Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ứng dụng CNTT vào nông nghiệp: Nguồn lợi bền vững cho doanh nghiệp
Thứ ba: 11:52 ngày 04/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào nông nghiệp (NN) được xem là đem lại những hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội so với sản xuất NN truyền thống.

Qua kinh nghiệm của Israel, Nhật Bản và thực tế tại Việt Nam, có thể thấy việc phát triển NN ứng dụng công nghệ cao (CNC) ở nước ta còn chậm do nhiều bất cập.


Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp xanh tại Nhật Bản. (Nguồn: vneconomictimes)

Điều kiện tiên quyết

Mô hình áp dụng CNTT vào NN được nhắc nhiều trên thế giới, nhất là ở Isarel và Nhật Bản – những quốc gia đã làm nên điều kỳ diệu về nền NN xanh CNC.

Có diện tích rất nhỏ, trên 20.000km2, nhưng Israel lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực NN và công nghệ nước. Chỉ với 2,5% dân số làm NN nhưng Israel là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, khoảng trên 3 tỷ USD. Nếu như năm 1955, mỗi nông dân Israel nuôi được trung bình 15 người, đến nay mỗi nông dân có thể nuôi được hơn 150 người khác.

Tính riêng trong lĩnh vực trồng trọt, quốc gia có 2/3 diện tích lãnh thổ là sa mạc này đã có năng suất tăng vượt trội nhờ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Hầu như toàn bộ các khâu từ canh tác đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ hiện nay ở Israel đều được áp dụng CNTT.

Theo đó, một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối mạng, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa sẽ giúp nông dân biết vườn cây nào cần bón phân gì, số lượng bao nhiêu, diện tích nào cần tưới nước, tưới bao nhiêu là vừa. Căn cứ vào các dữ liệu đó, máy tính sẽ cho nông dân biết cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu nào và mọi hoạt động đều được điều khiển thông qua các thiết bị thông minh.

Còn Nhật Bản, với lợi thế phát triển về công nghiệp điện tử, Nhật Bản đã áp dụng CNTT trong rất nhiều công đoạn sản xuất NN. Đơn cử như Hệ thống định vị toàn cầu, lắp đặt các thiết bị GPS để tiếp nhận thông tin truyền qua vệ tinh của các máy kéo, máy liên hợp và máy móc thiết bị NN khác, đã giúp hoạt động canh tác NN được vận hành chính xác. Mạng lưới cảm biến được sử dụng để đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, carbon dioxide hay những yếu tố cần thiết giúp phát triển tốt nhất một số cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu.

Nhằm giúp người nông dân có thể tiếp thị sản phẩm một cách chủ động, Nhật Bản cũng xây dựng hệ thống điều hành thương mại nông sản điện tử giúp cho việc phân phối nông sản, giám sát và phân tích thị trường được nhanh chóng, chính xác và khoa học.


Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Israel. (Nguồn: israel21c)

Việc ứng dụng CNTT là điều kiện tiên quyết để quản lý hiệu quả tất cả các quy trình, nó chính là chìa khóa cho chính phủ trong việc nắm bắt tình hình NN của đất nước, xác định được bao nhiêu trong số cây trồng đó là cần thiết, sản lượng tại các khu vực và hợp tác xã NN như thế nào và sau đó mới quyết định loại và khối lượng tối ưu để phát triển.

Ứng dụng NN CNC tại Việt Nam

Đến nay, nhiều mô hình, giải pháp ứng dụng CNTT trong ngành NN Việt Nam đã được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực như: sàn giao dịch nông sản, hệ thống thông tin NN, giải pháp ứng dụng CNTT trong chăn nuôi và hệ thống giám sát môi trường NN.

