Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tiếng trống múa lân vang lên, báo hiệu một mùa xuân mới đang bắt đầu.
Đoàn lân sư rồng Hoa Sư Kim Long duy trì việc tập luyện mỗi tối tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật Tây Ninh.
Múa lân là một loại hình nghệ thuật dân gian được các nước Á Đông yêu thích. Trong tâm trí của người Việt, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu ở các dịp lễ hội, đặc biệt là tết nguyên đán. Tiếng trống múa lân vang lên, báo hiệu một mùa xuân mới đang bắt đầu.
Theo quan niệm của người xưa, long - lân - quy - phụng là các con vật linh thiêng, tượng trưng cho bình an, phúc lộc, thịnh vượng. Vì thế, múa lân, múa rồng đầu năm mang ý nghĩa chúc năm mới may mắn, tốt lành và sung túc đến với mọi người, mọi nhà.
Có thể nói, tiếng trống hào hùng, hoà cùng vũ điệu vui tươi của những chú lân đã tô điểm cho ngày xuân thêm tươi mới, hứng khởi. Thật khó tưởng tượng nếu ngày tết cổ truyền dân tộc lại thiếu đi sự nhộn nhịp của các đoàn lân - sư - rồng.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, phía sau những màn múa lân hấp dẫn trong nhịp trống “tùng cheng cắc cắc tùng cheng…” là cả quá trình tập luyện gian nan của cả đội lân. Để có một màn trình diễn hoàn chỉnh, mang lại bầu không khí vui vẻ, thích thú cho khán giả, đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều yếu tố: lân phải có ngoại hình bắt mắt; tiếng trống giục giã, rộn ràng; động tác sinh động; kỹ thuật múa nhịp nhàng giữa phần đầu và phần đuôi…
Thông thường, một người chưa biết gì về múa lân thì phải mất đến 2-3 năm tập luyện mới có thể múa. Và không phải ai đến với nghề cũng bám trụ được lâu dài. Một phần do không chịu nổi khó khăn, gian khổ, một phần do niềm đam mê chưa đủ lớn.
Nhất là vào dịp lễ, tết, cường độ tập luyện, thời gian biểu diễn cao hơn thường ngày, nên phải là người có sức khoẻ bền bỉ mới theo đến nơi đến chốn. Đại đa số những người theo nghề này là nam giới, dù thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có những bóng hồng, nhưng không nhiều.
Ông Nguyễn Thành Hoà- Trưởng đoàn Hoa Sư Kim Long Việt Nam chia sẻ: “Múa lân là một nghề vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chúng tôi duy trì tập luyện suốt, một tuần 7 buổi, từ 19 giờ đến 21 giờ. Trước đây đoàn cũng có vài vận động viên nữ nhưng các cháu sau khi lập gia đình đã giải nghệ”.
Múa lân không có một khuôn mẫu nhất định, mỗi đoàn đều có phong cách biểu diễn khác biệt, những động tác mang nét đặc trưng riêng của mình, được truyền lại qua nhiều thế hệ. Nội dung của từng bài còn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của các nghệ nhân. Nói cách khác, hay dở tuỳ vào khả năng tự ứng biến.
Lân lên mai hoa thung.
Đã gọi là một bộ môn nghệ thuật thì phải mang tính sáng tạo, múa lân cũng không ngoại lệ. Vì vậy, các đoàn lân ngày nay còn biến tấu ra những biến thể mới lạ, đa dạng, thậm chí có thể nhảy trên nền nhạc hiện đại, nhằm phục vụ nhiều đối tượng hơn, bắt kịp xu thế thời đại, tránh sự nhàm chán.
Động tác múa của lân mỏ tròn lại khác với lân mỏ dảnh (lân mỏ dảnh trông hung dữ, mạnh mẽ hơn). Song, hầu như đoàn nào cũng có những bài truyền thống như tứ quý lân, trống hội, lân địa bửu, cao không hái lộc, lân lên mai hoa thung…
Đối với “Tứ quý lân”, bốn chú lân sẽ đại diện cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cùng nhau nhảy múa, mang ý nghĩa cầu chúc cho gia chủ một năm ấm no, tài lộc. Tiết mục độc đáo khác cũng rất được ưa chuộng là “Trống hội”.
Ở tiết mục này, tuy không có sự góp mặt của các chú lân nhưng âm thanh phát ra từ dàn trống luôn mang đến không khí sôi động. Tuỳ theo không gian và yêu cầu của khách hàng mà các đoàn có thể sử dụng từ 6 đến 18 chiếc trống cùng một lúc. Theo kinh nghiệm của người trong nghề, những chiếc trống cũng phải trải qua 2-3 năm mới có thể đạt tần số âm thanh hay nhất.
