Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vaccine - “rào chắn” miễn dịch
Chủ nhật: 07:27 ngày 16/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ những vụ tai biến xảy ra sau khi tiêm vaccine cho trẻ, nhiều bài viết trên mạng xã hội suy luận rằng, đằng sau các chương trình tiêm vaccine là âm mưu đầu độc giống nòi để kiếm lợi.

Chỉ cần vào trang Google gõ từ khoá “anti vaccine”, người dùng mạng sẽ thấy rất nhiều ý kiến, kể cả trang Facebook kêu gọi chống tiêm vaccine. Các ý kiến còn dẫn cả các ca tử vong sau tiêm để đổ lỗi cho vaccine. Thậm chí, từ những vụ tai biến xảy ra sau khi tiêm vaccine cho trẻ, nhiều bài viết trên mạng xã hội suy luận rằng, đằng sau các chương trình tiêm vaccine là âm mưu đầu độc giống nòi để kiếm lợi. Việc (vô ý- và có thể cả cố tình) hiểu sai này đã dẫn đến nguy cơ rất lớn đến sức khoẻ người dân: hệ miễn dịch cộng đồng bị phá vỡ.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em (ảnh minh hoạ)

Trước những vấn đề sức khoẻ, sự cẩn trọng của các bậc cha mẹ là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng những thành quả từ vaccine đã giúp giảm thiểu, thậm chí loại trừ nhiều căn bệnh chết người trong thời gian qua. Khi người dân tẩy chay vaccine một cách cực đoan, bệnh tật sẽ không phải là vấn đề riêng của một vài gia đình mà là của cả xã hội.

“Loạn” thông tin

Sự lan toả mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay cũng mang theo đó không ít thông tin sai lệch về vaccine, viện dẫn những biến chứng ở trẻ sau khi tiêm vaccine để kích động tâm lý hoang mang của các bậc phụ huynh trong việc lựa chọn có tiêm vaccine hay không. Phong trào “anti vaccine” lan truyền đã phá vỡ hệ miễn dịch cộng đồng. Những căn bệnh tưởng chừng đã bị xoá sổ thì giờ đây đã quay lại và thậm chí manh nha bùng phát thành đại dịch. Một minh chứng rõ ràng nhất là dịch sởi đang có nguy cơ bùng phát trở lại, dẫn đến hệ quả trẻ mắc bệnh và tử vong tăng nhanh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2024, Việt Nam ghi nhận 45.554 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó, 7.583 trường hợp dương tính và 16 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Độ tuổi của các ca dương tính sởi trong năm cho thấy xu hướng gia tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng (chiếm khoảng 25%). Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vaccine sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, lứa tuổi tiêm chủng vacine sởi ở những nước có bệnh sởi lưu hành là tiêm mũi 1- 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 15-18 tháng tuổi, còn ở những nước đã loại trừ bệnh sởi, tiêm mũi thứ nhất lúc 12 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai lúc 15-18 tháng tuổi.

Theo WHO, việc tiêm bổ sung một mũi vacine có chứa thành phần sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong những trường hợp gồm: Khi đang bùng phát dịch sởi, trong các chiến dịch nơi mà nguy cơ mắc sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao, sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 mũi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng; vacine sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.

Đáng lo nhất là, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm vaccine (anti vaccine) cho trẻ. Các đối tượng này chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng của tổ chức nước ngoài về việc vaccine gây động kinh, tự kỷ, đần độn ở trẻ… khiến không ít phụ huynh hoang mang, không cho con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.

Tiêm phòng đúng lúc giúp tạo “rào chắn” miễn dịch

Mạng xã hội phổ biến là môi trường tốt cho sự phát triển; tuy nhiên, đó cũng là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Do đó, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội.

Hiện tại, “anti vaccine” vẫn tiếp diễn trên mạng xã hội, dẫn đến không ít các bậc phụ huynh cảm thấy hoang mang về việc tiêm phòng vaccine cho con. Đáng nói, có không ít tài khoản mạng xã hội tự nhận là “người trong ngành”, “đã nghỉ hưu” lại cổ xuý cho phong trào này. Bất chấp khuyến cáo của ngành Y tế, họ tin vào những lý lẽ riêng của mình và quyết định tẩy chay vaccine.

Đã có rất nhiều người tự chữa bệnh theo hướng dẫn của “bác sĩ Google”, hậu quả là tiền mất tật mang, có trường hợp mất cả mạng. Thế nhưng, người ta vẫn không sợ, vẫn nghe theo mạng xã hội và “anti vaccine” dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội tiếp cận với thông tin chính thống. Đa phần họ chỉ nghe theo lời đồn đại- rằng không cần tiêm phòng vì vaccine gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Một minh chứng rõ ràng là, thời gian qua, người dân cả nước phải đối diện với nguy cơ dịch sởi bùng phát, trong đó có khá nhiều trẻ nhập viện điều trị chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Bên cạnh đó, cúm mùa đang có xu hướng bùng phát mạnh và lây lan nhanh qua đường hô hấp từ những giọt nhỏ khi hắt hơi hoặc ho. Bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm mùa, nhưng trẻ em, người lớn tuổi và người bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị biến chứng nặng nề nhất như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim ở trẻ em, tăng nguy cơ đột quỵ ở người lớn…

Theo các chuyên gia, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khoẻ mạnh.

Những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan toả, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong. Ngoài ra, nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn.

Theo WHO, việc tiêm phòng vaccine cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm và giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70% - 80%. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm phòng.

Thực tế, khi cha mẹ quyết định không tiêm chủng cho con, họ đã đặt cả con mình và cộng đồng vào nguy cơ mắc bệnh, bởi chỉ khi tỷ lệ tiêm chủng đạt từ 95% trở lên mới tạo ra hiệu ứng miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ không đủ để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm, khiến dịch bệnh lan rộng ngay khi có trường hợp phát bệnh.

Bảo Thạch

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh