PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phòng, chống tác hại của thuốc lá:
Tỷ lệ người hút thuốc lá giảm đáng kể
Thứ sáu: 08:06 ngày 31/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thống kê của ngành Y tế Tây Ninh, có 42% nam giới từ 15 tuổi trở lên hiện đang hút thuốc, nữ 3% và chung cho cả 2 giới là 22,8%. So sánh với kết quả nghiên cứu năm 2018, cho thấy cả 3 tỷ lệ đều giảm rõ rệt.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Những con số “biết nói”

Không khó để bắt gặp những biển “cấm hút thuốc” được treo, dán tại các cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện và nơi công cộng; cũng không khó để thấy hình ảnh nhiều người phì phèo điếu thuốc lá, thậm chí ngay tại biển cấm. Thay vì nhắc nhở, nhiều người lựa chọn đi chỗ khác để tránh khói thuốc. 

Theo Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, kết quả phỏng vấn 2.400 đối tượng (người dân từ 15 tuổi trở lên, 1.200 nam và 1.200 nữ) tại huyện Châu Thành, thị xã Hoà Thành và TP. Tây Ninh; 50 đối tượng là đại diện cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp và quan sát tại 30 địa điểm (cơ quan hành chính, khách sạn, nhà hàng, trường học, cơ sở y tế, địa điểm công cộng), có 42% nam giới từ 15 tuổi trở lên đang hút thuốc, tỷ lệ này ở nữ là 3%, chung cả 2 giới là 22,8%. So sánh với kết quả nghiên cứu tại Tây Ninh năm 2018 lần lượt là 50,7%, 4,1% và 28,66%, cho thấy cả 3 tỷ lệ đều giảm rõ rệt. Có 31,4% nam giới hút thuốc hằng ngày, nữ giới 1,8%, trong khi những người không làm việc hút thuốc lá lại chiếm tỷ lệ cao nhất - 13%. Bên cạnh đó, có 2,3% người từ 15 tuổi trở lên đã từng sử dụng thuốc lá điện tử và 0,9% người đang sử dụng thuốc lá điện tử.

Nghiên cứu cũng cho thấy, có 57,5% đối tượng có khả năng phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc, trong nhà; khả năng phơi nhiễm khói thuốc thụ động cao nhất chiếm 87,5% tại khu vực quán bar, vũ trường; 82,4% ở môi trường quán cà phê, giải khát; 94,4% người không hút thuốc tin rằng khi hít phải khói thuốc của người khác có khả năng mắc các bệnh lý nghiêm trọng và hút thuốc lá có liên quan đến các bệnh ung thư phổi, đau tim, đột quỵ... Mặc dù các chỉ số đều có sự cải thiện nhưng tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá tại các địa điểm công cộng vẫn còn cao.

Theo thống kê trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi, trong đó có 13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái đang hút thuốc lá, riêng khu vực Đông Nam Á có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên.

Tại Việt Nam, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ước mỗi năm trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% (47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13 đến 15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.

Mặc dù vậy, tỷ lệ nghịch với thành tích này là số người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ ngày càng gia tăng nhanh. Thống kê từ năm 2019-2023, người trẻ ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6%- 8,1%, riêng nhóm 13-15 tuổi tăng 3,5% (năm 2022) lên 8% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành nước ta hiện giảm xuống còn gần 39%, dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Nhân rộng mô hình điểm “Bệnh viện không thuốc lá”

Trước những tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, những năm qua, Ban Chỉ đạo PCTH thuốc lá của tỉnh triển khai nhiều hoạt động và đã có những bước tiến trong công tác phòng chống, giảm thiểu tác hại của thuốc lá. 

Bác sĩ Vũ Gia Phương- Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, khi Luật PCTH thuốc lá ra đời và có hiệu lực từ ngày 1.5.2013, Tây Ninh đã thành công ở bước đầu mô hình tuyên truyền, vận động trong công tác PCTH thuốc lá. Từ mô hình điểm “Bệnh viện không thuốc lá” tại Trung tâm Y tế huyện Tân Biên năm 2018, thường trực BCĐ tỉnh đã phát động nhân rộng đến 100% các cơ sở y tế thực hiện. Đến nay, hầu hết các cơ sở y tế đều thực thi nghiêm Luật PCTH thuốc lá, không hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị. 

Song song đó, các cơ sở y tế đã đưa nội dung, kế hoạch hoạt động PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, tổ chức ký cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc đối với cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; niêm yết công khai các biển “cấm hút thuốc” (tiếng Việt và tiếng Anh) tại các khoa, phòng; xây dựng các biện pháp chế tài bằng văn bản theo quy định...

Hiện tỷ lệ hút thuốc lá ở lứa tuổi thanh thiếu niên còn nhiều.

Giai đoạn 2015-2022, được sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, công tác truyền thông, phổ biến pháp luật được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, nhiều hoạt động PCTH thuốc lá tại địa phương được thực hiện có nề nếp, ý thức và nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá ngày càng nâng cao về tự bảo vệ sức khoẻ, hạn chế hút thuốc lá ở nhà và nơi làm việc. Đây cũng là một trong những thuận lợi lớn góp phần thành công vào công tác triển khai Luật PCTH thuốc lá tại địa phương. Hiện nhiều cán bộ cơ quan Nhà nước đã bỏ được thuốc lá, nhất là người có độ tuổi 45 trở lên, vì vậy có sức lan toả cho việc vận động cai thuốc lá với người đang hút. Tiêu chí không hút thuốc lá trong nhà nhiều năm qua đã được một số địa phương đưa vào vận động xây dựng nông thôn mới, khu phố văn hoá…

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng nhận định khó khăn, thách thức, hiện những người hút thuốc ở Tây Ninh không được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ để cai nghiện thuốc lá; tình trạng hút thuốc nơi công cộng còn phổ biến, tỷ lệ từ bỏ sử dụng thuốc lá còn thấp, việc xử lý vi phạm hành chính chưa triệt để…; trong khi việc tư vấn cai nghiện không phải là mối quan tâm của hầu hết những người làm công tác chăm sóc sức khoẻ hiện nay.

Mặt khác, ngoài thói quen hút thuốc lá nơi công cộng, việc mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng, phổ biến, đặc biệt khi bán thuốc lá cho người chưa đủ tuổi; nhiều nơi chưa thực hiện được môi trường không khói thuốc lá. Đối với một số người, việc hút thuốc lá đã trở thành thói quen khó bỏ nên việc vận động bỏ thuốc lá cần nhiều thời gian hơn. Thống kê của ngành Y tế, hiện tỷ lệ hút thuốc lá ở Tây Ninh còn cao, thanh thiếu niên hút thuốc lá còn nhiều, đặc biệt, một số thanh thiếu niên đua đòi hút thuốc lá điếu, lào, shisha...

Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá thì cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Trên thực tế, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá ở những nơi không được phép như cơ quan Nhà nước, cơ sở y tế, bến xe - tàu, trường học...

Bên cạnh ý thức của bản thân ngưới hút thuốc lá, đa số ý kiến cho rằng việc thực hiện  Luật PCTH thuốc lá còn gặp khó khăn trong việc triển khai giám sát và xử lý chế tài người vi phạm luật, các hoạt động kiểm tra, giám sát và báo cáo thường được thực hiện tốt tại các cơ quan, đơn vị, công ty định kỳ.

Việc giám sát, xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại nơi công cộng chưa thực hiện thường xuyên, chỉ dừng lại việc nhắc nhở; việc xử phạt chưa được thực hiện nghiêm sẽ khó từ bỏ thói quen hút thuốc lá những nơi quy định cấm. Trong thực tế, số người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bất chợt; để xử phạt được phải bắt tận tay. Trong khi đó, lực lượng có quyền xử phạt rất mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc nên khó thường xuyên theo dõi, xử phạt triệt để. 

Ngày Thế giới không thuốc (World No Tobacco Day - WNTD) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng vào năm 1987 và chọn ngày 31.5 hằng năm nhằm khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc, nâng cao sức khoẻ cộng đồng cư dân toàn cầu. Năm nay, với thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31.5.2024 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục