Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo tàng tại Hà Nội:
Vẫn “chờ” khách đến
Thứ năm: 16:10 ngày 12/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hà Nội hiện đang có trên dưới 20 bảo tàng, với hệ thống hiện vật phong phú, có giá trị cao về văn hóa, lịch sử nhưng các bảo tàng tại Hà Nội vẫn đang trong tình trạng “chờ” khách đến tham quan.

Ngày thường, rất ít khách đến với các bảo tàng. Ảnh: HL

Nỗi buồn bảo tàng

Tọa lạc trên đường Phạm Hùng, Bảo tàng Hà Nội với chi phí xây dựng tới 2.300 tỷ đồng được hoàn thành năm 2010 để chào mừng Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.  Giai đoạn một dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010, trị giá 1.600 tỷ đồng. Giai đoạn hai gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nay được điều chỉnh nên kéo dài đến 2019.

Tuy nhiên, sau 7 năm đưa vào sử dụng, hiện bảo tàng trong tình trạng thưa thớt hiện vật và vắng khách tham quan. Theo thống kê của Bảo tàng Hà Nội, mỗi năm đơn vị này thu hút khoảng 100.000 khách tham quan, trong đó 10% là khách nước ngoài, đây là một con số khá khiêm tốn so quy mô của bảo tàng. Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Tiến Đà-Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: Hiện bảo tàng chưa hoàn thiện trưng bày nên vẫn mở cửa miễn phí phục vụ khách. Chính vì vậy, bảo tàng không đủ kinh phí để thực hiện các hoạt động trải nghiệm, tương tác nhằm thu hút khách du lịch.

Các chuyên gia thì cho rằng, trên danh nghĩa là bảo tàng đã đi vào hoạt động, nhưng đó chẳng khác gì một ngôi nhà trống rỗng, bởi hiện vật còn rất nghèo nàn. Đa số những hiện vật trưng bày được sưu tập, tiếp nhận từ các cá nhân, tổ chức có nguyện vọng hiến tặng cho bảo tàng.

Dù đang sở hữu vị trí đẹp, kiến trúc tòa nhà được đánh giá cao, hiện vật phong phú, nhưng Bảo tàng Lịch sử quốc gia (cơ sở số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) cũng đang trong cảnh “thưa vắng”. Trong thời gian qua, Bảo tàng đã thường xuyên đổi mới phương pháp trưng bày, bảo tàng thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề; ứng dụng công nghệ tham quan ảo tương tác 3D các khu vực trưng bày… Tuy nhiên, khuôn viên trưng bày rộng hàng nghìn mét vuông cũng chỉ có vài khách nước ngoài hoặc một số sinh viên tới thăm quan.

Nằm trên đường Nguyễn Thái Học, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô. Tại đây lưu giữ và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu có giá trị, những bằng chứng sinh động về sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền sử đến nay. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn sở hữu một tòa nhà kiến trúc Châu Âu đẹp và độc đáo, gần các khu du lịch nổi tiếng như: Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn miếu - Quốc Tử Giám… rất hấp dẫn và thuận lợi để tham quan.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Tổ chức, hành chính và đối ngoại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ hơn 20.000 tác phẩm của nhiều họa sĩ nổi tiếng Việt Nam, trong đó có 8.000 tác phẩm chưa có điều kiện trưng bày. Đây là những tác phẩm mỹ thuật vô giá của các danh họa nổi tiếng nhưng số lượng khách tham quan rất khiêm tốn.

Mỗi năm bảo tàng đón chỉ hơn 50 nghìn lượt khách, năm 2016 là 54 nghìn lượt; trong đó 85% đến bảo tàng là khách quốc tế, khách Việt Nam ít quan tâm đến nơi này. “Dù chỉ cách một con đường Nguyễn Thái Học, nhưng việc liên kết để thu hút du khách từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám sang bảo tàng vẫn là bài toán khó.

Chúng tôi vẫn nói vui rằng, lượng khách của Văn Miếu – Quốc Tử Giám chỉ đi lạc sang Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khoảng 10% thôi, đã là may mắn lắm rồi” - ông Nguyễn Đức Thắng ngậm ngùi.

Không chỉ riêng ba bảo tàng kể trên, mà nhiều bảo tàng khác trên địa bàn Thủ đô cũng trong tình trạng này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân tồn tại qua nhiều thập kỷ nay là cách trưng bày chuyên đề, hiện vật tại các bảo tàng quá khô cứng, đơn điệu, nhàm chán khiến du khách không mặn mà.

Bên cạnh đó, lượng thông tin đăng tải trên trang web của các bảo tàng chưa sinh động, ít quảng bá với du khách; các bảo tàng cũng chưa năng động tổ chức các hoạt động thu hút khách nên dẫn đến tình trạng khách không muốn đến bảo tàng.

Đổi mới phương thức hoạt động để hút khách

Nhằm thu hút công chúng, buộc các bảo tàng phải thay đổi phương thức hoạt động. Bởi công chúng hiện nay đến bảo tàng không chỉ có nhu cầu ngắm, nhìn hiện vật, mà quan trọng hơn họ mong muốn được giao lưu, trải nghiệm các chương trình tại bảo tàng.

Là một địa chỉ hiếm hoi có lượng khách thường xuyên đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từng có 3 lần nhận danh hiệu "Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam".

Từ năm 1998 đến nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã liên tục tổ chức hoạt động trình diễn văn hóa phi vật thể với các chủ đề được lựa chọn. Vào những dịp Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 hay Tết Trung thu, Bảo tàng Dân tộc học luôn là điểm đến quen thuộc của các bạn nhỏ và các bậc phụ huynh.

Bởi tại đây diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian gợi lại ký ức tuổi thơ, đồng thời tổ chức giao lưu hoạt động văn hóa của các vùng miền trên cả nước và quốc tế. Chính vì vậy mà lượng khách đến với bảo tàng ngày một đông.

PGS, TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: Việc thường xuyên cập nhật, đổi mới hoạt động trải nghiệm đậm tính dân gian, lồng ghép nội dung giáo dục di sản phù hợp với mọi lứa tuổi đã góp phần kéo khách tham quan quay trở lại bảo tàng.

Hơn nữa, các hoạt động trình diễn văn hoá phi vật thể tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực sự là một cơ hội quảng bá văn hoá sâu rộng, qua đó nâng cao niềm tự hào dân tộc, ý thức bảo tồn và phát triển các di sản văn hoá mà người dân đang nắm giữ. Ngoài ra, thông qua hoạt động trình diễn, khách tham quan có cơ hội được tiếp cận với các di sản văn hóa phi vật thể một cách sinh động.

Trong những năm qua, để hòa nhập với sự phát triển chung của hệ thống bảo tàng khu vực và thế giới, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức chỉnh lý hệ thống trưng bày thường xuyên, với phong cách trưng bày hiện đại, nội dung phong phú, hấp dẫn.

Song song với việc chỉnh lý hệ thống trưng bày thường xuyên, các trưng bày chuyên đề cũng luôn được bảo tàng quan tâm, đổi mới vì nó giữ vai trò rất quan trọng trong bảo tàng. Trưng bày thường xuyên chỉ có thể giới thiệu, nêu vấn đề một cách chung chung, điểm xuyết thì trưng bày chuyên đề là dịp bảo tàng khai thác một khía cạnh chuyên sâu nào đó mà trưng bày thường xuyên chưa đáp ứng được.

Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, trong xu hướng hiện nay của các bảo tàng trên thế giới là chuyển hướng hoạt động của bảo tàng từ hình thức tĩnh sang động, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã không nằm ngoài xu hướng đó. Hành trình hết sức cơ bản đối với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đó là hành trình đến với cộng đồng, hướng tới chủ thể của mọi giá trị văn hóa chính là con người, những nhóm cộng đồng nơi sản sinh và gìn giữ văn hóa.

Trước đây, theo tư duy cũ bảo tàng chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tại bảo tàng, người dân chỉ đến xem. Ngày nay, Bảo tàng không chỉ bó hẹp những hoạt động của mình trong ngôi nhà bảo tàng mà phải vươn xa đến với cộng đồng – chủ thể văn hóa.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thu hút du lịch, Bảng tàng Mỹ thuật Việt Nam đã kết hợp với các đơn vị tổ chức các chương trình kết nối du lịch tới bảo tàng. Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Tổ chức, hành chính và đối ngoại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, những sản phẩm du lịch và chương trình du lịch theo chủ đề sẽ được đẩy mạnh hơn, gắn với những trải nghiệm thực tế cho du khách.

Đây là điều quan trọng bởi du khách chỉ ngắm nhìn những bức tranh thì sẽ hơi đơn điệu. Chính vì lẽ đó,  trong tháng 10/2017, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã kết hợp với Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist), Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng sản phẩm du lịch truyền thống hiếu học.

Tour truyền thống hiếu học này bắt đầu từ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu, nghiên cứu thuyết minh về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam tại ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam khoảng một giờ đồng hồ, sau đó du khách sẽ di chuyển sang Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và thưởng thức và tham quan 19 tác phẩm bao gồm 4 thể loại: điêu khắc, sơn mài, sơn dầu, tranh dân gian và tranh cổ. Khi du khách tham quan sẽ được thuyết minh viên giới thiệu các tác phẩm điêu khắc này.

Những tác phẩm khác không gắn với truyền thống hiếu học thì sẽ được giới thiệu khái quát và tổng quan. “Nếu như Văn Miếu Quốc Tử giám thấu hiểu truyền thống hiếu học thông qua bia tiến sĩ, nho học của người Việt thì tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam du khách sẽ vừa được nghe thuyết minh, vừa tưởng tượng các tác phẩm tại đây” – ông Nguyễn Đức Thắng cho hay.

Nguồn  ĐCSVN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục