Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vẫn còn khó khăn, vướng mắc sau 6 năm thi hành Luật Hộ tịch
Thứ sáu: 10:06 ngày 03/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Hộ tịch diễn ra vào ngày 27.2.2023 tại Sở Tư pháp, từ báo cáo của UBND tỉnh và tham luận của trưởng Phòng Tư pháp một số huyện cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được vẫn còn những khó khăn, vướng mắc đáng quan tâm.

Ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Khó khai sinh cho trẻ em về từ nước ngoài

Cụ thể, hiện nay có nhiều trường hợp người Việt Nam theo chồng ra nước ngoài nhưng sau đó cùng con trở về Việt Nam sinh sống (một số trường hợp đã nhập quốc tịch nước ngoài). Cũng có không ít trường hợp cha, mẹ ở nước ngoài nhưng gửi con về Việt Nam để người thân chăm sóc, cho đi học.

Tuy nhiên, những đứa trẻ này đã được đăng ký khai sinh tại nước ngoài, đã có quốc tịch nước ngoài hoặc vì nhiều nguyên nhân mà không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào... gây khó khăn cho việc đăng ký khai sinh và nhập quốc tịch Việt Nam để các em được đi học.

Ngoài ra, nhiều trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài rồi bỏ trốn về nước nhưng chưa làm thủ tục ly hôn hoặc trước đó cũng không có ghi chú kết hôn tại Việt Nam, do vậy, Toà án trong nước không thể thụ lý giải quyết ly hôn.

Hậu quả, những trường hợp này khi chung sống với người khác ở Việt Nam thì không thể thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Con chung của các trường hợp vừa nêu được xác định là con trong thời kỳ hôn nhân với người chồng nước ngoài, gây khó khăn trong vấn đề xác định người cha khi đăng ký khai sinh.

Trong tình huống khác, nhiều công dân Việt Nam đã được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài và đã ra nước ngoài. Sau đó, những công dân này trở về nước và tiếp tục yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để được kết hôn nhưng không nộp lại giấy xác nhận trước đó, trong khi lại khai là chưa đăng ký kết hôn.

UBND cấp xã thường lúng túng với tình trạng này… và phần lớn đều đi đến hướng giải quyết cho người có yêu cầu nêu trên làm bản cam đoan về tình trạng hôn nhân. Hệ quả pháp lý của việc cam đoan này thường không đúng sự thật.

Khó khăn khác trong quá trình thi hành Luật Hộ tịch là luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người chết. Thế nhưng, hiện nay nhiều cơ quan thực hiện thủ tục hành chính (phần lớn là các tổ chức hành nghề công chứng) vẫn yêu cầu người dân phải nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của những người có liên quan đến hợp đồng, giao dịch kể cả đối với người đã chết.

Một vấn đề khác, về đăng ký khai tử thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp người dân có nhu cầu đăng ký khai tử đối với những trường hợp người chết đã lâu, không còn mồ mả, không còn giấy tờ tuỳ thân, không có giấy báo tử hoặc bất kỳ giấy tờ thay thế giấy báo tử, không có giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng...

Khi áp dụng quy định tại Điều 34 Luật Hộ tịch, cơ quan có thẩm quyền không thể giải quyết cho người dân vì thực tế không có căn cứ gì để chứng minh. Do vậy, nhiều hồ sơ thừa kế không thể giải quyết được.

Các thủ tục đăng ký hộ tịch như đăng ký lại khai sinh, đăng ký cha nhận con, kết hôn có yếu tố nước ngoài còn phức tạp, quy định chung và riêng về việc giải quyết hồ sơ đã dẫn đến một số trường hợp công chức làm đúng chức trách hướng dẫn nhưng nhiều người lại hiểu lầm là công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Ông Lê Hoàng Búc- công chức Tư pháp hộ tịch xã Tân Hoà, huyện Tân Châu trao giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho bà Huỳnh Thị Uổn, ngụ ấp Cây Cầy, xã Tân Hoà. Ảnh: Tâm Giang

Theo đó, tại Điều 15 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28.5.2020 của Bộ Tư pháp hướng dẫn dăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt khi làm thủ tục này thì công chức hộ tịch phải kiểm tra xem có đăng ký kết hôn hay không, thời điểm đăng ký kết hôn trước hay sau khi sinh con…

Thế nhưng, trên thực tế thì nhiều người lại dựa vào quy định tại Điều 44 của Luật Hộ tịch không cần xuất trình các thông tin có kết hôn hay chưa, gây khó khăn cho công tác hướng dẫn.

Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15.11.2015 của Chính phủ thì đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c và d của khoản này thì UBND cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp giấy báo tử.

Tuy nhiên, hiện tại chưa có văn bản quy định cụ thể mẫu giấy báo tử nên gây khó khăn cho UBND cấp xã trong việc cấp giấy báo tử cho người chết trên địa bàn. Quy định cấp giấy báo tử như vậy chỉ phù hợp với trường hợp người chết nằm ngoài địa bàn cư trú, còn người chết tại nơi cư trú là không phù hợp, vì UBND xã nơi cư trú của người chết vừa cấp giấy báo tử vừa đăng ký khai tử làm tăng thêm thủ tục không cần thiết.

Về vấn đề triển khai Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; số hoá sổ hộ tịch, đăng ký hộ tịch trực tuyến tại địa phương cũng còn phát sinh một số khó khăn. Thực tế, khi thực hiện theo quy trình mới về việc sửa sai sót thông tin khai sinh, trong quá trình thực hiện phải làm văn bản báo cáo cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cấp trên, sau đó phải chờ xét duyệt và cho phép thì mới được tiến hành sửa chữa sai sót. Việc này gây khó khăn, mất thời gian cho công chức hộ tịch cấp xã, khiến người dân phải chờ đợi lâu.

Thực tế, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung đôi lúc xảy ra tình trạng đường truyền mạng bị nghẽn, bị lỗi, bị treo gây mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh trên phần mềm đôi lúc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ trả kết quả. Thêm nữa, mặc dù đã có quy định về việc cung cấp thông tin đăng ký hộ tịch trực tuyến nhưng hiện nay đa số người dân vẫn ưu tiên đến cơ quan chức năng để đăng ký trực tiếp.

Đề xuất, kiến nghị, chỉ đạo thực hiện

Sau 6 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch, UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu Trung ương một số nội dung đáng quan tâm. Cụ thể, tại Điều 32 Luật Hộ tịch, đề nghị quy định trừ trường hợp người chết tại nơi cư trú thì UBND xã không cần cấp giấy báo tử.

Bổ sung các quy định về thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ, thủ tục cấp lại bản chính giấy khai sinh, thẩm quyền bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam đối với UBND cấp huyện, bổ sung quy định phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn hoặc trích lục ghi chú kết hôn khi thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn.

UBND tỉnh đề nghị bổ sung thêm quy định xác nhận hay không xác nhận tình trạng hôn nhân đối với người đã chết vào Luật Hộ tịch. Bổ sung mẫu giấy báo tử do UBND cấp xã cấp, nhằm bảo đảm đầy đủ thông tin và thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Cần quy định cụ thể việc đăng ký khai tử cho những trường hợp người chết đã lâu, không còn mồ mả, không còn giấy tờ tuỳ thân, không có giấy báo tử hoặc bất kỳ giấy tờ thay thế giấy báo tử, không có giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng... để giải quyết các hồ sơ thừa kế.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đề xuất Chính phủ có chính sách giải quyết việc cư trú ổn định, lâu dài, chính sách giáo dục đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài nhưng về Việt Nam sinh sống mà không nhất thiết phải có hộ khẩu thường trú và quốc tịch Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý hộ tịch trong thời gian tới. Nâng cao chất lượng sổ hộ tịch cấp phát cho chính quyền cơ sở hoặc xem xét cho in sổ hộ tịch trực tiếp từ phần mềm nhằm tiết kiệm thời gian, tránh sai sót.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Văn Đặng- Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các Phòng Tư pháp, UBND cấp xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong đó, chú ý tuyên truyền về cách thức, lợi ích của việc đăng ký hộ tịch trực tuyến nhằm hạn chế tình trạng đăng ký hộ tịch quá hạn hoặc không đăng ký, góp phần tăng tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại địa phương. Việc giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch phải bảo đảm chính xác, kịp thời theo quy định.

Ông Đặng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm là bám sát chương trình công tác, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh liên quan đến số hoá thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến và Đề án 06 nhằm chủ động kịp thời triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện số hoá đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp.

Giám đốc Sở Tư pháp còn chỉ đạo, cần xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện số hoá (scan, quét, chụp) toàn bộ sổ đăng ký hộ tịch, giấy tờ hộ tịch thực hiện trước ngày 1.1.2016 trên hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp.

Các Phòng Tư pháp, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh định kỳ phối hợp với cơ quan Công an thực hiện đối chiếu dữ liệu hộ tịch với dữ liệu dân cư theo các văn bản hướng dẫn, bảo đảm dữ liệu này thống nhất. Quan tâm rà soát, kiến nghị cắt giảm các thành phần hồ sơ thủ tục còn rườm rà, không cần thiết nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục