Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ứng dụng 4.0 trong công tác phòng, chống cháy rừng
Thứ hai: 07:18 ngày 17/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian gần đây, một số ban quản lý rừng trong tỉnh đã đầu tư trang thiết bị hiện đại vào công tác phòng chống cháy rừng (PCCR). “Bước nhảy” về khoa học kỹ thuật này là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tháp bảo vệ rừng ở Tiểu khu 38-41 của Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng được trang bị hệ thống camera hiện đại.

Qua rồi thời leo lên đọt cây quan sát rừng

Trước Trạm bảo vệ rừng ở ấp Con Trăn, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, hiện còn “chứng tích” của một thời leo lên ngọn cây quan sát PCCR. Đó là một cây dầu tà ben, có hai tượt thẳng đứng, cao khoảng 10m, thường gọi là cây dầu đôi. Trên hai thân cây này, nhân viên bảo vệ rừng đóng 15 thanh gỗ ngang, tạo thành những nấc thang để leo từ gốc đến ngọn cây. Cuối những nấc thang là hai thanh gỗ khác, bắc ngang, dùng làm nơi ngồi để quan sát PCCR vào mùa khô.

Ông Lê Xuân Định, nhân viên Đội bảo vệ và phát triển rừng ấp Con Trăn, thuộc Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, huyện Tân Châu, có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với lâm nghiệp. Ông Định nhớ lại hơn 10 năm trước, mỗi khi muốn quan sát rừng từ trên cao, anh em trong đội phải thay phiên nhau leo lên cây dầu đôi, dùng ống nhòm quan sát giáp vòng rừng, nếu phát hiện nơi nào có cháy rừng thì thông báo cho anh em đến xử lý.

“Khi ngồi trên đọt cây, chúng tôi sử dụng một dây đai giống như nhân viên điện lực thường hay dùng khi trèo lên cột điện, quấn quanh người cho an toàn. Người nào mạnh dạn mới dám leo lên đó, vì trên cao gió rung lắc, rất nguy hiểm”- ông Định nhớ lại.

Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng do chiều cao của cây dầu đôi có hạn nên tầm quan sát bị hạn chế, không thể quan sát rộng hết cả cánh rừng. Vì vậy, những năm qua, có xảy ra một số vụ cháy rừng nhưng không phát hiện sớm được. Năm 2014-2015, nơi đây được cấp trên đầu tư xây dựng một tháp quan sát rừng bằng bê tông xi măng vững chắc, với chiều cao 33m.

Một trong những tháp bảo vệ rừng của Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng hiện nay.

“Từ khi có tháp quan sát, công tác PCCR hiệu quả hơn, nhân viên bảo vệ rừng leo lên tháp quan sát khá rõ, khi có khói mới chớm bốc lên ở vị trí nào, anh em đều nhìn thấy”- ông Định kể tiếp.

Mặc dù đã có tháp khá cao nhưng nhân viên bảo vệ rừng vẫn phải sử dụng ống nhòm theo kiểu thủ công để quan sát, do đó, công tác PCCR vẫn chưa được bảo đảm tốt nhất.

Năm 2024, Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng được cấp trên đầu tư lắp đặt hệ thống camera tự động vào công tác bảo vệ rừng. Nhân viên bảo vệ rừng, lãnh đạo Ban quản lý rừng không cần phải leo lên tháp quan sát mà theo dõi qua máy vi tính hoặc điện thoại di động, cách khu rừng hàng chục cây số vẫn có thể biết được hiện trạng rừng ra sao.

Anh Nguyễn Minh Dũng, công tác ở Đội bảo vệ và phát triển rừng ấp Con Trăn, phụ trách mãng kỹ thuật, giải thích thêm về hoạt động của hệ thống camera trong công tác bảo vệ rừng: “Camera này có ưu điểm tự động xoay 360 độ. Khi phát hiện có khói trong rừng, nhân viên bảo vệ rừng có thể zoom (phóng to) hình ảnh để biết được đám cháy xảy ở vị trí nào, quy mô cháy ra sao. Từ đó, triển khai phương án chữa cháy hiệu quả nhất”.

