Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
UB.MTTQVN tỉnh: Giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2018-2020
Thứ hai: 15:15 ngày 28/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đoàn giám sát của UB.MTTQVN tỉnh do ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND huyện Trảng Bàng và huyện Dương Minh Châu trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2018-2020.

Tham gia đoàn giám sát có bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, ông Hồ Văn Khanh- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, bà Nguyễn Kiêm Phượng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT).

Tiếp và làm việc với đoàn tại huyện Trảng Bàng có ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND huyện và tại huyện Dương Minh Châu có ông Phạm Văn Tính- Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Phó Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh Hồ Đức Hải phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND huyện Dương Minh Châu.

Theo kết quả rà soát năm 2019, huyện Dương Minh Châu có 445 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,35%, so với năm 2018 thì tỷ lệ giảm nghèo 0,35%, đạt chỉ tiêu do Nghị quyết đề ra (0,3%/năm); huyện Trảng Bàng có 563 hộ nghèo, chiếm 1,63% đến năm 2019, tỷ lệ giảm nghèo năm 2019 so với năm 2018 là 0,47%. Trong đó có 193 hộ (Tràng Bàng 103, Dương Minh Châu 90) là hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội, neo đơn, bệnh tật,... được xếp vào nhóm hộ không có khả năng thoát nghèo. Đối với nhóm hộ này, theo bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, Sở đang tổ chức lấy ý kiến, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ riêng.

Các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, từ an sinh xã hội đến hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế, hỗ trợ tín dụng ưu đãi.

Từ năm 2015, khi thực hiện phương pháp tiếp cận đo lường hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều với 5 nhóm dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; ngay từ đầu giai đoạn, UBND các huyện thực hiện đồng bộ chính sách góp phần tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ổn định cuộc sống cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2018 đến 9 tháng 2019, UBND huyện Dương Minh Châu hỗ trợ 2.351 thẻ BHYT, vận động xã hội hoá giúp 17.496 lượt người nghèo khám chữa bệnh, kinh phí trên 2 tỷ đồng; UBND huyện Trảng Bàng cấp 2.999 thẻ BHYT; các huyện hỗ trợ tiền điện cho 4.087 lượt hộ nghèo, kinh phí trên 1 tỷ đồng.

Chính sách giảm nghèo về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập là chủ trương lớn của đảng, nhà nước hướng đến tính ổn định lâu dài, vừa có tác động trong công tác giảm nghèo, vừa đóng góp nguồn nhân lực lao động cho xã hội. Các năm học 2018-2019, 2019-2020, UBND các huyện thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng đối tượng cho học sinh, sinh viên nghèo tham gia học tập, trong đó, huyện Dương Minh Châu miễn, giảm học phí cho 313 em, hỗ trợ chi phí học tập 634 em với kinh phí gần 300 triệu; Trảng Bàng hỗ trợ miễn giảm học phí cho 84 học sinh, sinh viên, hỗ trợ chi phí học tập 143 em. Ngoài ra, vận động mạnh thường quân ủng hộ, cấp 1.539 suất học bổng, 450 quyển tập cho các em học sinh trị giá hơn 840 triệu đồng.

Cùng với hỗ trợ trong học tập, vấn đề đào tạo nghề ở nông thôn thực hiện theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm UBND huyện tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, mở các lớp nghề nông nghiệp (cạo mủ cao su, trồng rau, nuôi bò, gà,..), phi nông nghiệp (lái xe, thủ công kỹ nghệ,..). Tuy nhiên, chỉ có 7 học viên thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn huyện Trảng Bàng tham gia học nghề với nguyên nhân do hộ nghèo thiếu việc làm, đa số là những hộ bệnh tật, ngoài tuổi lao động không đủ điều kiện tham gia học nghề.

Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được rà soát, thực hiện có hiệu quả. Lãnh đạo UBND các huyện chỉ đạo phòng LĐTB&XH phối hợp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện khảo sát, hỗ trợ xây, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong 2 năm 2018-2019, địa phương các cấp xây 318 căn nhà trị giá trên 17,9 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau để xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà nhân ái, nhà mái ấm tình thương, mái ấm công đoàn, nhà đồng đội, mái ấm khăn quàng đỏ,...

Đến nay, việc hỗ trợ nhà ở cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, chỉ còn lại một số ít hộ đang ở nhà tạm (2 hộ ở Trảng Bàng), hộ nghèo phát sinh do tách hộ (4 hộ ở DMC, có 1 hộ dân tộc) cần được rà soát, xem xét hỗ trợ trong thời gian tới. Khó khăn trong thực hiện chính sách về nhà ở hiện nay là các huyện còn một số trường hợp hộ nghèo không có đất, có nhu cầu về nhà ở chưa được hỗ trợ (Trảng Bàng 3 hộ, DMC 11 hộ) nhưng chưa xây dựng được phương án hỗ trợ.

Bên cạnh việc hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, đòi hỏi người nghèo phải tiếp cận được nguồn vốn. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay người dân được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay, Ngân hàng CSXH huyện Trảng Bàng, Dương Minh Châu đã cho 46.678 lượt hộ nghèo vay vốn để giải quyết các vấn đề phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, nước sạch, tín dụng học sinh, sinh viên với tổng vốn trên 57,9 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Dương Minh Châu.

Ông Hồ Văn Khanh-Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh thông tin thêm, tới đây mức vốn vay hộ nghèo, cận nghèo tăng từ 50 triệu lên 100 triệu đồng, đồng thời kéo dài thời hạn cho vay từ 10 năm lên 12 năm; do đó, về phía Ngân hàng CSXH tỉnh luôn đảm bảo các nguồn vốn vay theo quy định, đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, hệ thống Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay uỷ thác qua các tổ chức chính trị-xã hội đã kịp thời tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận vốn, tham gia sản xuất.

Chung tay thực hiện chương trình giảm nghèo, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội đã tích cực triển khai nhiều mô hình, cách làm hay như: MTTQ thực hiện Đề án 01 hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo; Hội LHPN phát động phong trào góp vốn xoay vòng cho hội viên phụ nữ nghèo hỗ trợ hội viên phụ nữ góp vốn xoay vòng, nuôi dưỡng hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chương trình sinh kế của Câu lạc bộ phụ nữ tỉnh; Hội Nông dân phát động phong trào nông dân sản xuất giỏi, hỗ trợ cây giống, con giống thực hiện các dự án nuôi cá lóc, nuôi baba, trồng rau đạt tiêu chuẩn an toàn; Tỉnh đoàn thực hiện hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên thoát nghèo; mạnh thường quân trong, ngoài tỉnh ủng hộ xây nhà, trao quà cho hộ nghèo nhân dịp lễ, tết...

UBND các huyện cũng nêu lên một số hạn chế trong công tác giảm nghèo và có những kiến nghị như: các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn chưa thu hút được lực lượng lao động thuộc hộ nghèo tham gia, đa số ngành nghề đào tạo ngắn hạn, không đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh nên tỷ lệ tham gia thị trường lao động thấp; việc áp dụng chính sách giảm nghèo đồng bộ trên tất cả các đối tượng là chưa phù hợp, chưa sát với điều kiện, năng lực và nhu cầu khác nhau của từng nhóm đối tượng; mức hỗ trợ vốn phát triển sản xuất còn thấp, nguồn lực địa phương hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao, hộ nghèo không tái đầu tư sản xuất được nên khả năng thoát nghèo giảm; Ban Chỉ đạo giảm nghèo được thành lập ở cấp huyện, cấp xã đầy đủ, đảm bảo thành phần nhưng chưa được quan tâm đúng mức, sự phối hợp chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; một số hộ thuộc nhóm không có khả năng thoát nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách của nhà nước, không phấn đấu lao động vươn lên thoát nghèo.

Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, Phó Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh Hồ Đức Hải ghi nhận kết quả mà UBND huyện Trảng Bàng, huyện Dương Minh Châu đạt được trong thời gian qua; vai trò, trách nhiệm của UBND các huyện, xã trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh được thể hiện rõ. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, Phó Chủ tịch UB.MTTQVN tỉnh đề nghị UBND 2 huyện cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, của tỉnh, huyện về công tác giảm nghèo; tăng cường phối hợp trong công tác giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo; tiếp tục tăng cường vận động cá nhân, tổ chức chung tay thực hiện chương trình giảm nghèo; vừa thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo, vừa hạn chế mức thấp nhất tình trạng tái nghèo cũng như phát sinh nghèo mới...

Trước đó, Đoàn tiến hành khảo sát, nắm tình hình việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020 đối với UBND các xã Đôn Thuận, Hưng Thuận (huyện Trảng Bàng) và xã Phước Ninh, Phước Minh (huyện Dương Minh Châu); những ý kiến phản ánh, kiến nghị của cơ sở đã được Đoàn trao đổi với lãnh đạo UBND huyện đề kịp thời hướng dẫn và xem xét, thống nhất đưa vào phần kiến nghị các cấp, các ngành.

Nguyễn Phượng

Tin cùng chuyên mục