Mỗi bài trống tuy chỉ kéo dài khoảng 4-5 phút nhưng để có những nhịp trống đồng đều, các đoàn phải mất hơn một năm sáng tác và tập luyện. “Đầu tiên, chúng tôi sẽ có một nhóm gồm 4 người cùng nghiên cứu, sáng tạo trong khoảng 3-4 tháng.
Sau đó mới dạy lại cho các thành viên khác. Với một người sáng trí, học nhanh, thẩm âm tốt thì khoảng nửa năm mới thuộc bài, có người lại mất cả năm. Khi cả đội đã có thể hợp nhất với nhau, chúng tôi còn phải điều chỉnh thêm vài chỗ cho ấn tượng hơn. Để không bị trùng lặp, khoảng 2 năm thì chúng tôi sẽ đổi bài mới”- anh Lý Thành Trung, Trưởng đoàn lân Trung Anh Đường cho biết.
Ngày xưa, theo phong tục của người Hoa, khi chủ nhà mời lân đến biểu diễn sẽ bày ra những trận pháp mà đoàn không hề biết trước. Thử thách càng khó tiền lì xì càng lớn. Việc hoá giải trận pháp giành phần thưởng bao giờ cũng là những cuộc đấu trí lực căng thẳng.
Ngày nay, mọi thứ đã đơn giản hơn nhiều, các đoàn thường tự bày trận pháp và tự hoá giải. Trong nghệ thuật múa lân truyền thống, có hai trận pháp phổ thông là địa bửu (trận pháp dưới mặt đất) và thiên tài (trận pháp trên không trung). Đó cũng là những nội dung thường thấy tại các hội thi lân - sư - rồng trong nước và quốc tế.
Tiết mục “Tứ quý lân” của Đoàn Lâm Vũ thu hút nhiều khán giả.
Ở tiết mục “Lân địa bửu”, các đoàn lân có thể tự sáng tạo ra chủ đề cụ thể như “Lân bắt bò cạp”, “Lân vượt suối giết mãng xà đoạt trân châu”, “Lân đại phá tửu quán” hay “Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung”…
Dù không phải là một tiết mục có độ nguy hiểm cao nhưng cái khó của “Lân địa bửu” là phải thể hiện làm sao để người xem hiểu được câu chuyện, diễn tả được thần thái, cảm xúc của chú lân một cách tự nhiên nhất. Trong tiết mục này, chú lân có thể thực hiện các hành động như nhảy qua đống lửa, kéo nước giếng, ăn dưa hấu, uống rượu và say xỉn…
Chính vì vậy, người cầm phần đầu lân hết sức quan trọng, phải cực kỳ am hiểu và tinh tế để điều khiển, phối hợp hoạt động của các chi tiết như mắt lân, tai lân, miệng lân thật khớp với tiếng trống lúc dồn dập, lúc khoan thai. Mỗi bài “Lân địa bửu” chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút nhưng các vận động viên phải dàn dựng, tập luyện từ 6 tháng đến 1 năm mới có thể biểu diễn thuần thục.
Tương tự, với trận pháp Thiên tài, chú lân phải lần lượt vượt qua các chướng ngại vật để đạt được mục đích cuối cùng, nhưng không phải ở dưới mặt đất nữa. Người xem bây giờ cũng thích các trận pháp trên không trung hơn, bởi khi lân diễn trên cao (Lân leo cây hái lộc, Lân lên mai hoa thung), mọi người đều dễ dàng theo dõi. Tiết mục càng có nhiều yếu tố nguy hiểm, kịch tính lại càng hấp dẫn.
Với tiết mục “Lân leo cây”, hơn chục người phải xúm vào phụ giữ thân cây tre cao hơn 7m để người múa lân leo thẳng lên ngọn hái lộc. Khi đã yên vị trên đỉnh cọc tre (đường kính chưa đầy 10cm), nhịp trống càng tưng bừng hơn, lân tiếp tục diễn các tư thế khiến ngọn tre chao đảo dữ dội, làm thót tim người xem.
Đến đây, tinh thần thép mới là yếu tố quyết định tạo nên một tiết mục thành công, mãn nhãn. Bởi nhiều khi khán giả cổ vũ nhiệt tình quá, khiến người múa hăng lên, gây ra những rủi ro. Do đó, người diễn nội dung này buộc phải có “cái đầu lạnh” để luôn tỉnh táo và kiểm soát được mọi hành động của mình.
