Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vạn Bửu tự thuật - một tư liệu quý về làng xã Tây Ninh
Thứ tư: 08:00 ngày 02/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 168 trang khổ A4, chữ quốc ngữ viết tay là toàn bộ cuốn Vạn Bửu tự thuật được nhà nghiên cứu dân gian Dương Công Ðức giữ gìn lâu nay. Anh đã được một người hậu duệ của cụ Bửu truyền cho.

Miếu Bà An Phú (xưa là Hóc Ớt).

Sau trang bìa chữ to, là tấm hình đen trắng của cụ Bửu, chắc là chụp lại trên một tấm ảnh thờ. Cụ mặc áo dài, khăn đóng, mặt rạng rỡ cười tươi, với nét cười hóm hỉnh. Có lẽ cũng hóm như những trang viết của cụ để lại cho cháu con làm bài học vào đời: “Ðây, tôi xin chép lại mẩu đời tôi, vinh nhục, thăng trầm, hai bàn tay, một khói óc; viết ra một tiểu sử toàn sự thật, để lưu truyền hậu thế cho cháu con, việc dữ lành xấu tốt, méo tròn coi để mà răng lòng sửa hạnh.

Phải phân biệt nào tà nào chánh

Phải đắp đền việc nghĩa việc ơn

Xoá bỏ qua mỗi bợn oán hờn

Sống cho hạp tiếng tôn là tiểu thiên địa

Nguyễn Vạn Bửu

Ðây là đoạn cuối ở phần Lời tựa sách. Ðến đây, cũng cần tóm tắt vài nét chính trong đời tác giả. Cụ là Nguyễn Vạn Bửu (hoặc Vạng Bửu) sinh năm 1853, nguyên là thôn trưởng thôn An Tịnh từ năm 1879, lúc 26 tuổi. Sau đấy lần lượt giữ các chức vụ: Cai tổng Hàm Ninh Hạ, rồi Tri huyện Trảng Bàng.

Ðến năm 1905 được điều sang làm Ðốc phủ sứ phủ Tân An. Cụ được hưu trí từ ngày 10.4.1913. Trở lại quê nhà là xóm Hóc Ớt, làng An Tịnh (nay là ấp An Phú), cụ viết: “Từ đó yên phần lo làm ruộng cho có lúa ăn, hai tiện nội tôi trong thì nuôi heo gà, ngoài thì trồng cây ăn trái để làm kế sinh nhai dưỡng lão an chi, hưởng câu thất thập cổ lai hi…”.

Còn chưa biết cụ mất năm nào, nhưng Vạn Bửu tự thuật được kết thúc vào khoảng sau tháng 8 năm 1926. Khi ấy, cụ tham dự vào một phái đạo gọi là phái Thanh Xuân, có gốc gác từ một “đàn tiên ở Cái Khế” (Cần Thơ). Thời gian ấy, nhiều công chức chế độ Pháp thuộc tham gia vào phong trào thông linh học. Ðấy là một việc mà theo các trang hồi ký, là: “lo việc linh hồn” (trang 165). Vậy là cụ cũng đã sống qua tuổi 73, đúng như lời nguyện ước sau ngày hưu trí.

Ðiều quý giá thứ nhất là sách Vạn Bửu tự thuật được viết bằng chữ quốc ngữ. Chắc là viết trong năm 1926. Ðây là thời điểm khá sớm với việc phổ biến quốc ngữ trong cả nước. Theo một nghiên cứu của tác giả Huỳnh Văn Tòng, trong sách “Tiếng Việt lịch sử trước thế kỷ 20” thì: “cho đến năm 1929, cả nước có 153 tờ báo, nhưng chỉ có 25% được in bằng quốc ngữ”.

Ðến nay, tài liệu quốc ngữ viết vào đầu thế kỷ 20 vẫn là một “của hiếm”. Bởi khi ấy, triều Nguyễn vẫn dùng chữ Hán trong các văn bản như sắc phong, chỉ dụ của triều đình. Tây Ninh vẫn còn vài bản sắc của các triều vua Tự Ðức, Khải Ðịnh và Bảo Ðại. Trong dân cư hay thôn, xã, cũng có các bản gia phả hoặc sổ chép việc làng. Như sổ việc làng của xã Long Thành, bản văn quốc ngữ sớm nhất được viết vào "ngày 29 October 1922".

Một số làng như An Tịnh, Gia Lộc cũng có các tập tư liệu viết về làng xã quê mình. Như bản sự tích xã Gia Lộc của cụ Ðặng Văn Bá chấp bút. Cụ là cháu gọi Lãnh binh Ðặng Văn Tòng là ông cố. Làng An Tịnh cũng có bản Tiểu sử làng An Tịnh của cụ Nguyễn Ngọc An. Nhưng cả hai bản này đều viết vào năm 1972. Trong bản viết về Gia Lộc, cụ Bá có kể đến một gia phả, đã bị cháy khi Pháp tái chiếm Nam bộ năm 1945. Bản văn ấy vẫn còn viết bằng chữ Hán và dịch ra quốc ngữ.