Hệ thống camera này còn có một số ưu điểm khác như: thời gian lưu trữ hình ảnh dài tới 17 ngày; nếu trời trong xanh, có nắng, camera có thể cho hình ảnh tốt trong bán kính 15km; lấy nét rất nhanh, độ nét cao, khi zoom cận cảnh, hình ảnh không bị vỡ. Camera được kết nối về Ban quản lý rừng và chia sẻ hình ảnh đến các điện thoại di động cầm tay.

“Qua hai năm ứng dụng hệ thống camera, công tác PCCR được bảo đảm rất tốt, giúp phát hiện sớm các vụ cháy, từ đó kịp thời ngăn cản nên không gây thiệt hại lớn”- anh Dũng nói.

Ban quản lý rừng quan sát tình hình rừng qua hệ thống camera.

“Bước nhảy” trong công tác PCCR

Ông Phạm Chí Trung- Giám đốc Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho hay, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tổng cộng 4 tháp canh lửa được bố trí ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như sóc Con Trăn, suối Bà Chiêm, cầu Sa Cá và Tiểu khu 38-41.

Các tháp này đều cao 33m, vượt tầm chiều cao của cây rừng. Trong đó, 2 tháp canh lửa sóc Con Trăn và suối Bà Chiêm được đầu tư hệ thống camera 360 độ. Hai tháp canh lửa còn lại, chưa trang bị hệ thống camera, nhân viên bảo vệ rừng phải trực tiếp đứng trên tháp canh, dùng ống nhòm quan sát rừng. Trong thời gian cao điểm, các tháp canh lửa này được duy trì trực 24/24 giờ/ngày.

Ông Trung nhận xét, nhờ các tháp canh lửa và hệ thống camera hiện đại hoạt động tốt, từ đầu mùa khô đến nay, Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng chưa xảy ra vụ hoả hoạn nào đáng kể. Nếu có xảy ra cháy cũng được phát hiện kịp thời và dập tắt ngay, không xảy ra thiệt hại lớn.

Tuy nhiên, vì địa bàn quản lý rộng, địa hình chia cắt, nhiều khu dân cư sống ven rừng, gần rừng nên các hoạt động, tác động tiêu cực vào rừng là rất lớn. Tình hình phát phá, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất; khai thác trộm cắp lâm sản (lấy củi, chặt le trong mùa khô...), ít nhiều gây khó khăn cho công tác PCCC rừng của đơn vị. Vì thế, thời gian tới, Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng sẽ trình cấp trên xây dựng bổ sung thêm 2 tháp canh lửa nữa để phủ kín tất cả diện tích cần phải quan sát.

Ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có 6 tháp quan sát rừng, trong đó có tháp canh lửa ở trảng Tà Nốt được trang bị hệ thống camera, các tháp còn lại chủ yếu quan sát bằng bằng mắt thường. Ông Nguyễn Minh Cường- Phó Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát cho hay, trong đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), sắp tới, Ban giám đốc Vườn sẽ nghiên cứu, có thể ứng dụng thêm các công nghệ mới như thiết bị bay không người lái, hay camera giám sát để hỗ trợ công tác PCCCR.

Đến nay, các khu rừng quy mô lớn của tỉnh đều thực hiện tốt công tác PCCR, đặc biệt những ngày qua, trên địa bàn tỉnh ta và nhiều tỉnh thành khác xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa, giúp dịu mát không khí nắng nóng ở rừng.

Tháp canh lửa ở trảng Tà Nốt thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát được trang bị camera hỗ trợ trong công tác PCCR

Tuy nhiên, mùa khô còn kéo dài, thời tiết diễn biến phức tạp. Ông Tạ Văn Tính- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh đề nghị, các ban quản lý rừng không được chủ quan, lơ là trong công tác bảo vệ rừng và PCCR, khuyến cáo người dân không được sử dụng lửa trong rừng, trong các tháng cao điểm mùa khô, những người không có không phận sự, không được ra vào rừng. Nếu có xảy ra cháy rừng, đề nghị các ban quản lý rừng phối hợp chính quyền địa phương, những cơ quan trú đóng trên địa bàn để thực hiện công tác chữa cháy rừng.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào công tác PCCR, sự quyết tâm của các ban quản lý rừng, nhân viên bảo vệ rừng, chính quyền địa phương và các đơn vị trú đóng trên địa bàn có rừng, hy vọng mùa khô năm 2025 số vụ cháy rừng sẽ giảm và mức độ thiệt hại cũng giảm so với những năm trước.

Đại Dương - Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục