Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh đề nghị lãnh đạo Chi cục Thi hành dân sự huyện quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiệp vụ đối với cán bộ, chấp hành viên để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu ngành đặt ra.
Ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh phát biểu tại buổi làm việc tại TAND huyện Gò Dầu
Trong hai ngày 15 và 16.8, đoàn giám sát của Uỷ ban MTTQVN tỉnh do ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với TAND huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Dầu về công tác xét xử, thi hành án dân sự và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm nêu gương người đứng đầu.
Ông Trần Thanh Vũ- Chánh án TAND huyện Gò Dầu cho biết, từ ngày 1.10.2021 - 30.6.2023, TAND huyện thụ lý 272 vụ án hình sự/825 bị cáo, giải quyết 257 vụ/784 bị cáo; về án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thụ lý 2.294 vụ, việc, giải quyết 1.849 vụ, việc; về án hành chính thụ lý 100 việc, giải quyết 90 việc. Đơn vị đã ra quyết định thi hành án 653/653 trường hợp phải ra quyết định thi hành án.
Về thực hiện hoà giải tại Toà án, đơn vị chuyển sang hoà giải, đối thoại 908 đơn. Trong đó, hoà giải thành 438 vụ; hoà giải không thành chuyển sang thủ tục tố tụng 323 vụ; chấm dứt việc hoà giải do đương sự rút đơn 110 vụ; còn lại đang giải quyết.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn vị thụ lý và giải quyết 8 đơn khiếu nại. Ban lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác chuyên môn đối với từng thẩm phán, không để xảy ra án quá hạn luật định.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, TAND huyện ban hành các quy chế, quy định, nội quy về quản lý tài sản, quản lý việc thu, chi tài chính; thực hiện các hình thức công khai minh bạch việc thu, chi của đơn vị, việc mua sắm tài sản công; thực hiện tốt niêm yết công khai việc sử dụng kinh phí của cơ quan.
Tất cả đảng viên thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; luôn thể hiện trách nhiệm nêu gương người đảng viên, không xảy ra trường hợp cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tham nhũng, lãng phí và tiêu cực khác phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật.
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát trao đổi một số vấn đề liên quan đến giải quyết các vụ án tồn; số liệu công tác tạo nguồn cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kết quả lấy ý kiến đảng viên nơi cư trú; nguyên nhân của các án huỷ, sửa do lỗi của thẩm phán; số lượng án bị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp kháng nghị; đương sự kháng cáo; các hình thức khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; công tác tiếp công dân của các thẩm phán; tình trạng thư ký, thẩm phán xin nghỉ việc; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan như Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, UBND, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ…
Ông Nguyễn Thành Sang- Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Dầu cho biết, từ ngày 1.10.2021 - 30.6.2023, việc ra quyết định thi hành, đơn vị đã ra quyết định thi hành án theo yêu cầu 515 việc, quyết định thi hành án chủ động 2.331 việc.
Về thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách Nhà nước, năm 2022, số việc phải thi hành là 1.716 việc, tương ứng với số tiền hơn 16,2 tỷ đồng; kết quả đã thi hành xong 911 việc, tương ứng với số tiền hơn 5,9 tỷ đồng.
Về thi hành trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự, kết quả thi hành thu hồi tài sản trong các bản án hình sự về tham nhũng, kinh tế năm 2022, có 2 việc/436.063.858 đồng, trong đó đã tổ chức thi hành xong 1 việc/392.709.429 đồng, còn 1 việc chưa có điều kiện thi hành (năm 2023, không có thụ lý mới). Kết quả thi hành án tổ chức bán đấu giá, đã bán đấu giá thành 3 việc, tương ứng với số tiền hơn 20,5 tỷ đồng; đã giao tài sản cho người mua trúng đấu giá 2 việc, tương ứng số tiền hơn 16,7 tỷ đồng.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đơn vị triển khai, quán triệt đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngay từ đầu năm, Chi cục đã tổ chức cho cán bộ, công chức cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp vi phạm phải xử lý cán bộ liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Công tác quản lý thu, chi tài chính luôn được đơn vị chú trọng. Định kỳ 6 tháng, năm, đơn vị tổ chức tự kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản. Kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ được triển khai đầy đủ hằng năm trong đánh giá cán bộ, công chức và đảng viên. Bảng kê khai tài sản, thu nhập được niêm yết công khai tại đơn vị.
Trách nhiệm nêu gương người đứng đầu cơ quan được thực hiện nghiêm túc. Căn cứ các quy định của Trung ương, tỉnh về trách nhiệm nêu gương và định hướng nêu gương của cơ quan, từng cán bộ, đảng viên làm bản đăng ký, cam kết nội dung nêu gương. Hằng năm, vào dịp kiểm điểm cuối năm, mỗi cán bộ, đảng viên rà soát, bổ sung các nội dung đăng ký nêu gương cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, khắc phục hạn chế của năm trước.
Người đứng đầu, cấp phó được giới thiệu về nơi cư trú đã đề cao trách nhiệm, tự giác gương mẫu, vận động gia đình thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực, thực hiện tốt các quy định, phong trào hoạt động của địa phương; mối quan hệ giữa đảng viên đang công tác và cấp uỷ chính quyền, đoàn thể, nhân dân được thắt chặt.
Kết luận buổi giám sát, ông Hồ Đức Hải- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh đề nghị ban lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát chặt việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức nhằm tăng cường trách nhiệm trong công việc, nâng cao chất lượng xét xử; đơn vị cần quan tâm khắc phục lỗi khách quan trong án huỷ, sửa; tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm; tăng cường giải quyết, xét xử các loại án, tránh tồn đọng; tiếp tục thực hiện niêm yết công khai tại đơn vị đối với những nội dung về kê khai tài sản, công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, các quyết định về thanh tra, kiểm tra.
Đối với Chi cục Thi hành dân sự huyện, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh đề nghị lãnh đạo Chi cục Thi hành dân sự huyện quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiệp vụ đối với cán bộ, chấp hành viên để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu ngành đặt ra; tiếp tục quan tâm, giám sát cán bộ, chấp hành viên trong việc thực thi đạo đức công vụ; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, rà soát cán bộ; định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, UBND huyện về tình hình công tác thi hành án, nhất là đối với các vụ việc khó khăn; rà soát lại quy chế phối hợp của đơn vị đối với các ngành liên quan.
Thiên Di