Vạn Bửu tự thuật, đây là một bản văn trào lộng, phóng khoáng rất gần với lối văn nói rất giản dị nhưng giàu hình ảnh của người Trảng Bàng xưa (nay vẫn còn một số người giữ được, như ông Ðỗ Thanh Hiền, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhà). Cụ Bửu lại là người vui tính và có chất dí dỏm, “u-mua” trong chuyện kể. Tính chất này còn giữ được ở suốt 168 trang hồi ký.

Cụ cũng là người sáng dạ (thông minh) để nhớ được các chuyện về mình từ tuổi lên 3. Trong mục I- Buổi sơ sanh, cụ viết: “Lúc ba bốn tuổi, thân tôi ốm o, yếu đuối lắm, tay chân nghều ngào, lại bị bệnh trái trời làm cho cuồng chân, yếu gân, đi té tới té lui, khóc nhề nhệ nhõng nhẽo tối ngày, mũi dãi dơ bẩn, ai thấy cũng gớm nhờm…”.

Chuyện từ lúc 5 tuổi trở lên, được viết ở khoản 2- Nghèo làm khổ nhau. Ðấy là lúc: “Ði mới vừa vững, tôi lại mang tật nói ngọng…”. Mà cụ thể là câu chuyện: “Tôi đi chơi về, vô gần bộ ván thấy rổ rau đổ nghiêng, tôi mới kêu mẹ tôi: “ỵ ơi ỵ, ai àm ổ ao” (chị ơi chị, ai làm đổ rau). Hồi trước kêu mẹ bằng chị… Mấy người phụ nữ rộ lên cười tôi và hỏi tôi: “Ngọng à, mày nói gì đó Ngọng, hễ nghèo thì làm khổ nhau chớ sao mà mầy nói vậy ngọng”. Rồi họ cứ kêu tôi là thằng Ngọng…”.

Có lẽ không ai trong số phụ nữ ấy ngờ rằng, cái cậu bé ốm o, ngọng nghịu ấy sau này sẽ thành một ông thôn trưởng của thôn An Tịnh, và tiếp sau nữa sẽ là quan huyện, quan phủ. Tất cả đấy là do cậu có tư chất thông minh và được học hành. Năm 7 tuổi, cậu được cha gửi xuống làng An Ninh thuộc tỉnh Chợ Lớn học chữ Nho. “Học tại đây được hai năm rưỡi, thuộc và hiểu hết bộ Minh Tâm. Thầy biểu cha tôi kiếm thầy khác mà cho học. Cha tôi mới rước một ông thầy, đem về cất nhà cho ở và kiếm học trò cho dạy tại Hóc Ớt”. Tính ra, khi ấy cậu đã lên 10. Ðấy là vào khoảng năm 1862-1863. Hóc Ớt xưa, nay là ấp An Phú đã có trường học đầu tiên mà vẫn dạy chữ Nho (Hán tự).

Từ năm 1897, quan toàn quyền Ðông Dương là Du-Me buộc triều Nguyễn phải đưa vào nội dung thi cử của triều đình các môn thì mới như quốc ngữ, sử ký… Ðể nhà thơ Tú Xương đã thở than qua một bài thơ, rằng: “Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co…”. Thì với chàng thanh niên Vạn Bửu: “Ðến năm 1868 là năm Mậu Thìn, tôi được mười sáu tuổi, thôi học chữ Nho” (mục 10- phân vân).

Ông xin cha đi học chữ quốc ngữ và chữ Pháp (Lang Sa). Cha dạy rằng: “Buổi này còn ly loạn lắm, giặc giã tư bề chưa quy nhứt thống, đến khi Cựu trào (triều Nguyễn) phục nghiệp được thì mình phải mang tội tru di tam tộc…”. Nghe cha, ông ở lại nhà chăm lo việc cày cấy, gieo trồng. Ðến năm 1874, hai mươi hai tuổi thì ông lấy vợ người làng Gia Lộc. Cha mẹ vợ lại xin ông thông gia cho đôi trẻ về quê vợ sinh sống.

Thế rồi: “Người lối xóm ấp Trùm Tranh xúm lại cất một cái trường, tới cậy tôi dạy chữ Nho cho con họ học, lối ba mươi trò…”. Ðấy chính là thời gian ông thầy chữ Nho này tiếp cận và “học ké” được chữ quốc ngữ, thứ mà sau này sẽ giúp làm nên danh phận đời ông. Ông học ra sao? “Lúc này có học trò ở chợ đi học chữ quốc ngữ, nên tôi lén mướn học trò nhỏ viết vở dạy tôi học thuộc mỗi bài tôi cho một quan tiền, mỗi tối tôi ráng học và tập viết, riết rồi cho quen, học cho thuộc thì đốt liền không dám cho ai thấy hết. Nhất là cha tôi, nếu hay được chắc rầy lắm…”.

Thế là chàng thanh niên 22 tuổi Nguyễn Vạn Bửu đã biết chữ quốc ngữ từ năm 1874.

TRẦN VŨ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục