Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 26.5, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 5.2021, cho ý kiến các nội dung quan trọng liên quan đến lĩnh vực kinh tế- xã hội. Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến chủ trì phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu kết luận về các nội dung được trình ra tại phiên họp.
Tham dự phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 5. 2021 còn có ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành tỉnh.
Tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo dự thảo Tờ trình ban hành Kế hoạch phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này nhằm đồng bộ, kết nối kênh thuỷ lợi nội đồng có diện tích tưới nhỏ hơn 50 ha với công trình thuỷ lợi hiện có, gắn với tiêu chí 3- thuỷ lợi trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu.
Trong đó, đầu tư công lĩnh vực thuỷ lợi giai đoạn 2021-2025 có 22 dự án, tổng mức đầu tư 2.634,6 tỷ đồng; phấn đấu đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh đầu tư hoàn chỉnh 232 công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng.
Trong quá trình thực hiện cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng để kết nối hệ thống công trình thuỷ lợi hiện có, đáp ứng nhu cầu cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại biểu tham dự phiên họp đề nghị rà soát, đánh giá thực trạng lấn chiếm kênh gây ngập úng; quản lý hồ sơ các tuyến kênh chưa chặt chẽ; sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong giải quyết tình trạng lấn chiếm kênh chưa tốt; thiết kế tuyến kênh hạn chế sử dụng đất, kinh phí, đồng thời đánh giá lại hiệu quả của tuyến kênh trong nội thị...
Đối với dự thảo Tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến và quy định khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, động vật khác trên địa bàn tỉnh, dự kiến tháng 10.2021 sẽ trình HĐND tỉnh với mục tiêu xây dựng các quy định có tính thống nhất, ổn định lâu dài trên địa bàn toàn tỉnh, phù hợp với sự phát triển các ngành, lĩnh vực, từng bước phát triển chăn nuôi gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để cho các địa phương và các cơ quan chức năng áp dụng trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đặc biệt là ở các khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư.
Nội dung này nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu như: Dự thảo cần làm rõ các quy định về khu vực không được phép chăn nuôi, không được phép chăn nuôi trang trại. Đây là Nghị quyết có tác động lớn đến người dân nên cần có sự phản biện của Mặt trận Tổ quốc, tính dài lâu và hướng xử sý những phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
Kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất nội dung dự thảo, yêu cầu Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo; quy trình thực hiện phải chặt chẽ; lấy ý kiến người dân để có quyết sách phù hợp.
Về việc công nhận kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2020 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, có 9 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm hạng 4 sao, bao gồm bánh tráng siêu mỏng của Công ty TNHH Tân Nhiên (thị xã Hoà Thành) và dưa lưới của Công ty TNHH MTV nông sản Hoàng Xuân (thị xã Trảng Bàng); 7 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, gồm: bánh tráng phơi sương, rau rừng tổng hợp, muối ớt, muối ớt tôm, muối chay, muối tôm, dế sấy bơ tỏi. Việc đánh giá, công nhận này có giá trị trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày có quyết định.
Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, thống nhất theo nội dung dự thảo tờ trình, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát để bảo đảm sản phẩm được công nhận đúng các tiêu chí.
Hiệu quả hệ thống kênh tiêu đầu tư thời gian qua là vấn đề các đại biểu đặt ra tại phiên họp. Trong ảnh: Hệ thống kênh tiêu tại xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu (Ảnh minh hoạ).
Cũng tại phiên họp, Sở Tài chính trình dự thảo Quyết định ban hành Đề án huy động nguồn lực đầu tư phát triển tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi các đại biểu đóng góp, Chủ tịch UBND tỉnh đồng thuận với nội dung đề án được trình ra; yêu cầu Sở Tài chính tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để khi đề án được ban hành có tính khả thi.
Sở Tư pháp trình dự thảo Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh với mục tiêu thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải các công việc cho cơ quan Thi hành án dân sự, hỗ trợ tích cực cho Toà án trong công tác giải quyết án, góp phần trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại 5 địa phương, gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng và các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu. Giai đoạn 2026 về sau, tiếp tục mở tại các địa phương còn lại, tối đa không quá 1 văn phòng Thừa phát lại. Riêng thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và Trảng Bàng, mỗi địa phương thành lập tối đa không quá 2 văn phòng.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đề án thực hiện theo quy định pháp luật. UBND tỉnh thống nhất với dự thảo đề án, đồng thời yêu cầu Sở Tư pháp tiếp thu ý kiến, tham mưu có quy chế quản lý giám sát hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương.
Tấn Hưng