Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH
Thứ ba: 17:43 ngày 18/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 18.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các Phó chủ tịch ở vị trí chủ tọa. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Toàn cảnh phiên họp trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu tập trung vào nhóm vấn đề: giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đạo tạo nghề; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ.

Hiện nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Năm 2014, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Kết quả tổng rà soát cho thấy, trong số khoảng 2,1 triệu đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ là khoảng 1,9 triệu trường hợp (chiếm 95,75%); số kê khai hưởng chưa đầy đủ chế độ là 86.200 trường hợp (chiếm 4,16%) và số phát hiện hưởng sai chính sách gần 1.900 trường hợp (0,09%)...

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, khó khăn lớn nhất hiện nay là đối tượng lập hồ sơ kê khai là người có công nhưng không có giấy tờ, căn cứ chứng minh, đặc biệt là hồ sơ liệt sĩ, thương binh, người bị địch bắt tù, đày.

Vì vậy, Bộ LĐTB&XH xác định công tác giải quyết tồn đọng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện với quan điểm là khẩn trương thực hiện nhưng phải đảm bảo chặt chẽ ở mức độ nhất định, cơ chế phải mở, phải thông thoáng nhưng xác định mở đến mức nào, thông thoáng đến mức nào để đảm bảo xác nhận đúng đối tượng, hạn chế được hồ sơ giả là nhiệm vụ hết sức khó khăn của cơ quan ban hành và tổ chức thực hiện chính sách.

Đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tây Ninh.

Đối với 1.872 trường hợp hưởng sai chế độ, sau khi xác minh, đã có kết luận 325 trường hợp hưởng đúng; 850 trường hợp có quyết định điều chỉnh, dừng trợ cấp; 695 trường hợp đang phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh để kết luận và 2 trường hợp trùng đối tượng. Những trường hợp hưởng sai chủ yếu tập trung vào chênh lệch tỷ lệ thương tật; phản ánh hưởng trợ cấp không đúng hoặc diện đã hết tuổi hưởng trợ cấp tiền tuất liệt sĩ hoặc tuất thương binh, bệnh binh. Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra rà soát lại từng trường hợp để có phương án giải quyết hợp lý, hợp tình, tạo sự đồng thuận của người có công và nhân dân.

Một số đại biểu đặt vấn đề đối với những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, có 10 nhóm giải pháp cơ bản, gồm: xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đổi mới chương trình và tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo;...

Công tác quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015. Đến nay, tổng số người được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là trên 40.000 học viên, trong đó cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 17.488 học viên (có 10.422 học viên không có nơi cư trú ổn định, chiếm 59,5%); cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 3.576 học viên; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 53.070 người, trong đó tại các cơ sở của ngành y tế là 50.230 người, ngành LĐTB&XH là 2.840…

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 5 cơ sở có chức năng cai nghiện bắt buộc; 75 cơ sở cai nghiện tổng hợp; 24 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện và Methadone thuộc ngành LĐTB&XH (ngoài ra 62/63 tỉnh, thành phố có có cơ sở điều trị Methadone trực thuộc ngành y tế); 6 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội. Trong số các cơ sở chuyển đổi có 13 cơ sở chuyển đổi sang thực hiện chức năng khác như cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần…

Thời gian gần đây, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh đã để xảy ra tình trạng học viên gây rối tập thể, đập phá cơ sở, bỏ ra ngoài với số lượng lớn, gây tình trạng mất an ninh trật tự trong khu vực địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, nguyên nhân chủ yếu là do việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của một số địa phương chưa đúng quy định của pháp luật như việc xác định tình trạng nghiện, việc xác minh nơi cư trú… dẫn đến sự bức xúc của các học viên.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trung tâm xuống cấp, quá tải; điều kiện ăn ở không đảm bảo tạo ra sự bức bối của học viên. Phần lớn người nghiện ma túy vào cai nghiện là nghiện ma túy dạng tổng hợp, thường bị rối loạn tâm thần và gần 40% học viên có tiền án, tiền sự nên luôn kích động, chống đối cán bộ…

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tội phạm ma túy và hậu quả nghiêm trọng của nó, phải xác định cả hệ thống chính trị cùng toàn dân chung tay trong đấu tranh phòng chống ma túy; tập trung thực hiện 3 giảm: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; tiếp tục hoàn hiện hệ thống pháp luật, chính sách nhất là cho sửa đổi Luật phòng chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính và trước mắt, trong thời gian chưa sửa, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, sửa đổi một số vấn đề vướng mắc vừa qua.

Cấp đầy đủ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác đấu tranh, phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy, đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ người sử dụng ma túy và nghiện ma túy. Tăng cường công tác cán bộ, đào tạo phối hợp, làm rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành trong công tác quản lý các cơ sở cai nghiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tác hại của ma túy…

Tại phiên họp, có 24 đại biểu Quốc hội đăng ký để chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, trong đó, Bộ trưởng đã trả lời trực tiếp cho 16 đại biểu, còn các đại biểu có câu hỏi nhưng do không còn thời gian để trả lời tại hội trường được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH và sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm của các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ có liên quan trong việc trả lời đầy đủ, thẳng thắn, làm rõ nhiều vấn đề. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận quyết tâm chính trị và lời hứa về những giải pháp trong thời gian tới mà các vị Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ đã cam kết trước phiên họp này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng có mặt trong phiên chất vấn và các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa sự quan tâm trong công tác phối hợp để nâng cao chất lượng điều hành, bảo đảm an ninh trật tự, cũng như thực hiện tốt các chính sách xã hội trong nhiệm kỳ này, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đề nghị các đại biểu quốc hội, cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách mà Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã báo cáo trước phiên chất vấn.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục