Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 13.1, Đoàn công tác Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) do ông Peter Kompalla– Trưởng Đại diện AHK Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh về phát triển đầu tư tại tỉnh Tây Ninh.
Tiếp và làm việc với đoàn có ông Trần Văn Chiến– Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Tại buổi làm việc, ông Kiều Công Minh– Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và FDI đầu tư tại Tây Ninh. Năm 2024 được tỉnh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực được tỉnh tập trung thực hiện.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 đạt được một số kết quả nổi bật. Tây Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 818 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 8.468 tỷ đồng. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 8.786 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 207.356 tỷ đồng.
Ông Kiều Công Minh thông tin thêm, quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành kèm theo Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển, là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.
Để thực hiện được mục tiêu này, Quy hoạch tỉnh xác định 7 đột phá phát triển của tỉnh gồm: phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển thể chế; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; phát triển du lịch; phát triển kinh tế dịch vụ. Quy hoạch tỉnh cũng xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.
Do đó, Tây Ninh luôn sẵn sàng các điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có thể đầu tư, triển khai các dự án tại Tây Ninh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, hoạt động và phát triển tại tỉnh. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành tỉnh tích cực kết nối, trao đổi và cung cấp các thông tin đầu tư mà các doanh nghiệp quan tâm.
Tỉnh Tây Ninh có một số định hướng mời gọi đầu tư về lĩnh vực hạ tầng gồm đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, trung tâm logistics cảng ICD. Lĩnh vực khu công nghiệp gồm: hạ tầng Khu công nghiệp Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, quy mô 500ha; hạ tầng Khu công nghiệp Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, quy mô khoảng 2.765ha; khu đô thị - công nghiệp trong Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài. Ngoài ra, tỉnh mời gọi đầu tư phát triển đô thị mới theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án tổ hợp sân golf tại Gò Dầu.
Ông Peter Kompalla– Trưởng Đại diện AHK Việt Nam bày tỏ ấn tượng với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh Tây Ninh. Việt Nam đã ký kết với Châu Âu các hiệp định thương mại tự do và đây chính là lợi thế của Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trong thu hút đầu tư. Đặc biệt, các doanh nghiệp Đức cũng rất quan tâm về thu hút đầu tư của tỉnh. Vì vậy, buổi làm việc hôm nay sẽ giúp Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam hiểu rõ hơn các tiềm năng, thế mạnh, những thông tin quan trọng của tỉnh để truyền đạt tới các doanh nghiệp Đức.
Các doanh nghiệp Đức đều mong muốn được hợp tác, đầu tư lâu dài và rất quan tâm đến các nội dung chính khi đầu tư về tỉnh đó là: nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dịch vụ công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến thông tin với Đoàn công tác tình hình thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 530 triệu USD, trong đó cấp mới cho 35 dự án với vốn đầu tư 216 triệu USD. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 391 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với vốn đăng ký 10.102 triệu USD, trong đó 246 dự án đang hoạt động với số vốn 7.932 triệu USD.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 dự án của 2 doanh nghiệp Đức đang hoạt động kinh doanh, tổng số vốn đầu tư đăng ký 70,45 triệu USD, cụ thể: Công ty TNHH Fischer Production thực hiện dự án nhà máy sản xuất dụng cụ sửa chữa tường Fischer Production với tổng số vốn đầu tư 11,45 triệu USD (Khu công nghiệp Phước Đông).
Công ty TNHH Transasia Tantec thực hiện dự án nhà máy sản xuất da Transasia Tantec với tổng số vốn đầu tư 59 triệu USD (Khu công nghiệp Thành Thành Công).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến khẳng định, Tây Ninh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức đến nghiên cứu, hợp tác, đầu tư về tỉnh. Tỉnh đang liên kết với các Trường Đại học đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dịch vụ công để phục vụ cho doanh nghiệp đến đầu tư và phát triển tại Tây Ninh.
Nhi Trần