cho ít cầu thủ nhất trong 4 đội vào bán kết. Đồ họa: Minh Phúc.
Trong khu vực, Thái Lan cũng không hẳn đã “thay máu” đội tuyển của mình. Trụ cột hiện nay của họ vẫn là những người từng đến Mỹ Đình làm mưa làm gió hồi tháng 10/2015 như Chanathip, Theerathon, Sarach…, thậm chí tiền đạo Dangda cùng thời Lê Công Vinh vẫn còn đang đá chính. Nhưng điều khác biệt là lịch thi đấu của họ không quá dày đặc như tuyển Việt Nam.
Thái Lan cùng dự vòng loại thứ 2 World Cup với chúng ta, nhưng khi họ dừng lại thì chúng ta có thêm 10 trận nữa của vòng loại thứ 3 (đã thi đấu xong 6 trận), đều là các trận khốc liệt đến mức hao sức, thiệt quân. Từ trận gần nhất ở đấu trường này (gặp Saudi Arabia ngày 26/11), thầy trò ông Park có 20 ngày vừa dưỡng sức vừa luyện tập để bước vào AFF Cup (6/12 đã gặp Lào).
20 ngày đó là không đủ để hồi phục với những người đang bị chấn thương hành hạ. Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thành Chung, Đỗ Duy Mạnh đều đau ở những mức độ khác nhau, Nguyễn Tuấn Anh chưa bao giờ sung sức, Nguyễn Tiến Linh sát giờ khai cuộc vẫn còn phải tập riêng, Trần Đình Trọng sớm chia tay giải.
Không giống Thái Lan khi có cơ hội vươn ra châu lục trở nên thờ ơ với ao làng, chúng ta vẫn tập trung hết mức cho cả 2 giải đấu, thậm chí lấy vòng loại World Cup làm bàn đạp tầm cao cho AFF Cup. Chiến lược đó đi kèm những hệ lụy về quân số, nó khiến đội bóng của HLV Park Hang-seo trở nên què quặt và sa vào thế nhỡ nhàng.
HLV Park kiên định hay bảo thủ
Một vài giải đấu thất bại không làm lung lay vị thế của HLV Park Hang-seo, nhưng để bóng đá Việt Nam đừng đổ vỡ dây chuyền, chúng ta cần chung tay giúp ông khắc phục những hạn chế đang tồn tại.
HLV Park Hang-seo từng được coi là thầy phù thuỷ biến những điều không thể thành có thể. Nhưng sau hơn 4 năm, chiếc đũa thần của ông cũng dần mất đi sự màu nhiệm, vì không bột chẳng thể gột nên hồ.
Càng khó khăn về lực lượng, thầy Park càng chọn giải pháp an toàn, nghĩa là đặt niềm tin tuyệt đối vào nhóm cầu thủ quen dùng. Nguyễn Hoàng Đức từ chỗ là phát hiện của vòng loại World Cup, đã bị trưng dụng hết công suất, ngay cả ở những trận đấu không nhiều ý nghĩa của bảng B. Cùng với anh là Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Phan Văn Đức - những cái tên mà đối thủ không cần dò xét cũng biết họ sẽ ra sân.
Ở vị trí điển hình cần sáng tạo và tươi mới, Phan Văn Đức luôn được ưu tiên bất chấp phong độ sa sút trong giai đoạn thật dài. Nhiều nhà chuyên môn đã phải lên tiếng về trường hợp của Văn Đức, nhưng thầy Park vẫn không thay đổi quan điểm về cầu thủ SLNA.
Văn Đức hay Tiến Linh đều không có phong độ tốt tại AFF Cup.
Bộ khung quá dễ đoán tất yếu mang đến lối chơi không còn tính bất ngờ. Lào cũng có thể làm khó chúng ta khi lùi sâu phòng ngự. Indonesia khiến mọi giải pháp trở nên bế tắc.
Thầy Park khiến tất cả ngạc nhiên khi chơi chiến thuật cũ mòn ở những trận đấu vòng bảng, nhưng lại chủ động phiêu lưu trong cuộc đấu bán kết sống còn. Có thể hiểu là ông muốn rũ bỏ cái mác bảo thủ của bản thân và tạo sự bất ngờ cho người Thái, nhưng đó là lựa chọn không hợp lý khi chính ông dường như cũng không nhận thức được năng lực thật của đối phương.
Xưa nay, thứ làm nên thương hiệu và thành công cho ông Park là lối chơi cửa dưới, rình rập, phản công. Ông bỏ sở trường đi tìm sở đoản, khiến chính các cầu thủ cũng bỡ ngỡ theo. Và cái cách ông biện bạch về Công Phượng, Văn Toàn thực hiện sai chiến thuật khi lao vào giữa 3 trung vệ kềnh càng của Thái đã nói thay tất cả về sự bối rối, mất phương hướng, thiếu liên lạc giữa ban huấn luyện với cầu thủ trên sân.
Yếu tố tinh thần vốn dĩ đã là thách thức với thầy Park, khi chuỗi thất bại ngoài châu lục khiến ông chịu nhiều phản biện. Sức ép phải khẳng định mình, khẳng định ngôi vị cho tuyển Việt Nam đôi khi làm ông đưa ra những quyết định bất thường, toan tính những nước đi phá vỡ nguyên tắc an toàn, và sai số là điều không thể tránh.
Chúng ta lại thua người Thái, mất ngôi AFF, đứng trước nguy cơ lớn sẽ trắng tay ở vòng loại cuối cùng World Cup và tương lai bảo vệ HCV SEA Games cũng thật khó khăn. Làm sao để ngăn đà tụt dốc của bóng đá Việt Nam, bài toán ấy một mình ông Park không thể nào giải nổi.
Nguồnzingnews