Thường thì một đoàn lân chỉ có chừng hai, ba người có thể thực hiện được màn công phu này, trong đó chỉ có một người là thường xuyên diễn chính. Theo lời anh Nguyễn Alin - Trưởng đoàn lân Đoàn Lâm Vũ: “Nếu một vận động viên đã có kỹ thuật căn bản tốt thì phải tập khoảng 3-4 tháng mới xong bài, nhưng để biểu diễn thì cần hơn 6 tháng tập luyện. Khó nhất là lúc lân úp bụng xoay vòng thân trên ngọn tre. Còn những sự cố thường gặp trong lúc diễn là người múa làm rớt đầu lân hoặc bị vướng dây giày vào cọc tre”.
Nếu như tiết mục trên chỉ cần một người biết leo cây là đủ thì ở tiết mục “Lân lên mai hoa thung” lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tất cả các trưởng đoàn lân đều phải công nhận rằng, đây là màn trình diễn có độ nguy hiểm cao nhất và những người biểu diễn tiết mục này thường là những người được nhận thù lao cao nhất trong đoàn. Muốn tập được nội dung này, các vận động viên phải biết chút võ công, tấn pháp vững vàng, cộng với máu liều lĩnh và có ít nhất 3-4 năm khổ luyện trong nghề.
Đoàn lân sư rồng Hoa Sư Đường tập tiết mục “Trống hội”.
Tiết mục thể hiện hình tượng lân độc hành vượt qua núi non trùng điệp, với mai hoa thung là những trụ sắt cao thấp khác nhau, được xếp ở những khoảng cách khác nhau. Giống như “Lân địa bửu”, một bài múa trên mai hoa thung kéo dài khoảng 10 phút, được xây dựng theo một kịch bản, có cốt truyện rõ ràng.
Ví dụ như: Lân vượt dãy Trường Sơn, Lân lên núi hái đào tiên, Lân cứu người gặp nạn trên núi, Lân lên núi lấy lồng đèn… Độ khó và tính nghệ thuật của màn trình diễn càng cao càng chứng tỏ trình độ, đẳng cấp của người diễn cũng như đoàn lân. Để hoàn thành một tiết mục trên mai hoa thung, đoàn lân thường mất hơn một năm tập luyện liên tục; nhưng muốn nhuần nhuyễn, trơn tru, phải mất 2-3 năm.
Khác với những tiết mục còn lại, đối với “Lân lên mai hoa thung”, người giữ phần đuôi phải là người giàu kinh nghiệm hơn. Có nhiều động tác phức tạp như người trước đội đầu lân đứng một chân trên đùi, trên vai hoặc trên tay của người sau, rồi hai chân đứng trên đùi, quay 180 độ, nhảy ngồi lên đầu…
Do vậy, người đằng trước rất dễ bị chấn thương và người đứng sau phải chắc chắn thì người trước mới dám tin tưởng tập cùng. Vả lại, khi chú lân nhảy từ cột này qua cột kia, người đứng sau chịu trách nhiệm nâng đỡ người múa đầu. Nếu người ở sau không cẩn thận lúc ôm và “quăng” bạn diễn, một chút sơ sẩy nhỏ cũng có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa hai người múa cùng nhịp trống phải thật ăn ý và chính xác. Chỉ cần hai người bước chân không đồng đều hoặc lệch với nhịp trống là có thể dẫn đến việc rớt khỏi giàn thung. Thế nên, trong thời gian tập luyện không thể tránh khỏi những cãi vã, bất đồng giữa các thành viên trong đoàn. Những lúc như thế, trưởng đoàn phải đứng ra giải thích, hoà giải.
Vậy đó, nhìn thì thấy đơn giản nhưng múa lân không phải chỉ là giơ đầu lân lên rung và lắc, mà người múa phải hình dung mình là một con lân thực sự. Từ bước đi đến cái chớp mắt đều phải lột tả được thần thái của chú lân vừa uy dũng, vừa ngộ nghĩnh.
Còn đằng sau chiếc đầu lân nặng 6-7kg kia là những con người rất bình dị. Ngày thường, họ là học sinh, người lao động làm những công việc như tài xế, thợ hồ, công nhân, giao hàng… Sáng đi học, đi làm, tối về tập múa lân, đều đặn quanh năm suốt tháng. Xuân về, họ hoá thân thành những linh vật đầy sắc màu, mua vui cho đời.
A.T