Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển chính quyền số trong cơ quan nhà nước
Thứ sáu: 00:13 ngày 26/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ứng dụng CNTT cũng giúp đánh giá khách quan hơn năng lực cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tiết kiệm đáng kể chi phí cho xã hội.

Giao dịch hành chính tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thị xã Hoà Thành.

Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là nền tảng xây dựng chính quyền điện tử- nay là chính quyền số- nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT cũng giúp đánh giá khách quan hơn năng lực cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tiết kiệm đáng kể chi phí cho xã hội.

Nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi công vụ

Theo lãnh đạo UBND thị xã Trảng Bàng, ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước góp phần quan trọng đổi mới phương thức hoạt động, lề lối làm việc theo hướng hiện đại, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của Thị xã cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm.

Hiện nay, 100% CBCCVC của Trảng Bàng được trang bị máy tính làm việc, tất cả máy tính đều cài đặt phần mềm chống mã độc và kết nối mạng nội bộ LAN, internet. Hệ thống một cửa điện tử của Thị xã và 10 xã, phường được kết nối liên thông trực tiếp với hệ thống dịch vụ công (DVC) trực tuyến của tỉnh nhằm trao đổi thông tin hồ sơ nộp trực tuyến.

Thị xã Trảng Bàng tiếp tục khai thác và vận hành có hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh đã triển khai như hệ thống văn phòng điện tử Egov hoạt động ổn định, đã cấp 230 tài khoản cho CBCCVC để xử lý, trao đổi công việc trên hệ thống. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều được cấp chứng thực chữ ký số chuyên dùng; tỷ lệ xử lý và trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng đạt trên 90%.

Tính đến thời điểm 31.12.2021, thị xã Trảng Bàng đã ban hành được 9.744 văn bản ký số; tổ chức 520 cuộc “họp không giấy”. Thị xã cũng đã vận hành hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối liên thông từ tỉnh tới xã, phường, góp phần giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm so với hình thức họp trực tiếp, đặc biệt phát huy tốt hiệu quả, giúp công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời trong tình hình dịch Covid-19.

Tương tự, tại thành phố Tây Ninh, ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn luôn được Thành phố quan tâm đầu tư, phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành và thực thi công vụ của CBCCVC. Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh Nguyễn Trung Hiếu cho biết, ở góc độ là người trực tiếp ứng dụng CNTT trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, ông nhận thấy CNTT mang lại nhiều thuận lợi.

Từ khi ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử eGov, việc gửi và nhận văn bản qua môi trường mạng giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhanh về thao tác. Việc tìm kiếm hồ sơ lưu trữ trên hạ tầng số được nhanh chóng, tiện lợi hơn nhiều so với hồ sơ giấy. Về điều hành, đơn cử trong cơ quan văn phòng UBND Thành phố, khi giao nhiệm vụ trên môi trường mạng sẽ giúp người lãnh đạo đánh giá cụ thể, khách quan về tiến độ, chất lượng giải quyết công việc, năng lực công tác của từng người.

CNTT còn thể hiện rõ sự trung thực, bởi vì văn bản trên môi trường mạng có hiển thị ngày, giờ ký - nhận hồ sơ và giúp thống kê được khối lượng công việc của mỗi người. CNTT là công cụ hiệu quả để các cơ quan nhà nước làm tốt hơn công tác đánh giá cán bộ - một khâu yếu trong công tác cán bộ hiện nay.

Nỗ lực tăng tương tác trực tuyến

Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước sẽ làm tăng tương tác trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Tương tác trực tuyến từ lâu đã được xác định là một trong những giải pháp hiệu quả để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực nhờ tính công khai, minh bạch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và tạo điều kiện để người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Khi đó, người dân ở bất cứ đâu cũng có thể biết được hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) của mình đang được giải quyết ở khâu nào, thậm chí không cần đến cơ quan nhà nước vẫn có thể nhận được kết quả tại nhà. Để tăng tương tác trực tuyến, bên cạnh sự đầu tư về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quy trình liên thông, xử lý hồ sơ, dữ liệu trên môi trường mạng rất cần sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Những năm gần đây, tỉnh đã xây dựng nhiều kênh giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền và người dân như Tây Ninh Smart, kênh Zalo OA, hệ thống tiếp nhận phản ánh kiến nghị. Theo thống kê trên hệ thống IOC phản ánh hiện trường, từ ngày 1.3.2020 đến 15.8.2022, có hơn 132.680 tài khoản công dân đăng ký, tiếp nhận trên 3.700 phản ánh, có 130 đơn vị tham gia xử lý. Tính đến tháng 7.2022, có trên 90.400 tài khoản đăng ký trên ứng dụng Tây Ninh Smart.

Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện qua hệ thống phần mềm Một cửa điện tử dùng chung được kết nối tất cả các cơ quan, đơn vị với các phân hệ chức năng khoa học, rõ ràng, tiện lợi, có tính tự động, tính mở cao, tích hợp chữ ký số, có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo quy định.

100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua hệ thống Một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đến tháng 7.2022, sau khi rà soát theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Tây Ninh còn 961/1818 TTHC mức độ 4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các địa phương, ngành chức năng của tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, có giải pháp trợ giúp, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Điển hình như thành phố Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2022, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND Thành phố tiếp nhận 3.322 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 2.135 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 64%; đối với bộ phận Một cửa cấp xã, phường, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến là 80,1%.

Để đạt được kết quả tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao như vậy, Thành phố đã chỉ đạo thành lập tổ tuyên truyền, phân công công chức, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn, giúp người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia và nộp hồ sơ trực tuyến.

Tuy nhiên, ở bình diện toàn tỉnh thì tỷ lệ hồ sơ nộp theo hình thức trực tuyến còn tương đối thấp, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân biết và sử dụng. Theo lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung bình mỗi ngày có gần 1.000 lượt người đến nộp hồ sơ, yêu cầu giải quyết TTHC.

Tất cả TTHC được đưa vào Trung tâm đều được xây dựng trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, 100% hồ sơ được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý. Từ ngày 1.1 đến 31.7, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận tổng số 88.701 hồ sơ, trong đó hồ sơ nhận trực tiếp chiếm tới 80,2%; số hồ sơ nhận qua dịch vụ bưu chính công ích là 3.538 hồ sơ (tỷ lệ 3,99%) và hồ sơ nhận qua DVC trực tuyến mức độ 3,4 là 14.009 hồ sơ, chỉ chiếm 15,79%.

Theo ĐBQH, Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu Huỳnh Thanh Phương, để nâng cao mức độ tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền trong tiến trình chuyển đổi số cần tăng cường tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trước hết là nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, CCVC và tiếp đó là cộng đồng người dân, doanh nghiệp. Qua đó để mọi người thấy rõ những lợi ích của chuyển đổi số trong quản lý hành chính, y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao dịch dân sự và hiểu cơ bản chuyển đổi số là gì, chuyển đổi số bắt đầu từ đâu.

Một số kết quả nổi bật về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền số giai đoạn 2018-2021:
 + 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính (kể cả cán bộ công chức cấp xã); 100% máy tính được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc, kết nối mạng LAN và internet.
+ 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sử dụng hệ thống một cửa điện tử trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC.
+ 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký số chuyên dùng.
+ Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) đạt 100%.
+ Hệ thống hội nghị trực tuyến đáp ứng kết nối các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến cấp xã.
+ Đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh; triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp.

Phương Thuý

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh