Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa có văn bản hướng dẫn tạm thời về việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhằm chủ động ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
“Vùng xanh” được thiết lập trên địa bàn phường 2, TP. Tây Ninh. Ảnh: Tâm Giang
Theo UBND tỉnh, “vùng xanh” có thể được thiết lập trên phạm vi một xã hoặc một số xã, phường, thị trấn liền kề hoặc phạm vị ấp, khu phố, liên ấp, khu phố, tổ dân cư. Tuy nhiên trong “vùng xanh” phải được phân chia thành những khu vực giới hạn phân luồng giao thông của các phương tiện được phép lưu thông thông suốt (gọi tắt là khu vực). Mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân phải bảo đảm nguyên tắc 5K.
Để thiết lập “vùng xanh”, chính quyền địa phương phải ban hành, niêm yết quy định đối tượng ra, vào khu vực; những đối tượng không được vào khu vực, cụ thể:
+ Người lưu trú trong khu vực “vùng xanh” được ra vào, đi công tác, làm việc nhưng phải đảm bảo nguyên tắc 5K; người đang lưu trú ở “vùng xanh” không đến khu vực vùng vàng, vùng đỏ hoặc khu vực đang bị cách ly, phong tỏa;
+ Người từ vùng khác vào “vùng xanh” chỉ trong trường hợp cần thiết hoặc cung cấp hàng hóa thiết yếu và phải bảo đảo 5K và không được lưu trú lại vùng xanh;
+ Các đối tượng tuyệt đối không được vào: F1, F2, người đến từ các vùng đang bị cách ly, phong tỏa không được vào khu vực “vùng xanh” .
Người dân phải chấp hành yêu cầu, thông báo của lực lượng thi hành công vụ, không được chứa chấp, cho lưu trú đối với người từ bên ngoài vào “vùng xanh” mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;
Lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ nội quy đã ban hành; vận động nhân dân phản ánh các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Ngoài ra, địa phương cũng cần phải có quy định xác nhận cho người trong “vùng xanh” để có thể đi lại các “vùng xanh” khác.
Về cơ chế quản lý, địa phương phải thiết lập các chốt kiểm soát 24/24 giờ khu vực tiếp giáp giữa vùng xanh và vùng khác. Các chốt này chủ yếu là lực lượng tại chỗ, gồm: Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, người dân và hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương.
Nhiệm vụ của các chốt là quản lý, kiểm soát ra vào, nhắc nhở, báo cáo cơ quan chức năng xử lý trường hợp vi phạm quy định trong “vùng xanh”; đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm và cung ứng, phân phối trong khu vực thuộc “vùng xanh” khi cần thiết.
UBND xã (phường, thị trấn) thành lập ít nhất 1 Tổ phản ứng nhanh để cơ động giải quyết kịp thời những trường hợp liên quan đến trợ giúp y tế, xử lý các trường hợp gây mất an ninh trật tự. Thành viên phải có lực lượng công an, y tế và dân quân tự vệ, trật tự đô thị... Mỗi “vùng xanh” thiết lập đường dây nóng gồm số điện thoại của thành viên Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng và thông báo rộng rãi để người dân trong vùng biết liên hệ khi cần.
Trong “vùng xanh”, mỗi người dân có trách nhiệm tự quản, giữ gìn và bảo vệ “vùng xanh” an toàn. Người dân cư trú trong “vùng xanh” được trao đổi hàng hoá thiết yếu, bảo đảm yêu cầu 5K, không trao đổi hàng hoá thiết yếu đối với khu vực đang là “vùng đỏ”, “vùng cam” và khu vực đang cách ly, phong tỏa; đi chợ theo phiếu do chính quyền cơ sở cấp.
Trong “vùng xanh”, cư dân phải được xét nghiệm định kỳ theo quy định của ngành y tế hoặc khi có yếu tố dịch tễ. Trường hợp có người nghi nhiễm trong khu vực phải nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa và đưa người nghi nhiễm cùng những người tiếp xúc với người nghi nhiễm đi cách ly bên ngoài “vùng xanh”.
Hy Uyên