Hiện cả nước có 3 khu NN ứng dụng CNC tại các tỉnh: Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu. Bộ NN và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng thẩm định và công nhận 25 doanh nghiệp (DN) NN ứng dụng CNC. Tính đến tháng 3/2017, có 15 dự án ứng dụng CNC trong lĩnh vực NN đang được Nhà nước hỗ trợ với số vốn 156,3 tỷ đồng. Tính từ tháng 6/2016 - 2/2017, cả nước đã có 25 dự án đầu tư vào sản xuất NN ứng dụng CNC với số vốn 21.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại hội thảo “Phát triển NN chất lượng, hiệu quả” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tháng 6/2017, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT cho biết, việc ứng dụng CNC trong NN hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Mặc dù ứng dụng CNC giải quyết phần nào những khó khăn trong sản xuất NN, người nông dân vẫn còn lo ngại đầu tư công nghệ cao vào sản xuất NN. Họ sợ rủi ro trong quá trình sản xuất, cũng như không phải người nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, vì giá các sản phẩm công nghệ nhập nội rất cao. Do đó, rất cần những sản phẩm công nghệ của người Việt, phù hợp cho người Việt. Các nhà khoa học trong nước cần tạo ra những sản phẩm công nghệ ứng dụng trong NN với giá thành rẻ để nông dân ứng dụng CNC một cách rộng rãi.

Mặt khác, vẫn còn tồn tại một bất cập, đó là trong thời đại công nghệ như hiện nay, người sản xuất NN lại không biết nhiều về công nghệ, trong khi người làm công nghệ thông tin lại không biết nhiều về NN. Hai bên không gặp nhau thì không bao giờ đẩy được năng suất nông sản lên được. Chính vậy, các nhà khoa học trong nước không chỉ tạo ra sản phẩm công nghệ phục vụ sản xuất NN ngay tại trong nước với giá thành rẻ, mà cần đơn giản hóa sản phẩm để người nông dân dễ sử dụng.


Hội thảo "Phát triển NN chất lượng, hiệu quả” được tổ chức tháng 6/2017. (Nguồn: Báo Tin Tức)

Cần hướng đi mới

Trước đây, nói tới NN CNC là chỉ nói tới dáng dấp của nhà kính, nhà lưới, là tự động hóa. Tuy nhiên, hiện nay, khái niệm ấy ngày càng rộng, bao gồm cả sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như sinh học, vật lý, viễn thám, kỹ thuật nanô. Vì vậy phát triển NN CNC tại nước ta giai đoạn tới cũng phải có cách tiếp cận mới.

Cũng tại hội thảo “Phát triển NN chất lượng, hiệu quả”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đánh giá, thời gian qua, nhiều chính sách dành cho NN CNC còn nhiều bất cập, điều đó có thể do chính sách chưa ổn hoặc do việc triển khai chưa tốt. Bởi vậy, theo ông Cao Đức Phát, thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền NN, các Bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng CNC trong NN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận chính sách, đồng thời sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ khó khăn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, cần khuyến khích các DN thành lập trung tâm, viện nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như các đơn vị nghiên cứu độc lập; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa DN liên kết với các tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.


Sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

“Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất để phát triển NN CNC là thị trường. Bên cạnh đó cần tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại để giúp DN tiếp cận với thị trường, định hướng sản xuất DN cho phù hợp với nhu cầu thị trường”, bà Thủy nhấn mạnh.

Có thể nói, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp tháo gỡ triệt để những hạn chế của tình trạng sản xuất manh mún, giá trị gia tăng thấp, chất lượng và sản lượng không đồng đều của ngành NN nước ta hiện nay. Hạ tầng mạng của nước ta cơ bản phủ sóng các vùng miền - điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Nông dân tại các vùng chuyên canh lớn cũng có ý thức ứng dụng công nghệ, nhất là CNTT vào quá trình canh tác, chăn nuôi.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất NN có thể sẽ không đem lại nguồn lợi nhanh chóng như một số lĩnh vực khác, nhưng là nguồn lợi bền vững và có tính lan tỏa cao, DN nên nắm bắt cơ hội này.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục