Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Số lượng TV 8K bán tại trị trường Việt Nam trong năm 2020 tăng gấp đôi năm ngoái.
Số lượng hãng bán TV 8K ở Việt Nam đã tăng lên năm, trong khi năm ngoái mới có 3 đơn vị. Sony bắt đầu cho người dùng đặt mua TV 8K đầu tiên của hãng, Z8H 85 inch, với giá 263 triệu đồng. Trong tháng 4, TCL cũng trình làng mẫu TV 8K đầu tiên của mình tại Việt Nam, dù trước đó, thương hiệu tới từ Trung Quốc tập trung nhiều vào các dòng TV phổ thông, giá thấp.
TV 8K có độ phân giải màn hình 7.680 x 4.320 pixel với hơn 33 triệu điểm ảnh, nhiều hơn 4 lần so với TV 4K. Ảnh: Tuấn Anh.
Samsung và LG tiếp tục làm dày phân khúc sản phẩm của mình bằng hàng loạt sản phẩm mới. Tính đến tháng 6, Samsung là hãng nhiều TV 8K nhất thị trường với ba dòng sản phẩm khác nhau với 10 model. Trong đó, Q900R được giới thiệu từ 2019, kích thước đa dạng, từ 55, 65, 75 inch cho tới 82 hay 98 inch với giá gần 2 tỷ đồng. Hai mẫu mới được tung ra trong năm nay là Q950TS và Q800T. Sản phẩm của Samsung đều sử dụng màn hình công nghệ QLED.
LG ra mắt TV 8K vào cuối 2019, muộn Samsung, nhưng hiện tại, số lượng TV 8K của hãng này tăng vọt với công nghệ đa dạng dạng hơn. Thương hiệu Hàn Quốc này tung ra TV 8K OLED và LED. Hai model OLED 8K 77 và 88 inch nằm trong dòng XZ series có giá dự kiến từ 490 đến 690 triệu đồng. Dòng Nano95 có kích cỡ và giá bán thấp hơn, dự kiến từ 70 đến 150 triệu đồng, sử dụng công nghệ LED NanoCell với các lựa chọn 55, 65 và 75 inch. Nếu tính cả mẫu SM9900 75 inch giá 200 triệu đồng xuất hiện từ trước, LG có 6 dòng TV 8K khác nhau.
Sharp là thương hiệu duy nhất chưa có TV 8K trong 2020. Tuy nhiên, hãng này vẫn có ba model ra mắt 2019 còn bán trên thị trường. Dòng A1X1 của Sharp có kích thước 60, 70 và 80 inch.
Hiện tại, thị trường Việt Nam có hơn 20 mẫu TV 8K khác nhau, tăng gấp đôi so với cuối năm ngoái.
8K là xu hướng công nghệ chủ đạo của TV năm nay. Tuy nhiên, thị trường vẫn mang tính thăm dò, nhiều model bán theo dạng đặt hàng chứ không có sẵn. Tại các siêu thị điện máy, TV 4K vẫn phổ biến và lấn át về doanh số.
So với năm ngoái, TV 8K năm nay ở Việt Nam đã rẻ hơn 25% nhưng giá vẫn rất cao so với thu nhập trung bình của người Việt Nam. Ví dụ, model 75 inch SM9900 của LG năm ngoái có giá 200 triệu đồng, năm nay model 75 inch Nano95 kích cỡ tương đương có giá 150 triệu đồng. Model 98 inch Q900R của Samsung từng có giá 2,3 tỷ đồng năm ngoái, nay đã xuống 1,7 tỷ đồng.
Hầu hết TV 8K đều hơn trăm triệu đồng, chỉ một số mẫu có giá dưới 100 triệu đồng, nhưng kích thước nhỏ - 55 inch hay 65 inch. Ví dụ, Samsung Q900R 55 inch 48 triệu đồng hay LG Nano95 55 inch 70 triệu đồng - đắt hơn 3 đến 4 lần các model 4K cùng cỡ.
Bên cạnh giá, TV 8K còn hạn chế ở nội dung. Giống giai đoạn chuyển dịch từ TV thường lên TV HD, hay từ TV HD lên TV 4K, nguồn phim 8K rất ít. Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả trên thế giới, các hãng truyền hình đang dừng lại ở công nghệ 4K. 8K còn đang trong kế hoạch thử nghiệm.
Giải pháp khắc phục cho sự thiếu hụt nội dung 8K là sử dụng công nghệ AI và khả năng xử lý của vi xử lý trên TV. Tại triển lãm CES 2020, Samsung đã chứng minh khả năng xử lý ấn tượng của AI Upscaling trên TV 8K thế hệ mới của mình. Cùng một nội dung có độ phân giải HD, Full HD hoặc 4K, TV 8K của Samsung thể hiện hình ảnh trong và nét hơn TV 4K cùng kích thước. Khác biệt này có thể thấy bằng mắt thường. LG và Sony cũng có các giải pháp tương tự.
Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ AI Upscale vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số trang công nghệ lớn như Cnet hay Engadget cho rằng, việc lựa chọn TV 8K trong 2020 vẫn là điều đáng cân nhắc vì số tiền bỏ ra là quá lớn, trong khi công nghệ AI chưa thực sự hiệu quả. Cũng như máy tính cá nhân, TV là thiết bị điện tử mà mọi người thường sử dụng vài năm, nhưng khác biệt và hạn chế ở TV là không thể nâng cấp phần cứng hàng năm. Vì thế, một chiếc TV giá trăm triệu đồng năm nay có thể nhanh chóng lỗi thời về công nghệ, phần mềm ngay năm sau.
Nguồn VNE